Chuối Tây là cây trồng nằm trong quy hoạch phát triển vùng cây ăn quả chủ lực của huyện Chiêm Hóa. Hiện toàn huyện có hơn 820 ha chuối. Nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã tận dụng đồi nương trồng sắn không hiệu quả chuyển sang trồng chuối. Cây chuối không chỉ cho người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo mà còn giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn. Trồng chuối chi phí ít mà cho thu nhập khá, trồng 1 năm nhưng cho thu hoạch được nhiều năm. Chuối có giá bình quân từ 5-6 nghìn đồng/kg, có thời điểm từ 11.000 - 12.000 đồng/kg. Mỗi buồng chuối có trọng lượng trung bình 15-20 kg. Trung bình mỗi 1ha chuối cho thu nhập từ 60-80 triệu đồng/năm. Từ trồng chuối mà người dân đã làm ra các sản phẩm như rượu chuối, chuối sấy khô, từ đó nâng cao thu nhập.
Vườn chuối của hộ ông Cao Văn Thanh (Bên trái), thôn Ngọc Quang,
xã Kim Bình nhiều cây có hiện tượng khô ngọn, chết dần.
Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, nhiều xã trên địa bàn huyện Chiêm Hóa xuất hiện một số loại sâu bệnh khiến cây chuối chết dần. Kim Bình có diện tích chuối tương đối lớn với trên 450 ha, bà con đang rất lo lắng vì cây chuối đang chết dần vì sâu bệnh. Theo ông Hà Công Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Bình thì các loại bệnh xuất hiện trên cây chuối chủ yếu là vàng lá, sâu đục thân… Từ năm 2016 đến nay, diện tích chuối của đã giảm 20% do sâu bệnh. Những diện tích chuối bị sâu bệnh nặng không thể phục hồi bà con phải chuyển đổi sang cây trồng khác.
Ông Nông Văn Mình, thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình cho biết, gia đình trồng 2 ha chuối tây trên vườn đồi mỗi năm cũng thu gần 100 triệu đồng, tuy nhiên năm 2016 do chuối sâu bệnh thất thu gia đình phải phá bỏ. Gia đình ông Cao Văn Thanh, thôn Ngọc Quang trồng trên 1,5ha chuối, trung bình cho thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm nhưng thời gian qua, cây chuối chết chết khô, hiện vườn chuối chỉ thu được khoảng 30% quả.
Hầu hết các vườn chuối của các xã lân cận như Tri Phú, Linh Phú đều có hiện tượng chết khô. Năm 2016, UBND xã Kim Bình đã mời chuyên gia từ Trường Đại học nông lâm Bắc Giang về tìm hướng diệt trừ sâu bệnh trên cây chuối, tuy nhiên đến nay chưa có hiệu quả. Diện tích cây chuối bị vàng lá, héo khô, đổ gục ngày một nhiều hơn làm cho người dân lo lắng.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chiêm Hóa, nguyên nhân chuối bị sâu bệnh có thể do một số hộ lấy giống chuối tại vùng bị dịch bệnh về trồng, từ đó lây lan ra cả vùng. Mặt khác diện tích chuối trồng sau 5 năm cho thu hoạch đã già cỗi, không còn khả năng kháng cự với sâu bệnh, tự chết. Cũng theo khuyến cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, loại sâu bệnh hại trên cây chuối chủ yếu là sâu đục thân. Bởi vậy không nên lấy giống ở vườn đang bị sâu bệnh. Ngoài ra, trước khi trồng cần ngâm cây giống vào trong dung dịch thuốc Basudin, Furadan, sử dụng các loại thuốc trừ sâu dạng hạt như Padan, Regell 3G rắc vào gốc:... Với những vườn đã bị sâu gây hại nhiều sau khi thu hoạch cần chặt bỏ sát gốc, đào bỏ hết cả phần củ rồi đưa ra khỏi vườn để tiêu hủy.
Với tuyến trùng hại chuối, cần xử lý đất bằng các loại thuốc trừ tuyến trùng như Marsha 5GP, Rigell 3G. Người dân cần sử dụng giống chuối nuôi cấy mô hoặc lấy giống ở vườn sạch bệnh, trồng cây đảm bảo mật độ, khoảng cách. Đồng thời, tăng cường bón phân chuồng hoai mục cho cây. Phun thuốc phòng bệnh bằng các loại thuốc trừ nấm. Khi phát hiện khóm chuối bị bệnh cần đào bỏ cả gốc đem đi tiêu hủy, rắc vôi bột vào hố để tiêu diệt mầm bệnh...
Gửi phản hồi
In bài viết