Nhớ chiếc gàu sòng…
Chẳn hẳn, thế hệ 7X, 8X trở về trước đều thuộc làu câu ca dao: Hôm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen. Câu ca phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất của người nông dân Bắc Bộ với cây đa, bến nước, sân đình và tình yêu lứa đôi cũng nảy nở trong bối cảnh làng quê đẹp bình dị ấy.
Và bao thế hệ người nông dân nói chung và người Sán Dìu ở xã Thiện Kế, Sơn Dương nói riêng cũng lớn lên trong mảnh hồn làng ăm ắp nghĩa tình ấy. Chẳng thế mà giờ đây, trong gia đình người Sán Dìu vẫn lưu giữ những vật dụng thân thuộc trong đời sống lao động, sản xuất xưa như: Gàu tát nước, chum, vại đựng nước, cối giã gạo, rế nồi, nong, nia… Tất cả được các bậc cao niên gìn giữ và được trưng bày, giới thiệu trong Ngày hội văn hóa các dân tộc ở Thiện Kế với niềm tự hào về kho báu văn hóa thuở xưa của dân tộc.
Gàu sòng gắn liền với quá trình canh tác của người Sán Dìu.
Giới thiệu về vật dụng lao động sản xuất được ông sưu tầm, giới thiệu tại gian hàng trong ngày hội, ông Ôn Văn Long vừa mô phỏng động tác tát nước vào ruộng, vừa chia sẻ về giá trị, ý nghĩa chiếc gầu sòng. Ông bảo, nhìn vật dụng này nhớ ngày xưa lắm. Cứ vào mùa vụ, lại gặp thời tiết khô hạn là nhà nào nhà nấy đều thức thâu đêm, suốt sáng để tát nước vào ruộng. Gầu sòng tát nước thời xưa thường đan bằng tre, nứa, hình phễu, có miệng loe, trên miệng cạp một vòng bằng tre to cho chắc và hai bên thành có gắn với khung nẹp, ở giữa có thanh tre bắt ngang chia đôi miệng gầu. Không có máy bơm, chỉ có sức người nên không khí tát nước bằng gầu sòng đông như hội ấy.
Gian trưng bày công cụ lao động, sản xuất xưa của ông Ôn Văn Long còn có nhiều vật dụng gắn với bếp củi ngày xưa. Đó là chiếc rế nồi được đan bằng song, mây để lót nồi cho nền bếp khỏi đen. Kế đó là vài chiếc nồi nấu cơm, nấu canh đen nhẻm. Là cái nong, cái nia, cái thúng đựng ngô, phơi lúa; cái rá sát gạo, rổ đựng rau của các bà được đan bằng tre nứa. Là chiếc cối giã gạo không chỉ cho những bữa cơm no ấm mà đã se duyên bao lứa đôi người Sán Dìu.
Một số vật dụng sinh hoạt được trưng bày, giới thiệu tại Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Thiện Kế.
Theo ông Ôn Văn Long, cuộc sống nay đã khác xưa nhiều nhưng những vật dụng lao động, sản xuất thô sơ nhắc lớp trẻ nhớ về một thời gian khó của cha ông. Đó là lịch sử, là nguồn cội mà không người Sán Dìu nào được phép lãng quên.
Men say văn hóa
Không gian văn hóa người Sán Dìu còn gây ấn tượng mạnh bởi văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng. Ở đó, không chỉ có món cháo ỉm (cháo trắng) độc đáo mà còn hấp dẫn bởi các món bánh đậm hương vị núi rừng. Ấy là bánh chưng gù, bánh tro, bánh nếp… Cẩn thận cắt từng miếng bánh bày ra đĩa, bà Diệp Thị Vòng bảo: Bánh chưng gù cũng là loại bánh linh thiêng trong văn hóa ẩm thực của dân tộc Sán Dìu. Đúng như tên gọi, bánh chưng gù mô phỏng hình dáng người phụ nữ khi lên nương, làm rẫy, quanh năm bám mặt cho đất, bán lưng cho trời. Hình dáng chiếc bánh như nhắc thế hệ Sán Dìu về sự chịu thương, chịu khó trong lao động, sản xuất. Vì thế, vào ngày Tết, nhà nào cũng làm bánh tro để dâng lên tổ tiên.
Bánh chưng gù là món bánh không thiếu trong dịp lễ, Tết.
