Di tích Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương (Ảnh tư liệu).
Làng Sảo ngày ấy chỉ là một xóm nhỏ. Nơi đây, núi cao rừng rậm, có nhiều đường mòn, lối nhỏ đi lại thuận tiện trong cả vùng ATK – Tân Trào và sang Đại Từ, Định Hoá (Thái Nguyên). Lúc đầu, Bác được sắp xếp ở nhà ông Ma Văn Hiến, nhưng sau một thời gian ngắn, để tiện cho công việc và giữ bí mật, Bác Hồ chuyển vào ở trong căn lán nhỏ tại Đồng Củ Đại sát núi Lim. Gần nơi Bác ở có trụ sở Phủ Thủ tướng, trụ sở Bộ Tài chính và nơi ở của đồng chí Bộ trưởng Lê Văn Hiến; nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng và một số cơ quan khác...
Tại Làng Sảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều hội nghị quan trọng. Trong đó, từ ngày 3 đến 6 tháng 4 năm 1947, Bác Hồ chủ trì Hội nghị Trung ương cụ thể hoá đường lối kháng chiến và rút kinh nghiệm những tháng đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Ngày 25 tháng 5 Bác Hồ khai mạc Hội nghị Dân quân du kích toàn quốc nhằm đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích trong cả nước.
Ngày 27 tháng 5, Người gửi thư cho hội nghị, đánh giá cao vai trò của dân quân tự vệ và du kích: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo như thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó thì kẻ địch nào cũng phải tan rã”.
Cuối tháng 10 năm 1947, Bác Hồ chủ trì hội nghị bí mật của Trung ương gọi là “Hội nghị Thanh Sơn” đề ra chỉ thị phá tan cuộc tấn công của Pháp lên Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 và trực tiếp chỉ đạo một cuộc họp bí mật của Trung ương Đảng đề ra phương hướng chỉ đạo cuộc kháng chiến của quân dân ta, chống cuộc càn quét của thực dân Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc, giành thắng lợi, đập tan âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng.
Trong thời gian ở Làng Sảo, Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương Đảng tiếp tục hoàn chỉnh đường lối chiến lược của cuộc kháng chiến cứu nước. Những hoạt động của Người cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời gian này đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, gian khó, đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Mặc dù thời gian Bác Hồ ở Làng Sảo không dài, nhưng tại đây, Bác và Trung ương Đảng đã có những quyết định quan trọng. Với ý nghĩa lịch sử đó, năm 2000 Làng Sảo đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Quốc gia.
Gửi phản hồi
In bài viết