Ươm mầm trên đất mới
Men theo những tuyến đường bê tông khang trang, những vườn ổi sai trĩu quả dần hiện lên trong nắng mới. Những ngày này, thương lái khắp nơi bắt đầu đổ về. Người thương lượng giá, người chở hàng đi xa, bức tranh nông thôn mới ở Kim Phú cũng vì thế mà trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Thế nhưng ít người biết rằng, để có được thành quả ngày hôm nay đó là sự dày công nghiên cứu, chăm sóc, nhân giống cây trồng và nỗ lực giới thiệu sản phẩm ổi lê Kim Phú đến thực khách khắp mọi miền của bà con nơi đây.
Gia đình ông Nguyễn Duy Lý và bà Lê Thị Hồng, thôn 20 là một trong những hộ đầu tiên đem cây ổi về trồng trên vùng đất này, hiện ông bà có gần 1 ha ổi cho năng suất cao. Vừa đi thăm vườn ổi, kiểm tra và thu hái những quả đang độ chín tới, bà Hồng vừa nhớ lại ngày xưa ấy... Năm 2008, sau một chuyến về quê ở xã đa nghề Cát Quế, Hoài Đức (Hà Nội), vợ chồng bà đem một vài cành ổi chiết về trồng ở góc vườn. Chỉ 6 tháng, cây ổi bắt đầu đơm hoa, kết trái. Đặc biệt, giống ổi lê Đài Loan phát triển mạnh, sai quả, hương vị thơm ngon đậm đà, năng suất hơn hẳn ổi găng và ổi không hạt. Quả ổi được bọc từ khi bé bằng ngón tay cái nên vừa đẹp, vừa sạch lại không bị côn trùng phá hại.
Ổi Kim Phú được bày bán và giới thiệu tại gian hàng hội chợ Thương mại - Du lịch 2022.
Bước sang tháng 9, trời thu đã mát mẻ hơn nhiều, người trồng ổi ở đây cũng bớt nhọc nhằn hơn bởi ổi đang vào mùa thu hoạch quả, không cần chăm bón nhiều. Theo kinh nghiệm của bà con, những tháng cuối năm là lúc ổi thơm ngon, giòn ngọt đậm đà nhất. Vào mùa xuân, khi cây ổi bắt đầu ra chồi non là quả ổi sẽ nhạt dần, chỉ còn vị man mát, thanh thanh... Ổi lê Kim Phú đặc biệt bởi quả to, giòn ngọt, cho trái quanh năm. Không chỉ là thức quả ăn trực tiếp, nước ép ổi lê cũng được nhiều thực khách yêu mến với hương vị thơm ngon, mát lành và giàu vitamin.
Để có được sản phẩm ổi đặc trưng như ngày hôm nay, bà Lê Thị Hồng mất 2 năm nhọc nhằn giới thiệu sản phẩm trong tỉnh. Bà bảo, những ngày đầu mang ổi lê bán ở chợ Tam Cờ, khách hàng mua rất ít vì người ta bảo quả to, trắng đẹp như thế này thì chỉ có hàng Tàu, hàng ủ, phun thuốc. Mỗi ngày chỉ vài tạ mà không bán nổi. Dần dà, câu chuyện ươm mầm giống ổi trên miền đất mới, cách để quả vừa đẹp, vừa thơm ngon vô cùng thủ công đã được kể lại. Thế rồi người ta biết đến ổi lê nhiều hơn, cũng thấu hiểu hơn những nhọc nhằn mà người dân đã trải qua, đánh đổi, trả giá để có được thành quả như ngày hôm nay.
