Sau 3 năm đi vào hoạt động, Mơ Art Space trở thành không gian nghệ thuật “mở” giữa lòng phố cổ, điểm dừng chân thú vị cho du khách khi đến khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Không gian sáng tạo Mơ Art Space - điểm dừng chân thú vị cho du khách khi đến khu vực hồ Hoàn Kiếm.
“Cầu nối” giữa công chúng yêu nghệ thuật và nghệ sĩ
Những ngày gần đây, có mặt tại triển lãm “Lối gió đường mây” của họa sĩ Nguyễn Hóa, mỗi người xem có một cảm nhận khác biệt. Có lẽ bởi vẻ vừa cổ kính vừa hiện đại của không gian đã khiến những tác phẩm sơn mài của người họa sĩ xứ Huế này trở nên “vừa vặn”, đủ để khiến người xem cảm nhận được sự kỹ lưỡng trong từng nét tạo tác.
“Mang chuông đi đánh xứ người” với rất nhiều bỡ ngỡ nhưng họa sĩ Nguyễn Hóa đã dần cảm thấy tự tin hơn khi có sự đồng hành, hỗ trợ của Mơ Art Space.
“Với mỗi người họa sĩ, việc chọn một không gian để trưng bày các tác phẩm của mình là rất quan trọng. Đến từ kinh thành Huế cổ xưa, phong cách nghệ thuật của tôi cũng vậy nên ở trong không gian giữa phố cổ Hà Nội như Mơ Art Space, tôi có cảm giác gần gũi, thân quen. Mơ Art Space đã hỗ trợ tôi miễn phí các khâu về truyền thông, giám tuyển... nên trong sự bộn bề của một họa sĩ tự mình tổ chức triển lãm, tôi cảm thấy công việc của mình nhẹ đi rất nhiều” - họa sĩ Nguyễn Hóa bày tỏ.
Là họa sĩ còn khá trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức triển lãm nên khi chọn Mơ Art Space để trưng bày triển lãm “Điệp - Sparkling of scallop paper”, họa sĩ Mifa - Lê Vũ Anh Nhi cũng nhận được sự chia sẻ nhiệt tình từ không gian Mơ Art Space.
“Khi tự tổ chức triển lãm, nghệ sĩ phải lo chi phí từ khâu lên ý tưởng tổ chức, công tác hậu cần, truyền thông... Với các nghệ sĩ trẻ, tên tuổi chưa được biết đến nhiều như chúng tôi, khi đến với Mơ Art Space, chúng tôi đỡ lo rất nhiều” - nữ họa sĩ chia sẻ.
Được thành lập với mục đích thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung và các nghệ sĩ Việt Nam nói riêng, Mơ Art Space dần trở thành “cầu nối” giữa công chúng yêu nghệ thuật với nghệ sĩ.
Với tiền thân là Gallery Apricot có trụ sở ở cả trong Nam ngoài Bắc, Mơ Art Space tiếp nối sứ mệnh tìm kiếm và tuyển chọn, trưng bày những tác phẩm nghệ thuật đương đại Việt Nam trong một không gian độc đáo đặt tại trung tâm Hà Nội. Tính đến nay, Mơ Art Space đã tổ chức gần 20 triển lãm, kể từ triển lãm đầu tiên mang tên “Mơ về phong cảnh” vào năm 2020.
Ngoài ra, không gian này cũng hỗ trợ một số sự kiện như triển lãm Photo Hanoi Biennale 2023 và các hoạt động bên lề của sự kiện. Để thu hút nghệ sĩ hợp tác, chị Nguyễn Vũ Việt Nga, tư vấn nghệ thuật và vận hành không gian Mơ Art Space, nhấn mạnh: Yêu cầu đầu tiên là không gian phải hoạt động chuyên nghiệp và chỉn chu.
“Khi nghệ sĩ làm việc cùng với Mơ Art Space và cảm thấy hài lòng, đạt được kết quả mong muốn, chúng tôi tin đó là cách duy nhất để giữ chân những nghệ sĩ đã từng cộng tác với mình và thu hút nghệ sĩ mới” - chị Nga chia sẻ.
Trong thời gian tới, Mơ Art Space mong muốn trở thành nơi nuôi dưỡng giấc mơ cho những tâm hồn yêu nghệ thuật, nơi khán giả có thể thưởng thức cái đẹp, chiêm nghiệm về giá trị nhân văn mà người nghệ sĩ gửi gắm trong tác phẩm.
