Một thời hoa lửa
Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm Thành cổ Quảng Trị. Suy tưởng về sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ qua lời hướng dẫn của chị Trần Thị Phương Lan, Ban Quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị khiến các thành viên trong đoàn công tác của Báo Tuyên Quang chúng tôi không kìm được nước mắt. Trong mỗi người đều dâng lên niềm cảm phục sự hy sinh cao cả của các anh, các chị để thế hệ sau có được hòa bình như ngày hôm nay.
Đoàn công tác của Báo Tuyên Quang dâng hương, hoa tại Đài tưởng niệm trung tâm Thành cổ Quảng Trị.
Trên Đài tưởng niệm trung tâm, một giọng nói vang lên "Đồng đội ơi, các đồng chí ơi hãy yên nghỉ nhé! Cảm ơn các đồng chí", cả đoàn đứng nghiêm trang hướng về lư hương chào theo điều lệnh, cả không gian Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị lặng đi. Ông là Đoàn Tất Đắc, Trưởng đoàn CCB tỉnh Đắk Nông, nguyên là Trung đội trưởng C2 -D7 - E64 (Trung đoàn Quyết Thắng)- F320B trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Hôm nay đoàn cựu chiến binh tỉnh Đắk Nông chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị lại về thăm các đồng đội đang nằm lại nơi đây. Kể cho tôi nghe về những trận đánh oanh liệt những năm 1972, giọng ông chậm rãi: "Tôi cũng giống như bao người khác thôi, khi đất nước có chiến tranh thì mình lên đường nhập ngũ, tiếng gọi của Tổ quốc khi ấy thiêng liêng lắm cháu ạ”.
Nói đến đấy giọng ông trầm xuống, bao kí ức về một thời bom đạn ác liệt, đầy mất mát đau thương nhưng rất đỗi tự hào lại ùa về. Ông kể, trên hướng Đông, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ chốt giữ khu vực Cửa Việt, đồng thời cùng với cán bộ cơ sở vận động, tổ chức sơ tán nhân dân về phía sau, kể cả địch tràn qua, chuẩn bị mặt trận sau lưng địch. Sau nhiều ngày đêm quân ta chiến đấu giành giật từng tấc đất với quân thù. Quân thù với hỏa lực mạnh và được yểm trợ bởi máy bay ném bom đã hầu như san phẳng thành phố Quảng Trị. Để giữ được Thành cổ, chiến sĩ ta đã phải sử dụng chiến thuật phối hợp hỏa lực và vận động, dùng pháo binh, xe tăng dẫn đầu đánh tan những vị trí địch yếu kém. Các dàn súng phòng không cơ động ngăn không cho máy bay đến đúng tầm có thể yểm trợ, nhờ đó xe tăng ào tới chiếm các mục tiêu của địch. Chính tại chiến trường này, ông Đắc đã bị thương và được đưa về tuyến sau.
Đoàn Cựu chiến binh tỉnh Đắk Nông dâng hương, hoa tại Đài tưởng niệm trong Thành cổ Quảng Trị.
Hay câu chuyện của cô Dương Thị Hoài Năm, nguyên là xã đội phó xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong câu chuyện của cô là những hy sinh của nhưng người đồng đội của cô, họ đã mãi mãi nằm lại nơi này, nước mắt cứ chảy dài trên gò má người thanh niên xung phong năm xưa giờ đã ở tuổi xế chiều khi nhắc đến chị Thể, anh Hoàng những người đồng đội đã cùng chiến đấu hy sinh ngay trước mặt cô, có người chỉ còn lại 1 cánh tay…
Thành cổ Quảng Trị uy nghi, trầm mặc đổ bóng xuống dòng sông Thạch Hãn hiền hòa. Mùa hè năm 1972, tại nơi đây có khoảng 328.000 tấn bom đạn của giặc Mỹ đã dội xuống mảnh đất này. Ngày cũng như đêm, trời và đất Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, một cành hoa hay một ngọn cỏ nào có thể sống sót. Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị góp phần mở ra con đường đi tới chiến thắng sau này. Quân ta đã làm thất bại âm mưu tái chiếm thị xã Quảng Trị của địch hòng gây sức ép tại Hội nghị Paris. Quân thù huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng bom đạn khổng lồ trút xuống hơn 3km vuông thành cổ. Điều làm cho tôi vô cùng ấn tượng là tinh thần lạc quan toát lên từ tấm ảnh giữa những gam màu xám xịt đen tối của chiến tranh, giữa sự khốc liệt của mưa bom lửa đạn, giữa ranh giới sống chết mong manh. Ta bắt gặp nụ cười của các anh, chị vẫn luôn rạng ngời, tươi tắn, thể hiện niềm tin yêu vào ngày mai tươi sáng qua những bức ảnh, bức thư được lưu giữ tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị toát lên một ý chí bất diệt.
Suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, hàng ngàn người con ưu tú của đất nước những sinh viên đại học gác sách bút nghiêng với bao nhiêu hoài bão. Họ xung phong ra chiến trường với những bức tâm thư được viết bằng máu mong được chiến đấu giữ lấy những tấc đất quê hương. Họ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, máu xương của các anh đã tan vào đất mẹ, hòa trong sóng nước mênh mang của dòng sông Thạch Hãn.
Du khách thập phương tới tham quan Thành cổ Quảng Trị.
Đến với Thành cổ Quảng Trị không chỉ là đến với một di tích lịch sử mà còn là đến với một nghĩa trang, một nghĩa trang không có nấm mồ. Khác với Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn hay các nghĩa trang khác ai nằm xuống dù biết tên hay chưa đều có một ngôi mộ riêng. Nhưng ở Thành cổ Quảng Trị các anh, các chị chỉ có một ngôi mộ tập thể, một nấm mộ chung đó chính là “Đài tưởng niệm trung tâm”. Thành Cổ Quảng Trị quả là một tượng đài bất tử vì nó được dựng lên bằng máu và xương thịt của hàng nghìn người lính trẻ, khắc ghi dấu ấn của dân tộc. Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh, có ai trong chúng ta biết được dưới lớp “Cỏ non Thành cổ - một màu xanh non tơ” kia, dưới tầng sỏi đá kia còn biết bao hài cốt chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Biểu tượng của hòa bình
Nơi tôi đứng đây, 50 năm trước đầy máu và lửa giờ đây là những thảm cỏ xanh rờn trải rộng hòa lẫn xương máu của các anh, hơn bao giờ hết lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước và những xúc cảm cứ dâng trào. Bước mỗi bước chân trên mảnh đất Thành Cổ, có lẽ ai cũng cảm nhận được sự linh thiêng của mảnh đất này, nơi máu chiến sỹ hòa với gạch đá, mỗi centimet đất đều thấm đẫm máu các anh.
Đoàn công tác của Báo Tuyên Quang dâng hương, hoa tại Đài tưởng niệm trung tâm Thành cổ Quảng Trị.
Đạn bom cũng đã đi qua, thời hoa lửa lùi xa trong trí nhớ. Qua bao thăng trầm lịch sử, Thành cổ Quảng Trị vẫn ở đó, là nhân chứng cho những tội ác của chủ nghĩa thực dân và đế quốc, cũng là nhân chứng cho những nỗi đau bi thương của cả dân tộc, mẹ mất con, con mất cha, vợ mất chồng. Để bảo vệ Thành cổ, hàng vạn Anh hùng, Liệt sỹ là những người con yêu quý trên khắp mọi miền Tổ quốc vì một lý tưởng cao đẹp đó là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đã anh dũng ngã xuống, đem theo tuổi thanh xuân cùng bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Xương máu của các anh ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị yêu thương.
Được sinh ra trong thời bình là một sự may mắn đối với thế hệ trẻ chúng tôi ngày nay. Thành cổ Quảng Trị tiễn chúng tôi với những xúc cảm còn nguyên vẹn. Mỗi chúng tôi - những đoàn viên trẻ của Báo Tuyên Quang càng thấm thía hơn những hy sinh, mất mát của một thế hệ những người con đất Việt đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Trong lòng mỗi người đều thầm cảm thấy tự hào vì mình là người được lựa chọn trong chuyến đi đầy ý nghĩa này. Thế hệ thanh niên chúng tôi cũng luôn phải ý thức vai trò trách nhiệm của mình đối với đất nước, xác định cho mình một lý tưởng sống cao đẹp, giàu tinh thần tự hào, hăng say trong lao động, học tập, không ngừng rèn luyện, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ đi trước để chúng tôi có được ngày hôm nay.
Gửi phản hồi
In bài viết