Trái ngọt
Mùa ổi chín cũng là lúc những khu vườn ở Kim Phú rộn ràng hơn. Nhiều hộ gia đình ở đây trồng xen ổi với các cây ăn quả có múi, hay những cây hồng Nhân Hậu. Nhờ vào những loại cây ăn quả địa phương, trong đó đặc biệt là giống ổi lê thơm giòn đã giúp cho Kim Phú chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả, nâng cao thu nhập, nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đồng chí Lưu Hồng Châm, Chủ tịch UBND xã Kim Phú cho biết, vào khoảng năm 2015, giống ổi lê Đài Loan bắt đầu được nhân rộng và trồng nhiều tại các thôn 16, 17, 18, 20, 21. Hiện tổng diện tích trồng ổi toàn xã đạt trên 20 ha, trong đó thôn 20 chiếm 50% diện tích trồng, một số khu vườn trong thôn đạt tiêu chuẩn vườn mẫu và đang được nhân rộng. Với mong muốn xây dựng thương hiệu “Ổi Kim Phú”, tạo thế cạnh tranh và đứng vững trên thị trường, bà con đã được hướng dẫn trồng và chăm sóc ổi theo hướng VietGAP, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm.
Gia đình bà Lê Thị Hồng, thôn 20 là một trong những hộ đầu tiên mang ổi lê về trồng trên đất Kim Phú.
Ghé thăm vườn ổi gần 2 ha của gia đình ông Nguyễn Trọng Lợi, thôn 18, chúng tôi được biết rằng giai đoạn vất vả và mất thời gian nhất đó là lúc đi bọc từng quả ổi để tránh côn trùng gây hại. Ông Lợi móm mém cười bảo, ban đầu ăn thử quả ổi lê ở miền xuôi, thấy nó nhạt lắm, ông bảo mang về đây trồng không được đâu. Thế mà cậu em chú cứ mời mang về trồng thử, ai ngờ cây hợp đất cho quả to, giòn, ngọt, thơm ngon thế! Gia đình ông Lợi đã mạnh dạn cải tạo đất trồng mía và cây rau màu năng suất thấp để chuyển sang trồng ổi. Vào vụ, cứ mỗi 1 kg ổi có giá trung bình từ 10 - 12 nghìn đồng, tháng nở rộ mỗi ngày có thể cho thu hái từ 3 - 5 tạ. Nhờ vậy gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên trở thành hộ gia đình loại khá trong thôn. Giống như gia đình ông Lợi, nhiều hộ trong xã đã cải tạo đất vườn, trồng xen các loại bưởi, cam, hồng gắn với phát triển diện tích trồng ổi lê năng suất cao, nhờ đó có thu nhập ổn định như gia đình ông Phạm Cường, Đinh Văn Khôi, Nguyễn Duy Lý...
Những tháng cuối năm là lúc ổi Kim Phú to, ngon, thơm giòn đậm đà nhất.
Nhìn bà con cặm cụi trên những mảnh vườn ổi sai trĩu quả, câu chuyện về những người trồng ổi ở Kim Phú được chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Phú Trần Văn Minh kể một cách hào hứng và đầy niềm tin. Có lẽ chính sự đoàn kết, sẻ chia đã góp phần tạo nên thành quả của vùng trồng ổi Kim Phú ngày hôm nay. Nhiều buổi tập huấn trồng và chăm sóc ổi đã được tổ chức, những hội làm vườn cũng được thành lập. Tại đây, nhiều bà con đã chia sẻ cho nhau nghe những kinh nghiệm hay, những cách chăm sóc cây trồng quý giá. Đó là việc thay vì sử dụng các loại phân bón hóa học thì bà con dùng tro bếp để bón cây sẽ cho quả ngọt đậm đà hơn; hay một số gia đình đã dùng mật ong pha loãng để phun để làm tăng khả năng thụ phấn; sử dụng các loại cây bắt côn trùng... Nhờ sự nỗ lực, cần cù với đôi bàn tay chịu thương, chịu khó của bà con nông dân nơi đây, những cây ổi lê đã trở thành “trái vàng” trên miền đất mới.
Ai đó đã từng nói rằng, nơi khó gieo mầm xanh nhất không phải trên những vùng đất cằn cỗi mà là trong tư duy, suy nghĩ của mỗi người. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhanh nhạy trong tư duy sản xuất, nhiều bà con nông dân ở Kim Phú đã thành công trong việc ươm mầm trên miền đất mới. Sắp tới, cùng với những cánh đồng “50 triệu” canh tác gạo chất lượng cao, thương hiệu “Ổi Kim Phú” cũng sẽ lan tỏa, tăng sức cạnh tranh bền vững trên thị trường.
Gửi phản hồi
In bài viết