“Với một không gian độc đáo đặt tại trung tâm của Hà Nội, chúng tôi hướng tới việc tìm kiếm, tuyển chọn, và trưng bày những tác phẩm nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam. Các tác phẩm nghệ thuật đa phương tiện sẽ được giám tuyển kỹ lưỡng. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng việc tìm kiếm các nghệ sĩ có những tiêu chuẩn phù hợp với không gian để trưng bày, giới thiệu các tác phẩm của họ. Quá trình tuyển chọn không “đóng cứng” mà uyển chuyển, hài hòa để các nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ chưa có tên tuổi có được “chỗ dựa”, “bệ phóng” để tỏa sáng” - chị Nga nhấn mạnh.
Tuy nhiên, là một không gian sáng tạo độc lập, Mơ Art Space cũng đang gặp những rào cản riêng. Chị Nguyễn Vũ Việt Nga cho biết, hiện tại, đa số không gian nghệ thuật hoạt động độc lập, hiếm khi có sự đối thoại và liên kết nên rất khó khăn khi có kế hoạch kết nối hoặc điều phối, đặc biệt là trong việc hợp tác, trao đổi kiến thức và kỹ năng. Ngành văn hóa nghệ thuật sáng tạo phát triển và đổi khác từng ngày, thế nên việc những người trong ngành cùng nhau đối thoại, học hỏi, trau dồi là rất cần thiết. Bên cạnh đó, công chúng hiện vẫn chưa mặn mà với các loại hình nghệ thuật đương đại và đó cũng là một thách thức với các không gian sáng tạo quy mô nhỏ.
Tìm bệ đỡ cho không gian sáng tạo quy mô nhỏ
Hà Nội đang chứng kiến sự bùng nổ của các mô hình không gian sáng tạo. Hiện có gần 200 không gian sáng tạo lớn nhỏ; những mô hình như Mơ Art Space xuất hiện khá nhiều. Tuy nhiên, vai trò của những không gian này hiện chưa được nhìn nhận đúng mức và chúng đang rất cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả để có thể phát triển bền vững.
Theo nhà quản lý Mơ Art Space, những không gian nghệ thuật nhỏ như Mơ Art Space rất cần một sân chơi chung, nơi mà họ có thể cùng tham gia, trở thành một phần của những hoạt động lớn.
“Nếu được Nhà nước quan tâm nhiều hơn dưới hình thức quảng bá và hỗ trợ các nghệ sĩ, tổ chức các ngày hội sáng tạo hay giải thưởng liên quan..., tôi nghĩ nghệ thuật đương đại sẽ thu hút thêm nghệ sĩ cũng như các đối tượng yêu thích văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo cùng tham gia” - chị Nguyễn Vũ Việt Nga nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hiện ở Hà Nội, nhiều không gian nghệ thuật đã có đóng góp rất lớn trong việc thúc đẩy nghệ sĩ trẻ tự tin và chủ động theo đuổi lĩnh vực công nghiệp sáng tạo. Không gian sáng tạo ở Hà Nội hiện đã có sự đa dạng về loại hình, phương thức hoạt động, tuy nhiên, phần lớn chỉ hoạt động dưới dạng nhóm dự án, nhóm cộng đồng, một số ít đăng ký với tư cách là doanh nghiệp xã hội, hộ kinh doanh cá thể. Nguồn thu chủ yếu của các không gian sáng tạo này đến từ các dự án tài trợ, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ bổ trợ như tư vấn chuyên môn, mở quán cà phê, cho thuê mặt bằng làm sự kiện văn hóa nghệ thuật... Bên cạnh đó, không gian sáng tạo ở Thủ đô còn thiếu tính bền vững do không có một nền tảng hỗ trợ ổn định và quy mô lớn. Các hoạt động chủ yếu của các không gian sáng tạo thiên về nghệ thuật, văn hóa, dự án hỗ trợ cộng đồng, tính thương mại và công nghiệp chưa cao...
Không gian sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu, bản sắc và sức hấp dẫn của đô thị cũng như đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của ngành Du lịch. Tuy nhiên, không gian sáng tạo tại Thủ đô chưa có quy mô phát triển như kỳ vọng. Những người theo đuổi mô hình này đang gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quy mô cũng như tiếp cận với các nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Để kết nối và đẩy mạnh hoạt động của các không gian sáng tạo thì cần có chính sách, chương trình hỗ trợ, ưu đãi mang tính đặc thù để họ có “sức bật” vươn lên, đóng góp hiệu quả hơn cho sự nghiệp phát triển công nghiệp sáng tạo.
Gửi phản hồi
In bài viết