Tiếp chúng tôi tại nhà, ông Trần Văn Bản vừa chia sẻ chuyện nghề, vừa say sưa tay búa, tay đục hoàn thiện chiếc khuôn bánh đang làm dở. Gian nhà nhỏ phía ngoài là nơi chế tác, cũng là nơi ông trưng bày những mẫu khuôn bánh trung thu bằng gỗ với đa dạng kích thước, kiểu dáng khác nhau.
Bên cạnh những hoa văn truyền thống như mai, trúc, cúc, sen, cá chép, rồng, phượng…, người thợ mộc đã bước sang tuổi 56 còn tạo tác ra những khuôn bánh có họa tiết mới mẻ giúp mâm cỗ trông trăng sống động hơn với hình ảnh lợn mẹ-lợn con, 12 con giáp, Chùa Một Cột…, và cả những khuôn bánh chạm khắc tinh xảo theo đơn đặt hàng của các công ty.
Ông Bản nhớ lại, cách đây chừng 20 năm, trong thôn cũng có một số hộ làm nghề sản xuất khuôn bánh trung thu, song do tính chất mùa vụ nên phần lớn đã chuyển sang làm đồ mỹ nghệ, chỉ còn ông vẫn theo đuổi công việc thủ công vất vả này với mong muốn duy trì nghề truyền thống mình đã gắn bó suốt gần 40 năm qua.
Ðể làm ra một khuôn bánh trung thu hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn: Từ xẻ gỗ thành miếng, bảo quản khô, tạo phôi phù hợp đến kẻ mực, đục tạo hoa văn, mài nhẵn. Trong đó, chiếm thời gian và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo nhiều nhất là công đoạn tạo hoa văn, đường nét trang trí trên khuôn. Hoa văn phải sắc sảo, nổi bật, đường nét phải chắc chắn, sinh động thì bánh thành hình mới đẹp, bột bánh mới dóc, không bị bám vào khuôn.
Với những họa tiết mới lạ làm theo yêu cầu riêng của khách thì không những cần sự tinh tế, khéo tay mà còn đòi hỏi phải có quá trình tính toán, nghiên cứu kỹ của người thợ sao cho thực hiện các chi tiết một cách chuẩn xác. Ðể thổi hồn cho khuôn bánh, ông Bản có cả bộ sưu tập gồm hàng trăm chiếc đục mang kích thước, độ nhọn sắc khác nhau.
Ông cho hay, trước kia, khuôn bánh trung thu thường được làm bằng gỗ thị nhưng hiện tại, loại gỗ này khá hiếm. Ông chuyển sang dùng chất liệu gỗ xà cừ - loại gỗ vừa có độ bền, ít cong vênh, vừa có độ dẻo giúp tạo tác họa tiết dễ hơn. Xưa kia, việc tạo khuôn bánh phải làm hoàn toàn thủ công cho nên mất nhiều thời gian, công sức. Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ của máy móc, công đoạn đục, phá để tạo độ nông sâu cho sản phẩm đã được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, tất cả các hoa văn, họa tiết vẫn phải thực hiện hoàn toàn bằng tay, đòi hỏi người thợ phải có sự kiên trì, tỉ mỉ và óc sáng tạo. Thời gian thực hiện khuôn bánh phụ thuộc vào kích thước và độ cầu kỳ, phức tạp của hoa văn. Tùy theo yêu cầu, có khuôn làm ra bánh nặng hai lạng, cũng có khuôn làm ra bánh nặng tới cả tạ. Với khuôn bánh thông thường, ông Bản mất khoảng hai, ba tiếng để hoàn thành, nhưng cũng có những khuôn bánh lớn, cần sự cầu kỳ ông phải dành hơn một tháng mới làm xong.
Từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch hằng năm là thời điểm người thợ mộc thạo nghề bận rộn nhất. Khách hàng từ khắp các tỉnh trong nam, ngoài bắc, thậm chí có cả những du khách nước ngoài khi nghe tiếng cũng tìm đến nhà ông đặt mua khuôn. Có lúc nhiều đơn hàng, ông Bản huy động cả con, cháu hỗ trợ thực hiện những công đoạn ít phức tạp. Mùa Trung thu, gia đình ông xuất xưởng được hàng trăm chiếc khuôn.
Những khuôn phổ thông có giá dao động từ 350 nghìn đến 450 nghìn đồng, khuôn nhỏ thường được các trường học đặt để học sinh thực hành làm bánh có giá chỉ khoảng hơn 100 nghìn đồng, cũng có những khuôn cầu kỳ hơn có giá 600 nghìn đến 700 nghìn đồng hoặc hơn một triệu đồng…
Ông chia sẻ những năm gần đây, khuôn bánh trung thu truyền thống bị cạnh tranh mạnh mẽ vì thị trường tràn ngập khuôn bánh Trung Quốc làm từ nhựa với phong phú mẫu mã khác nhau. Song những khách hàng tinh tế, yêu bánh trung thu truyền thống vẫn tìm đến với khuôn bánh gỗ. Có lẽ vì so với khuôn nhựa, khuôn gỗ không những bền, bảo đảm tính an toàn thực phẩm cao hơn mà còn ẩn chứa trong đó cả tinh hoa nghề truyền thống cha ông cũng như tâm huyết, độ tinh tế của người thợ lành nghề.
Vào vụ Trung thu, nhiều ngày ông Bản chỉ có vài tiếng ngủ nghỉ, thời gian còn lại tập trung làm khuôn để còn kịp trả hàng cho khách. Bàn tay lúc nào cũng thô ráp, tư thế phải ngồi đục, đẽo thường xuyên cũng khiến ông mắc bệnh về cột sống. Nhưng với hơn nửa đời người gìn giữ nghề làm khuôn bánh trung thu, góp phần mang đến niềm vui cho nhiều người trong dịp lễ đặc biệt của năm, ông Bản chưa bao giờ có ý định dừng lại. Ông vẫn đang miệt mài giữ nghề và truyền nghề cho con cái để tinh hoa nghề truyền thống cha ông tiếp tục được lưu giữ, phát huy…
Gửi phản hồi
In bài viết