Theo quan niệm của người Tày, Nùng, cây mía giống như một biểu tượng của sự giao hòa trời đất, kết nối hai thế giới âm dương. Tán lá tượng trưng cho mây, trời. Gốc rễ tượng trưng cho đất, cho nguồn cội gia đình. Những dóng mía chính là những nấc thang nối liền đất trời, âm dương dẫn đón linh hồn tổ tiên từ trên trời trở về hạ giới sum vầy cùng cháu con và cũng là linh vật đưa tổ tiên trở về trời sau những ngày Tết quây quần cùng con cháu.
Tục cúng mía là nét đẹp truyền thống của người dân tộc Tày, Nùng
Ông Lý Xuân Đồng, dân tộc Nùng, thôn Soi Trinh, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) cho biết, Tết năm nào ông cùng chọn hai cây mía thật to, thật thẳng để dựng hai bên bàn thờ tổ tiên. Mỗi bên một cây mía, một bên cúng nam giới (cụ ông), bên kia là nữ (cúng cụ bà). Phong tục này đã được gia đình ông cũng như nhiều hộ gia đình người Tày, Nùng trong thôn, xã gìn giữ từ đời này đến đời khác. Trong tâm thức của ông, bàn thờ tổ tiên ngày Tết chưa bao giờ thiếu đi hình ảnh vươn cao của hai cây mía đặt hai bên bàn thờ. Bởi cây mía là vật tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi mạnh mẽ, giống như nguồn nước vô tận mang lại sự sống cho cây cối, mùa màng không bị hạn hán. Vì vậy, đồng bào Tày, Nùng chọn cây mía cúng lên bàn thờ vào những ngày Tết chính là gửi gắm mong ước năm mới được thần linh, tổ tiên phù hộ, ban phúc.
Cây mía còn thể hiện cho sự mộc mạc, tình cảm chân thành, đoàn kết gắn bó trong đời sống của đồng bào Tày Nùng ở xứ Tuyên. Như chia sẻ của anh Hoàng Văn Hữu, dân tộc Tày, thôn Ngọc Lâu, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa): Gia đình nào có vườn mía tím ngon, đẹp mắt thì hầu hết họ đều để dành cho ngày Tết, vừa để phục vụ gia đình, vừa làm quà biếu, hoặc hàng xóm ai cần thì đến lấy. Tình cảm xóm làng thêm gắn bó nhờ những món quà giản dị, chân chất ấy. Bởi ai đến lấy mía cũng dành thời gian hỏi han, trò chuyện về việc chuẩn bị Tết, về dự định của năm mới. Tình làng nghĩa xóm nhờ vậy thêm thắt chặt.
Tục cúng mía là nét đẹp truyền thống của người dân tộc Tày, Nùng về tinh thần đoàn kết và việc biết ơn tổ tiên cũng như thiên nhiên, núi rừng. Phong tục này chính là nét đẹp, là biểu tượng văn hóa tâm linh được đồng bào Tày, Nùng lưu giữ từ đời này sang đời khác, giúp cho ngày Tết thêm đậm đà bản sắc dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết