Cách thành phố Tuyên Quang chừng 10 km có một làng văn hóa nằm tựa lưng vào chân núi Là. Ngôi làng bình yên ấy được bao bọc và nuôi dưỡng bởi nguồn nước xanh mát, dồi dào mà nhờ đó những câu chuyện cổ, những làn điệu dân ca dưới nếp nhà sàn vẫn luôn âm ỉ cháy, trú ngụ trong ký ức của từng lớp thế hệ suốt bao năm qua…
Thôn Động Sơn, xã Chân Sơn cách thị trấn Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang chừng 10 km. Thôn có khoảng 140 hộ, 80% là đồng bào dân tộc Cao Lan cùng sống quần tụ dưới chân núi Là. Bao quanh ngôi làng nhỏ ấy là nguồn nước xanh mát chảy quanh của hồ Ngòi Là 1, Ngòi Là 2.
Xanh mát hồ Ngòi Là
Chúng tôi ghé thăm một ngôi nhà cổ, nơi mà du khách vẫn thường ghé nơi đây để tham quan, chiêm ngưỡng. Theo bà con thôn Động Sơn, người Cao Lan đã tìm về chốn này định cư từ hàng trăm năm trước. Ngày đó, tên thôn là Động Móc, bởi giữa làng có cây Móc to sừng sững. Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, cây Móc như biểu trưng ngọn nguồn sức mạnh của làng Cao Lan, cùng dân làng bám trụ, sinh sôi đến bây giờ. Sau này khi chia tách, thôn đã được đổi tên là Động Sơn. Chữ “Sơn” bắt đầu từ “núi Là”. Thoát khỏi những định kiến xưa cũ và những phong tục lạc hậu, người Cao Lan ở Động Sơn ngày nay đã cùng nhau xây dựng đời sống mới gắn với việc bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc mình.
Nhà sàn của người Cao Lan như linh hồn văn hóa của cả cộng đồng
Bên ngôi nhà sàn cổ bằng gỗ mang đậm nét đặc trưng văn hóa người Cao Lan xưa, ông Vương Đức Trung ánh mắt đầy tự hào bảo, căn nhà cũng ngót gần 40 tuổi rồi. Năm ấy, tốp thợ về dựng mất 7 tháng trời. Các chi tiết được hoàn thiện một cách tỉ mỉ theo lối cung đình thời xưa. Giờ gỗ hiếm, nhiều gia đình dựng nhà sàn bằng bê tông nhưng vẫn trang trí theo nét xưa ấy. Ngôi nhà có những hàng cột lớn, trên có nhiều xà lớn chồng lên nhau. Vì kèo nọ giằng với vì kèo kia bằng một hệ thống xà thượng, xà tứ. Tất cả tạo nên một bộ khung bằng gỗ tháo lắp dễ dàng mà không cần dùng đến dù chỉ một cái đinh. Những bức tường ngăn là ván tấm liền bản chạm trổ họa tiết cổ công phu. Nhà sàn của người Cao Lan như linh hồn văn hóa của cả cộng đồng.
Một ngôi nhà sàn cổ của người Cao Lan.
Toàn thôn Động Sơn hiện có 67 ngôi nhà sàn, bao gồm 8 ngôi nhà sàn cổ bằng gỗ, còn lại được cách điệu, đổi mới bằng những ngôi nhà sàn bê tông kiên cố, vững chãi. “Giờ ở Động Sơn này còn ít nhà sàn gỗ cổ, ngôi nhà sàn của gia đình ông được xã, thôn chọn làm điểm du lịch cộng đồng. Ông thấy thật vinh dự và tự hào lắm.”- ông Trung cười hiền hậu bảo.
Một góc thôn Động Sơn ngày nay.
Đến thăm làng văn hóa dân tộc Cao Lan, du khách sẽ không khỏi ấn tượng trước những bộ trang phục truyền thống được các bà, các mẹ gìn giữ qua bao thế hệ. So với các dân tộc khác, trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Cao Lan mộc mạc, đơn giản, song cũng có rất nhiều nét đặc trưng riêng đó là sự kết hợp giữa hai màu chủ đạo đen, đỏ. Phụ nữ Cao Lan còn đeo theo nhiều đồ trang sức bạc như nhẫn, vòng tay, xà tích, vòng cổ, hoa tai để tôn thêm nét yểu điệu, duyên dáng.
Bà con dân tộc Cao Lan ở Động Sơn rạng rỡ trong trang phục truyền thống.
