Đất không phụ công người
Đôi bạn thân Nông Quốc Doanh và Vũ Văn Sơn đều đã tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội. Cả hai từ chối cơ hội làm việc ở thành phố lớn, trở về quê dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2017, cả 2 đã cùng nhau quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng rau sạch, dưa lưới trong nhà màng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy là trồng rau, quả sạch công nghệ cao nhưng vẫn không đạt kết quả như mong đợi. Nguyên nhân do khí hậu ở đây độ ẩm cao, cây trồng dễ bị nấm bệnh, năng suất không ổn định...
“Vạn sự khởi đầu nan”, đó cũng là những bài học quý giá và nguyên nhân chính để Doanh và Sơn chọn hướng đi mới. Gia đình Doanh có đất đồi rộng nhưng là đất trồng cam sành xong chu kỳ 1 khiến đất bạc màu, cằn cỗi đang bị bỏ hoang. Muốn “tái sử dụng” diện tích đất đó bài toán khó đặt ra là lựa chọn giống cây phù hợp vừa có giá trị kinh tế cao, lại “dễ tính” hợp thổ nhưỡng.
Anh Nông Quốc Doanh tỉa bỏ cành nhỏ yếu và bớt quả nhỏ để đảm bảo năng suất, chất lượng quả.
Sau nhiều tháng đi học tập kinh nghiệm của các nhà vườn ngoài tỉnh, tìm hiểu thông tin trên sách, báo, mạng Internet, giữa năm 2019, Doanh và Sơn quyết định bắt tay cải tạo khu đất cằn cỗi để trồng thử 100 cây mít Thái. “Lúc đó, nhiều người cho rằng quyết định của chúng tôi là mạo hiểm, hoài nghi cây mít liệu có hợp thổ nhưỡng nơi đây. Phần nữa do đất bạc màu khó cải tạo nên chỉ thời gian ngắn cây non cũng sẽ chết khô hoặc cây cũng sẽ còi cọc vì thiếu dinh dưỡng”- Anh Nông Quốc Doanh nhớ lại.
Với nhiệt huyết, khát vọng của tuổi trẻ, Doanh và Sơn đã dồn hết tâm huyết tập trung thâm canh vườn mít Thái. Toàn bộ cây giống đều được nhập về từ Viện nghiên cứu Rau quả (Hà Nội). Cây trước khi trồng đều được bón lót bằng phân hữu cơ và chuồng ủ hoai mục. Hai anh ưu tiên sử dụng nguồn phân bón hữu cơ đúng các chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây. Mỗi gốc cây được vun đất cao, tạo rãnh thoát để cây không bị úng nước khi mưa lớn.
Những cây mít Thái xanh tốt, quả treo lủng lẳng trên thân cây trông thật thích mắt.
Hàng ngày, hai anh thay nhau lên vườn kiểm tra cây để kịp thời phát hiện sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ sớm giảm thiểu thiệt hại. Đặc biệt, hai anh tuân thủ nghiêm nguyên tắc tuyệt đối không phun thuốc trừ cỏ mà chấp nhận bỏ thêm chi phí thuê người dùng máy phát cỏ trong vườn. Đây là giải pháp hữu hiệu vừa giữ ẩm cho đất, hạn chế xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng, bảo vệ môi trường canh tác. Nhờ tuân quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, 100 cây mít Thái trồng thử đều sinh trưởng, phát triển tốt. Thành công bước đầu đó, càng tạo động lực để hai anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trồng mít Thái. Đến nay, hai anh đã trồng được gần 3.000 cây mít Thái. Năm 2021 vừa qua, hai anh đã hưởng thành quả ban đầu khi thu thu về hơn 2 tấn quả, giá bán từ 12 - 15 nghìn đồng/ kg.
Mở hướng phát triển bền vững
Thực tế, quá trình phát triển cây mít Thái, anh Doanh và anh Sơn cũng gặp phải những khó khăn về thiếu vốn, tìm đầu ra ổn định. Với sự định hướng, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn của huyện, chính quyền địa phương, hai anh đã đứng ra vận động gần chục nông dân khác ở xã Phù Lưu thành lập HTX Sản xuất và Thương mại Minh Phát vào cuối năm 2020. Trong đó, anh Doanh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị; anh Sơn giữ cương vị Giám đốc. Từ khi thành lập HTX, các anh dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất.
