Khi người đứng đầu nêu gương
Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đỗ Đức Thiện quần ống thấp ống cao, tất bật cùng cán bộ huyện, cán bộ xã kiểm kê, đo đạc lại tài sản, đất đai hoa màu của bà con trong thôn để chuẩn bị khởi công tuyến đường Hồ Chí Minh nối với chợ Chu (Thái Nguyên).
Ông chính là người mà Bí thư Đảng ủy xã Hùng Lợi Ma Văn Hùng chia sẻ: Mọi việc ở Làng Phan thuận như ngày hôm nay, đều là nhờ người Trưởng thôn gương mẫu, nói được làm được này. Sở dĩ nói như vậy, là vì từ khi được bầu làm Trưởng thôn, Phó Bí thư Chi bộ, ông Thiện đã “tái khởi động” nhiều phần việc mà thôn nhiều năm không làm được. Trong đó có làm đường bê tông nông thôn và lắp đặt cấu kiện kênh mương nội đồng, hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở. Năm 2023, Làng Phan là thôn hoàn thành nhiều nhất các phần việc này ở Hùng Lợi.
Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Phan Đỗ Đức Thiện.
Năm 2022, ông Thiện được dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Ông bảo, mình đã từng có thời gian làm cán bộ thôn, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, ông xin nghỉ một thời gian. Sau này Dân tin Đảng cử, ông lại gánh trách nhiệm “vác tù và” này.
Làng Phan có địa bàn tương đối rộng, lại đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, từ người Tày, người Mông, người Dao và người Kinh. Thôn cách xa trung tâm xã, bà con lại sống không tập trung mà ở thành từng nhóm hộ nhỏ lẻ khiến việc vận động, đóng góp hoàn thành các công trình hạ tầng ở thôn tương đối khó khăn. Chính vì thế, suốt nhiều năm trước đó, Làng Phan gần như không hoàn thành mét đường bê tông hay kênh mương nội đồng nào.
Là thôn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nếu không có hạ tầng đồng bộ, thì cuộc sống của bà con sẽ không khấm khá lên được, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đỗ Đức Thiện bàn với chi ủy về cách thức triển khai, vận động đóng góp từ người dân, sau đó mới mạnh dạn lên xã đăng ký việc làm đường, lắp đặt cấu kiện. Tất cả được ông đưa vào quy ước thôn, theo đúng tiêu chí muốn được hưởng quyền lợi, thì ai cũng phải có nghĩa vụ.
Những tuyến đường bê tông ở thôn Làng Phan được hoàn thành, tạo thuận lợi cho người dân trong đi lại, vận chuyển nông sản.
Ông bảo, vì các nhóm hộ nhỏ lẻ như thế, nếu làm đường ở khu vực nào, khu vực đấy đóng góp, thì số tiền bà con phải đóng góp sẽ rất lớn. Chính vì vậy, ông xin ý kiến người dân, thực hiện theo tinh thần cả thôn sẽ cùng nhau góp tiền, góp công, góp sức để cùng hoàn thành, không phân biệt đường vào khu nào, nhóm nào. Để giảm bớt mức đóng góp của các hộ dân, Làng Phan thống nhất trích một phần tiền từ số tiền hỗ trợ khoán bảo vệ rừng để xây dựng, mua sắm trang thiết bị, còn lại hỗ trợ cho các thành viên tuần rừng.
Thay da đổi thịt
Nhờ cách làm này, mà trong 2 năm qua, Làng Phan đã hoàn thành gần 1.000 mét đường bê tông nông thôn và lắp đặt hơn 500 mét cấu kiện kênh mương đúc sẵn. Năm nay, Làng Phan đăng ký thêm 300 mét đường nữa.
Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Phan Đỗ Đức Thiện dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng, chia sẻ: Như đoạn đường khu vực Nà Cò vừa hoàn thành, trước đây chỉ là đường mòn lầy lội lắm. Người lớn đi đã khổ, trẻ nhỏ đi học còn khổ hơn. Hay như tuyến kênh mương vừa được lắp đặt, trước đây là mương đất, việc thất thoát nước là không thể tránh khỏi. Chẳng thế mà chuyện mất đoàn kết, xích mích trong việc canh lấy nước vào ruộng từng xảy ra như cơm bữa.
Giờ lắp đặt được kênh mương theo cấu kiện bê tông đúc sẵn, ruộng đầu nguồn cũng như cuối nguồn chẳng khi nào lo thiếu nước, chuyện bất hòa, cãi vã cũng tự dưng mà mất đi… Nhà văn hóa Làng Phan hoàn thành đã lâu, nhưng vì không thống nhất được mức đóng góp, mà chưa hoàn thiện được sân nền, cũng không mua sắm được ghế bàn, loa đài… Từ nguồn tiền hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, Làng Phan trích hơn 16 triệu đồng để đổ bê tông sân và mua ghế, thuận cho bà con ngồi họp.
Làng Phan bình yên hôm nay.
Làng Phan là xã nhiều rừng nhất xã Hùng Lợi. Trưởng thôn Đỗ Đức Thiện bảo, ở đây, nhà ít cũng chỉ có chục ha thôi. Ở Làng Phan, chuyện những triệu phú từ bán rừng không ít đâu. Như nhà Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Làng Phan Ma Thị Thân - người nhiều rừng nhất Làng Phan. Chị Thân bảo, mình cứ tích cóp dần thôi. Ngoài đất rừng được giao, mỗi năm nhà chị dồn tiền mua thêm một ít. Chị Thân cười khoe, ngôi nhà sàn rộng rãi và cửa hàng nhỏ của gia đình, đều từ tiền bán rừng mà có.
Chẳng thế mà chuyện giảm nghèo ở Làng Phan cũng khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Ông Thiện bảo, đầu năm 2023, ở Làng Phan có 84 hộ nghèo, thì đầu năm nay qua rà soát còn 63 hộ. Việc giảm hơn 20 hộ nghèo ở thôn xa nhất nhì xã là chuyện không đơn giản, theo Trưởng thôn Đỗ Đức Thiện, tất cả đều nhờ nguồn thu từ rừng, khi trung bình mỗi năm, nguồn thu từ bán rừng ở Làng Phan xấp xỉ 3 tỷ đồng.
Làng Phan giáp với Chợ Chu, Định Hóa (Thái Nguyên). Người ở bản vẫn bảo nhau, đây là nơi một con gà gáy 2 tỉnh đều nghe.
Trước đây, người Làng Phan đã cuốc bộ sang Chợ Chu buôn bán. Giờ tuyến đường Hồ Chí Minh chuẩn bị được khởi công, sẽ mở ra cơ hội mới cho Làng Phan, Hùng Lợi và các xã trong khu vực trong việc giao thương, buôn bán hàng hóa. Mấy ngày hôm nay, người Làng Phan đang tích cực kiểm kê, đo đạc phần đất đai bị ảnh hưởng. Ai cũng mong con đường sớm hoàn thành.
Chào khách ra về, người Làng Phan không giấu được niềm hy vọng, như cách mà ông Ma Văn Khanh, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Làng Phan kỳ vọng: Chỉ 1 - 2 năm nữa thôi, Làng Phan sẽ không là Làng Phan của ngày hôm nay nữa đâu!.
Gửi phản hồi
In bài viết