Xây dựng nếp sống mới
Xã Mỹ Bằng cách trung tâm huyện Yên Sơn 32 km, xã có 25 thôn, 3.607 hộ, 14.242 nhân khẩu với 7 dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh (chiếm 67%); Cao Lan (18%), dân tộc Dao (13%), còn lại là các dân tộc khác. Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 và đang xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng chí Nguyễn Minh Huệ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Mỹ Bằng cho biết: Bám sát sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và những nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban MTTQ các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức thành viên, tuyên truyền sâu rộng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia.
Hiện nay, toàn xã Mỹ Bằng có 25/25 tổ tự quản bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa. Các tổ tự quản đã xây dựng được quy chế hoạt động, làm tốt vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ môi trường ở khu dân cư. Đồng thời, xã cũng phát huy cao độ vai trò của người dân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trọng tâm là thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Chị Đặng Thị Tâm, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đá Bàn 1, xã Mỹ Bằng cho biết: thôn Đá Bàn 1 chủ yếu là người Dao quần trắng, chỉ có 2 hộ là người Cao Lan. Thôn là mô hình điểm của xã trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Thời gian qua, thôn đã khôi phục được nhiều nét đẹp truyền thống của người Dao quần trắng trong đám cưới.
Chị Tâm bảo, công tác tuyên truyền phải như mưa dầm thấm lâu, bất kỳ dịp nào gặp gỡ bà con cũng cần trò chuyện, tâm tình để bà con nghe ra, hiểu và chấp hành tốt pháp luật, quy ước, hương ước của khu dân cư. Nhờ vậy, gần đây các đám cưới trong thôn đều đã chuyển biến tích cực, tổ chức gọn nhẹ, văn minh, việc cưới chỉ diễn ra trong 1 ngày, cô dâu chú rể mặc trang phục truyền thống của người Dao, gia đình nhà gái không thách cưới.
Phát huy vai trò các tổ chức thành viên
Để có diện mạo nông thôn mới khang trang, đẹp đẽ như hôm nay, là có sự hưởng ứng, chung sức, đồng lòng của người dân, nhưng không thể không kể đến vai trò của đội ngũ cấp ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận và các tổ chức thành viên ở cơ sở. Ông Nông Văn Phúc, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thôn Lũng, xã Mỹ Bằng cho biết: Thôn Lũng có 245 hộ, 950 khẩu và có 6 dân tộc, chủ yếu là dân tộc Kinh, thời gian qua, được các mạnh thường quân tài trợ xây mới lại nhà văn hóa thôn, trong quá trình xây dựng, cựu chiến binh Nguyễn Tiến Lực đã không ngần ngại hiến trên 40 mét vuông đất để mở rộng đường lên nhà văn hóa, 4 hộ giáp ranh nhà văn hóa cũng không tính đếm, ít nhiều đều cho đi diện tích đất nhà mình để khuôn viên nhà văn hóa được vuông vức, đẹp đẽ.
Năm 2023, thôn Lũng mở rộng đường thôn xóm, việc làm này đều được bà con trong thôn đồng thuận, ủng hộ. Ông Phúc bảo: khi vận động bà con, làm sao cho bà con thấy được tác dụng của việc làm đường, những tiện ích do con đường mang lại, bà con thấy đúng thì đồng tâm, nhất trí làm thôi. Để làm 230 mét đường thôn xóm, gia đình bà Hoàng Thị Phương và gia đình anh Hoàng Anh Tuấn trong thôn cũng đã sẵn sàng phá dỡ 40 mét tường vây của gia đình, xây gọn vào để lấy mặt bằng làm đường, bà con tự đóng góp mua cát sỏi, tự giác đóng góp ngày công lao động để hoàn thiện con đường.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Bằng cho biết: Phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã luôn đặt lợi ích của hội viên lên hàng đầu, đặc biệt là việc làm nhà tình nghĩa cho đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2023, Hội CCB đã đề xuất với các cấp và đã giúp được gia đình đồng chí Bùi Văn Sự, thôn Miếu Trạm, xã Mỹ Bằng làm mới nhà ở với tổng số tiền 70 triệu đồng cùng gần 100 ngày công lao động. Cùng với đó, Hội CCB xã đã tham gia duy trì hiệu quả 82 km đường điện thắp sáng đường quê.
Ông Tuấn bảo: Hội CCB rất thuận lợi là đều đã từng kinh qua quân ngũ, nên thấy việc gì hợp lý là hội viên đều tiên phong gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Có điều gì hội viên chưa thông thì cần giải thích có lý, có tình, khi đã hiểu rồi, thì hội viên sẵn lòng đóng góp gấp nhiều lần mức quy định. Nhờ vậy, tập thể Hội CCB rất đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, góp phần thực hiện hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Kết quả từ việc thực hiện các phong trào, các cuộc vận động đã góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, tạo chuyển biến tích cực về hành động của mỗi cán bộ, hội viên, nhân dân, góp phần đoàn kết, tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Qua bình xét hàng năm, toàn xã có trên 92% hộ đạt gia đình văn hóa; 25/25 thôn đều đạt thôn văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,5% xuống còn 1,4%. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 52 triệu đồng/người/năm; MTTQ và các đoàn thể xã hằng năm đều được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Gửi phản hồi
In bài viết