So với Quy định số 205 (năm 2019) của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực, quy định 69 lần này có phần giải thích từ ngữ cụ thể, đầy đủ hơn rất nhiều. Từ hậu quả do vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, đến các khái niệm về tái phạm, thiếu trách nhiệm, chạy chức, chạy quyền; thờ ơ, vô cảm; buông lỏng lãnh đạo, quản lý... đều được làm rõ, với các mức độ cụ thể.
Trong đó, quy định về chống chạy chức, chạy quyền đã chỉ ra từng hành vi cụ thể: tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất khác, dùng tình cảm nam nữ không trong sáng nhằm mua chuộc, tạo sự ủng hộ của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người liên quan để có được vị trí, chức vụ, quyền lợi cho mình hoặc người khác.
Tùy từng mức độ vi phạm, đảng viên sẽ bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng. Quy định cũng nêu rõ, nếu không chỉ đạo xem xét, xử lý kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ hoặc bao che, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, cũng sẽ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức. Đây cũng chính là một trong những vấn đề mấu chốt của công tác cán bộ, vừa ngăn những phần tử cơ hội “leo cao, luồn sâu”, vừa giúp chọn được cán bộ có tâm, có tầm, đạo đức trong sáng.
Có thể nói, đây là một bước tiến về công tác Đảng, công tác cán bộ, đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng khi thấy Quy định mới thể hiện sự nghiêm minh của Đảng, thể hiện sự phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội trong cuộc đấu tranh làm trong sạch đội ngũ, xây dựng Đảng vững mạnh. Quy định mới cũng thể hiện thái độ quyết liệt, không khoan nhượng của Đảng với bất cứ sai phạm nào, tựa như thang thuốc quý để Đảng chữa bệnh chạy chức chạy quyền, thờ ơ vô cảm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý và các vi phạm khác.
Gửi phản hồi
In bài viết