Tuyên Quang đang vào mùa măng nứa. Bạn cần lựa chọn những củ măng nứa to vừa phải, sau đó rửa sạch, luộc qua vài lần nước cho bớt hăng. Người miền núi rất chú trọng phần nhân thịt, thường thì phải là thịt ba chỉ vì có cả mỡ lẫn nạc, măng cần có nhiều mỡ để măng mềm và tăng vị thơm ngon. Thịt xay nhuyễn trộn với trứng cùng rau răm, nấm hương, hành lá thái nhỏ, thêm một chút muối và bột nêm. Nên lọc lấy thịt, còn bì để dưới đáy nồi, như vậy sẽ làm măng có nhiều mỡ và không bị cháy.
Dùng thìa khoét cho miệng măng sâu hơn, xúc từng thìa nhân nhồi vào trong lõi của từng chiếc măng, sau đó xếp từng chiếc vào nồi. Cho một bát con nước vào nồi đun sôi, rồi hạ lửa vừa, thỉnh thoảng trở măng cho thấm đều gia vị. Om chừng 20-30 phút, thấy mùi thơm tỏa ra là măng đã chín. Cho ra đĩa để cho nguội bớt rồi cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
Cũng với cách chế biến nhân như trên, bạn có thể làm món măng vầu cuốn cũng thơm ngon không kém. Sau khi luộc cả củ măng vầu, dùng tay bóc nhẹ lấy lớp lá non. Còn phần củ, dùng dao gọt xung quanh, dài khoảng 2-3 đốt ngón tay, nên gọt thật mỏng để tránh bị dai khi ăn. Sau đó, lấy phần nhân đã chuẩn bị để cuốn. Những lớp lá non cuốn nhân thịt nên xếp trên cùng vì dễ chín hơn phần củ măng.
Khi đã ngán với bữa ăn có quá nhiều chất đạm, bạn có thể đổi vị cho gia đình với món măng nhồi thịt này. Với sức hấp dẫn riêng có, món măng nứa nhồi thịt được nhiều nhà hàng trong tỉnh bổ sung vào thực đơn để thực khách có thêm sự lựa chọn.
Gửi phản hồi
In bài viết