Ghé thăm ngôi nhà cổ của bà La Thị Tập, chúng tôi bị cuốn theo câu chuyện về phong tục truyền thống của người Cao Lan từ xa xưa. Bà bảo, ngày trước, người con gái Cao Lan sắp đi lấy chồng đều tự mình dệt vải, nhuộm chàm rồi khâu áo bằng tay mang theo về nhà chồng. Áo dài bên ngoài gọi là Pù dằn dinh, áo yếm gọi là sồng dím, váy cũng được dệt bằng vải chàm, ở chân cuốn xà cạp với quai xà cạp dệt thổ cẩm, trên đầu đội khăn. Hoa văn trên trang phục của người Cao Lan cũng rất đa dạng như hoa trám, hình lục lăng, dệt chữ theo đường nét hoa văn… Trang phục được thêu dệt tỷ mỉ, nói lên đức tính kiên nhẫn, chăm chỉ và luôn mong được xinh đẹp của phụ nữ Cao Lan.
Dệt thổ cẩm truyền thống vẫn được bà con bảo tồn
Bà con nơi đây luôn tự hào vì vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo như những câu hát Sình ca, các điệu múa dân gian, tiếng nói, trang phục dân tộc. Để biến tiềm năng thành cơ hội phát triển du lịch, từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Yên Sơn đã triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. Từ đó nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn.
Du khách trải nghiệm đi bè mảng trên hồ Ngòi Là.
Huyện chú trọng xây dựng các sản phẩm của làng văn hóa gắn với trải nghiệm homestay, các dịch vụ ăn uống, giải trí, chèo thuyền, đi mảng, câu cá trên hồ Ngòi Là 1, Ngòi Là 2; tham gia lễ hội đình Làng Là.
Văn hóa Cao Lan được lưu truyền qua từng nếp sách cổ.
Đồng chí Khổng Thị Tân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, triển khai Đề án, cấp uỷ, chính quyền xã và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp tuyên truyền, vận động bà con đồng bào dân tộc Cao Lan hiến đất nâng cấp tuyến đường đi từ Kim Sơn sang Động Sơn; vận động đồng bào gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc như trang phục truyền thống, làn điệu Sình ca, các điệu múa dân gian... Đặc biệt, xã đã phục dựng lại Lễ hội tắm lửa, Lễ hội Đình Làng; thành lập 2 câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc với 35 thành viên; xây dựng các sản phẩm đặc sản như gà thả đồi Động Sơn, cá đặc sản hồ Ngòi Là. Các homestay được xây dựng sẵn sàng đón du khách đến trải nghiệm hoạt động văn hóa, văn nghệ và thưởng thức ẩm thực cùng với đồng bào dân tộc nơi đây.
Nghề đan được khôi phục gắn với phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch.
Chị Lê Thúy Hằng chủ Homestay Thúy Hằng, thôn Động Sơn, xã Chân Sơn, Yên Sơn chia sẻ, gia đình chị đã đầu tư xây dựng homestay nhà sàn bê tông theo kiến trúc truyền thống với 6 phòng nghỉ cùng khu vệ sinh, nhà tắm, khuôn viên mở, gần gũi với thiên nhiên. Ngoài ra, gia đình cung cấp thêm các dịch vụ đi mảng trên hồ Ngòi Là, ẩm thực, văn nghệ, đa dạng hóa các dịch vụ trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc Cao Lan.
Anh Ma Văn Thông, Trưởng thôn Động Sơn.
Bên cạnh giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống, người Cao Lan thôn Động Sơn đang nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Anh Ma Văn Thông, Trưởng thôn cho biết, người dân thôn Động Sơn chủ yếu sống bằng nghề nông. Ngoài hai vụ lúa, bà con trong thôn còn phát triển rừng trồng với trên 30 ha.
Bức tranh làng quê yên bình ở Động Sơn.
Gần chục năm trở lại đây, bà con trong thôn bảo nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đất vườn tạp sang trồng bưởi, ổi, nuôi gà, thả cá… tăng thu nhập. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của thôn còn 17%, thu nhập bình quân đạt 26 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, thôn đang từng bước đưa gà thả đồi trở thành một sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng của làng văn hóa dân tộc Cao Lan. Năm 2021, thôn thành lập nhóm cùng sở thích chăn nuôi gà thả đồi với 7 thành viên tham gia. Mỗi hộ nuôi từ 3.000 - 4.000 con gà/năm.
Bà con cần cù, chịu khó vươn lên phát triển kinh tế.
Động Sơn đang dần được đánh thức và phát huy tiềm năng để trở thành điểm du lịch không thể thiếu trong hành trình kết nối du khách trải nghiệm Lễ hội Thành Tuyên, du lịch nghỉ dưỡng Suối khoáng Mỹ Lâm, hồ sinh thái Na Hang…
Gửi phản hồi
In bài viết