Mùa hái lá dong rừng

- Mỗi độ xuân về, khi những cơn gió lạnh cóng từ núi rừng thổi về, người dân khắp các bản làng trong tỉnh lại bắt đầu vào mùa đi lấy lá dong rừng. Thường những người đi lấy lá dong rừng kết theo từng nhóm, luồn sâu vào những cánh rừng già để có được mẻ lá dong đẹp. Họ đi bộ gùi lá dong rất xa và tập kết ở các điểm xe máy có thể thồ được xuống bản.

Có rừng già là có lá dong

Chuyến đi lên rừng bắt đầu từ sáng sớm, khi màn sương còn giăng kín trên các thung lũng. Những ngôi làng trên sườn đồi dần thức dậy, ánh sáng yếu ớt từ những tia nắng đầu tiên rọi xuống mặt đất. Đoàn người di chuyển nhanh chóng, có khi phải đi bộ hàng giờ đồng hồ, vượt qua những cánh rừng già nguyên sinh, có những con suối nhỏ, dốc đá trơn trượt, để lên được những khu vực có nhiều cây dong rừng.

Tuyên Quang là vựa lá dong của miền Bắc.

Dong rừng thường mọc dưới tán rừng nguyên sinh ở những nơi đất ẩm, ven các khu vực đồi cao, gần những thung lũng hoặc triền suối, nơi có đủ độ ẩm và bóng râm. Tại những khu vực này, cây dong phát triển mạnh mẽ, lá to, dày, xanh mướt và rất dễ để gặt. Cây dong là loại thực vật thân thảo, cao trung bình từ 1 - 1,5 m, thuộc họ hoàng tinh. Cây ưa mọc dưới tán rừng già có độ ẩm cao, đẻ nhánh khỏe. Mỗi năm một cây có thể đẻ ra hàng chục nhánh, mỗi nhánh cho thu hoạch từ 6 - 7 lá. Cây dong có thể cho thu hoạch quanh năm, lá mọc tầm hai tháng là cắt được. Nhưng người ta thu hoạch lá dong rộ nhất vào dịp Tết Nguyên đán.

Khi tiết trời chuyển sang thời điểm giao mùa, là lúc những cánh rừng già bắt đầu hé mở những tấm lá dong xanh mướt, phẳng lì. Đây là thời điểm lý tưởng để người dân lên rừng, tìm những chiếc lá dong trưởng thành, còn nguyên vẹn, chưa hề bị sâu ăn hay tàn phai dưới nắng gió. Những chiếc lá dong rừng vốn có kích thước lớn, bề mặt lá bóng mịn và đặc biệt là mùi thơm dịu nhẹ, khiến nó trở thành nguyên liệu lý tưởng để gói bánh chưng hay dùng trong các món ăn đặc trưng của người dân miền núi. Mỗi năm vào mùa lấy lá dong, chúng tôi thường đi cùng nhau, nhóm nhỏ, một vài gia đình kết hợp làm để đỡ vất vả. Đoàn người lên rừng thông tầm, mang theo dao, cơm lam, nước uống, gùi và những chiếc bao tải lớn để đựng lá. Cái khó khăn nhất là phải tìm được những cây dong rừng đẹp, lá không quá già cũng không quá non, gọi là lá bánh tẻ, vì chỉ có như vậy thì lá mới bền, không bị rách khi gói bánh. Hòa Phú là xã dưới chân dãy Chạm Chu có thác Tát Lụa chảy qua khu rừng nguyên sinh hàng nghìn ha của khu vực Khuổi Nhầu. Đây là nơi lý tưởng cho cây lá dong phát triển - vựa lá dong Tết của xã.

Chị Hoàng Thị Huệ, dân tộc Tày, thôn Lang Chang, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) gạt mồ hôi trên trán chia sẻ: "Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải bảo vệ rừng. Mỗi cây dong đều có vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái, giữ đất, giữ nước. Nếu không biết bảo vệ, rừng sẽ mất đi, mà không có rừng thì chẳng còn lá dong đâu. Nên  chúng tôi phải thu hái đúng kỹ thuật, đảm bao cây dong sang năm vẫn sinh trưởng phát triển tốt".

Lá dong có bề ngang rộng trên 25 cm được coi là lá dong tiêu chuẩn đẹp để gói bánh.