Trong văn hóa người Sán Dìu, ẩm thực được ví như món khai vị, còn dân ca dân vũ là một thứ men say, đặc biệt là Soọng cô. Soọng cô, tiếng Sán Dìu nghĩa là ca hát đối đáp, đặt lời theo thể thất ngôn tứ tuyệt, được ghi chép bằng chữ Hán cổ và lưu truyền trong dân gian bằng hình thức truyền miệng. Truyền thuyết của người Sán Dìu kể rằng, ở làng nọ có cô gái tên Lý Tam Mói rất thông minh, xinh đẹp và có tài hát đối mà chưa có ai thắng được. Có ba chàng trai tài giỏi tìm đến mà cũng không đối đáp được, đành ra đi, để lại trong cô gái mối âu sầu, nuối tiếc vì không mời họ vào làng. Thế nên ngày ngày, cô gái cất tiếng hát da diết, khắc khoải, lâu dần trở thành giai điệu Soọng cô.
Chủ đề các bài Soọng cô xoay quanh cuộc sống lao động, sản xuất; tình cảm gia đình; tình bạn, tình yêu đôi lứa… Ông Ôn Văn Long, thành viên câu lạc bộ Hương sắc văn hoá dân tộc Sán Dìu chia sẻ, thông thường cuộc hát gồm các bước hát như: Hát làm quen, chào hỏi, mời uống nước ăn trầu, tâm tình nam nữ đôi bên, hát sang canh gà gáy và hát chia tay…
Hát Soong cô rất khó, nhất là để hát được hay. Bởi nhịp trong hát Soọng cô ổn định về trường độ, âm vực không quá lớn, quãng âm luôn kế tiếp nhau đều đều, ít lên bổng xuống trầm đột ngột, ít đột biến luyến láy. Đây chính là đặc trưng vốn có để phân biệt Soọng cô với các loại dân ca của các dân tộc khác. Nói rồi, ông liền cất giọng ngân nga:
Sen zý hu mụ to zin hú
Pao lám dọng nghì sọi zim sèn sòng
Kim nhít láo lòi tách nhít cụi
Báo hu, hu mụ bác nèn sòng
Tạm dịch:
Mấy chục mùa xuân đã đi qua
Vạn lộc trăm hoa nở khắp nhà
Gia tộc sum vầy công đức mẹ/
Cháu con hạnh phúc nhớ ơn cha
Cùng mong cha mẹ hơn trăm tuổi
Cùng với con cháu dành thái hòa.
Các thành viên câu lạc bộ Hương sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu luyện tập hát Soọng cô.
Ông bảo, đây là một đoạn Hát chúc thọ do ông sáng tác. Rồi ông giải thích, Soọng cô là thế, giản dị, không hoa mỹ mà xuất phát từ tâm tư, tình cảm chân thật, chất phác của mỗi người. Từ năm 14 tuổi ông đã cùng đám trai làng đi hát thâu đêm, suốt sáng. Nếu có đám cưới thì hát cả ngày, từ khoảng 8 giờ sáng đến 23, 24 giờ đêm. Nhà trai đến đón dâu cũng phải hát đối với nhà gái, đối được thì mới được đón dâu; hay chuẩn bị lễ cưới (thừa hay thiếu) cũng phải hát đối để mong nhà gái thông cảm… Nhưng hát vui lắm, bản làng nhờ vậy mà đoàn kết, gắn bó hơn. Những xích mích nhỏ cũng được xóa bỏ nhờ lời Soọng cô chân chất, đi vào lòng người như thế.
Xã Thiện Kế hiện có trên 4.400 người Sán Dìu sinh sống ở các thôn Văn Sòng, Tân Phú, Làng Sinh, Thiện Phong, chiếm khoảng 54% dân số xã. Theo đồng chí Trương Viết Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Thiện Kế, không gian văn hóa dân tộc Sán Dìu vô cùng phong phú, đa dạng, việc gìn giữ văn hóa cộng đồng người Sán Dìu là trách nhiệm không của riêng ai. Giải pháp trước mắt là duy trì hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ Hương sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu. Các thành viên câu lạc bộ sẽ là nòng cốt trong việc lưu giữ di sản văn hóa Sọong cô, các điệu múa truyền thống, truyền dạy nghề thêu, gìn giữ các nghi lễ, tiếng nói, trang phục truyền thống, các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Những bước đi trước mắt trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa người Sán Dìu của xã Thiện Kế nhưng lại mở ra một tương lai sáng rõ để cội nguồn văn hóa người Sán Dìu lan tỏa, thấm sâu trong cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết