Cô Tươi từng công tác ở những trường vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Na Hang như THCS Thượng Nông, Thượng Giáp trước khi chuyển về trường THCS Phù Lưu (Hàm Yên) và ở đâu cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ năm 2007 sau khi gia đình cô chuyển về định cư tại xã Phù Lưu nhường đất xây dựng công trình thủy điện Tuyên Quang, cô Tươi được tạo điều kiện chuyển về trường THCS Phù Lưu công tác. Tại đây, cô đã có nhiều đổi mới trong dạy học, những giờ học môn Lịch sử hay Giáo dục công dân đã thực sự thu hút, tạo cảm hứng học tập cho học sinh. Cô Tươi cho biết, trong những giờ dạy học cô không gây áp lực cho học sinh mà luôn tạo cho học sinh cảm thấy yêu thích môn học, trong giờ giáo viên cùng học sinh cùng trao đổi, gợi mở, học sinh giải quyết vấn đề.
Để những giờ học hấp dẫn hơn, cô Tươi thường sưu tầm những hình ảnh minh họa, làm các đồ dùng tự tạo, xây dựng bản đồ kiến thức... giúp học sinh hiểu bài hơn và phát triển khả năng tổng hợp, ghi nhớ bài một cách khoa học và logic hơn. Đối với môn Giáo dục công dân, ngoài kiến thức trong sách vở thì những bài học từ cuộc sống, hay những kiến thức xã hội thường được cô trang bị cho học sinh để học sinh phát triển toàn diện hơn...
Công tác ở ngôi trường với tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên cô Tươi xác định phải nắm rõ hoàn cảnh từng em để giúp đỡ, nhất là những học sinh bố mẹ đi làm ăn xa. Do vậy, ngoài những giờ dạy học trên lớp, cô Tươi còn dành thời gian để đến nhà học sinh tuyên truyền, hỗ trợ các em trong cuộc sống và học tập, giúp các em ôn tập.
Với nhiều đổi mới, nỗ lực trong công tác, cô Tươi đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử và Giáo dục công dân tại trường THCS Phù Lưu. Trong những năm học gần đây, năm nào nhà trường cũng có học sinh đạt giải cao tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử. Bản thân cô Tươi nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và được Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng.
Gửi phản hồi
In bài viết