Theo người dân trong vùng xã Hòa Phú, thu hái lá dong là công việc đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo và tinh tế. Những người đi lấy lá phải chọn những chiếc lá chưa bị sâu hay mưa tạt làm hư hỏng, mà phải dong nếp, không phải lá dong lông. Dùng dao sắc cắt từ gốc, tránh làm lá bị rách, sau đó cuộn tròn nhẹ nhàng và buộc chặt. Theo quy ước, cứ 25 tàu lá họ bó thành một bó nhỏ, 4 bó nhỏ buộc thành một bum. Ngoài cắt, bó, gùi lá dong, mỗi người có thể một ngày gùi ba chuyến cho khoảng 300 lá dong đẹp, loại bề ngang bản lá rộng trên 25 cm. Với giá cả trung bình khoảng 1.000 đồng/lá đẹp, người đi lấy lá dong có thể thu nhập trung bình 300 nghìn đồng/ngày. Người nào chăm chỉ, sức khỏe tốt có thể thu nhập cao hơn. Lá dong cắt về được gia chủ bảo quản đúng kỹ thuật có thể để được hơn một tháng. Người ta dùng lá cây bum, bum kín bó lá dong nhằm tránh nắng, gió, mưa làm hư hỏng. Về nhà, phần cuỗng họ đặt vào chậu nước sạch được thay thường xuyên, nhờ đó mà lá dong xanh rất lâu, không bị úa vàng.

Rộn ràng không khí Tết

Hiện nay một số địa phương ở dưới xuôi có trồng lá dong thành vùng chuyên canh lớn như xã Kim An, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Tuy nhiên lượng lá dong bán ra trong dịp Tết vẫn chủ yếu là lá dong rừng, chiếm đến trên 80% thị phần. Thời điểm này các lái buôn dưới xuôi đã tỏa đi các ngả ở miền Bắc, nhất là Tuyên Quang để mua gom lá dong rừng đưa về miền xuôi. Anh Trần Quang Dũng, một lái buôn ở Hà Nội cho biết: Tuyên Quang là tỉnh có tiềm năng lớn về lâm nghiệp của miền Bắc với tỷ lệ che phủ rừng trên 65% diện tích tự nhiên, nằm trong tốp đầu của cả nước. Trong đó có nhiều khu rừng nguyên sinh thuộc vùng ATK Tân Trào (Sơn Dương); Chạm Chu (Hàm Yên); Kim Bình (Chiêm Hóa); Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình có rất nhiều lá dong. Nhóm của anh thường chia theo các đầu mối, đặt  gom lá dong theo các địa chỉ quen biết. Nếu đầu mối báo đủ sẽ có xe tải lên bốc hàng.

Tại các chợ trên địa bàn tỉnh bắt đầu xuất hiện mặt hàng lá dong được bày bán.

Anh Nguyễn Minh Phương, một thợ gói bánh chưng chuyên nghiệp tại xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) khẳng định: Bánh chưng gói bằng lá dong rừng có một hương vị đặc biệt, khác biệt hoàn toàn so với các loại lá khác. Những chiếc bánh gói chặt, lớp lá dong bên ngoài xanh mướt, tỏa hương thơm dịu nhẹ khi luộc, khiến ai cũng cảm thấy ấm áp, gần gũi. Nếu gói bằng tay thì một chiếc bánh chưng cần 2 - 4 lá dong đẹp, nếu gói bằng khuôn thì cần nhiều hơn chút, vì phải lót góc. Phần lưng lá sẽ tiếp xúc với phần gạo, khi luộc có độ xanh và rền. Theo anh Phương, cách tết chừng 15 ngày anh ra chợ đầu mối Tam Cờ (TP Tuyên Quang) có rất nhiều lái buôn mang lá dong từ các huyện trong tỉnh xuống bán. Trước tiên anh sẽ đi một vòng để khảo sát xem hàng nào bán lá dong đẹp nhất, sau khi chốt giá cả anh sẽ mở thử một bó ra kiểm tra độ to và tươi đồng đều của lá. Nếu đạt sẽ lấy đủ gói hàng tạ gạo nếp dịp Tết này. Anh cho rằng, bánh luộc có đạt hay không một phần còn do chất lượng lá dong.

Ngày nay văn hóa truyền thống dân tộc ngày càng được coi trọng và lên ngôi. Đối với mỗi gia đình người Việt phải có những cặp bánh chưng để thờ cúng thần linh, gia tiên và mời khách quý. Bởi vậy nồi bánh chưng ngày Tết nó rất quan trọng với mỗi gia đình. Ai cũng chú ý lựa chọn từ khi mua lá dong, lạt giang, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn chuẩn để gói bánh. Công đoạn tiếp theo là luộc bánh, vớt bánh và bảo quản bánh đúng kỹ thuật. Nhiều gia đình còn cẩn thận gói thêm một lượt lá dong vào bánh chín, nhằm tăng tính thẩm mỹ khi đưa lên ban thờ cúng.

Vào những ngày áp Tết, tại chợ đầu mối tỉnh và các chợ phiên các xã đâu đâu cũng thấy người ta mua bán là dong. Ở các gia đình công đoạn rửa lá dong, chuẩn bị nguyên liệu gói bánh cũng làm cho không khí Tết thêm rộn ràng, xốn xang.

Tin cùng chuyên mục