Theo anh Vũ Văn Sơn nếu chăm sóc tốt mỗi cây mít Thái từ 3 năm tuổi trở lên cây có thể cho năng suất đạt 70 kg quả/năm.
Tin vui là đầu năm nay, HTX được tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng đầu tư nhà xưởng và hệ thống máy móc chế biến mít sấy, chưng cất tinh dầu cam và sản phẩm mứt, nước cam cô đặc. HTX cũng đã triển khai kế hoạch xây dựng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP trong năm nay. Đây là bước tiến quan trọng để HTX đủ khả năng ký hợp đồng tiêu thụ mít tươi và mít sấy với các chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn như: VinMart, siêu thị Co-op Mart... tạo hướng phát triển bền vững.
Chúng tôi đến tham qua vườn mít, được nhìn ngắm nhìn những cây mít Thái xanh tốt, thân cây có quả treo lủng lẳng trông thật thích mắt. Vừa tranh thủ tỉa bỏ những cành mít bị sâu, cành yếu, anh Vũ Văn Sơn giới thiệu như một kỹ sư nông nghiệp thực thụ: Cây mít Thái dễ trồng, dễ chăm sóc, cây chịu hạn tốt, ít tốn công chăm bón, thị trường ưa chuộng. Cây trồng từ 12 - 18 tháng đã bói quả nhưng từ 24 tháng trở lên chất lượng quả tốt nhất, trọng lượng trên 10 kg/ quả, cùi mít to đều, dày và ngọt.
Anh Sơn cho biết thêm: “Muốn cây khỏe thì khi cây bói quả và vụ thứ hai nên vặt bỏ hết quả. Sang năm thứ hai, cây rất sai quả nhưng mỗi cây chỉ nên để 2- 3 quả/vụ vừa bảo vệ cây, vừa đảm bảo chất lượng quả tốt nhất. Mít Thái cho trái quanh năm, nhưng thu hoạch 2 vụ chính vào khoảng tháng 5 và khoảng tháng 11 (tùy thời tiết và kỹ thuật chăm sóc). Khi cây được 3 năm tuổi trở lên, trung bình mỗi cây có thể cho năng suất 70 kg quả/ năm. Dự kiến năm nay, chúng tôi sẽ thu hoạch từ 30 - 35 tấn mít”.
HTX Sản xuất và Thương mại Minh Phát được Nhà nước hỗ trợ đầu tư máy móc chế biến mít sấy và các sản phẩm từ cam.
Anh Nông Quốc Doanh chia sẻ thêm, mục tiêu của HTX là liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và nông dân trong, ngoài xã trước tiên là mít Thái, kế đến là các sản phẩm cam sành. Điều đáng mừng là HTX đã có 4 thành viên khác nữa đã trồng trên 1.000 cây mít Thái. HTX sẽ đóng vai trò liên kết sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, giám sát chất lượng và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, hướng tới cùng phát triển bền vững.
Đồng chí Đỗ Đình Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu vui mừng cho biết: Hai lãnh đạo trẻ năng động của HTX Sản xuất và Thương mại Minh Phát là anh Nông Quốc Doanh và anh Vũ Văn Sơn đã tiên phong trồng thành công giống mít Thái trên đất đồi trồng cam sanh chu kỳ 1 mở hướng phát triển mới tiềm năng cho nông dân trên địa bàn xã trong chuyển đổi cơ cấu, đa dạng cây trồng. Tuy mới thành lập, HTX đã chủ động liên kết, có phương án sản xuất và chế biến nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường... Đối với cấp ủy, chính quyền luôn tạo điều kiện thuận lợi để cho các HTX tiếp cận được các nguồn vố, cơ chế chính sách theo Nghị Quyết 03 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển các HTX đảm bảo có hiệu quả.
Gửi phản hồi
In bài viết