Báo Hà Giang xây dựng và trưởng thành

11:59, 18/06/2025
 
 
 
 

Tiền thân là tờ “Tin Hà Giang” được tỉnh xây dựng, xuất bản từ năm 1951. Đến ngày 13/4/1964, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Lương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ra Nghị quyết số 11-NQ/TU về việc nâng tờ Tin Hà Giang thành tờ Báo Hà Giang. Ngày 13/4 được lấy là ngày thành lập Báo Hà Giang, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Hà Giang.

Trải qua 61 năm xây dựng và trưởng thành, Báo Hà Giang đã lớn mạnh không ngừng, góp phần quan trọng vào những thắng lợi của các cuộc kháng chiến vẻ vang của đất nước cũng như công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.

4.png

Dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm đặc biệt đến công tác tuyên truyền, năm 1951, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo xây dựng Tờ Tin Hà Giang, là tiền thân của Báo Hà Giang về sau.

Trong những năm tháng đầu, tờ tin Hà Giang với khổ 30x42cm, gồm 2 trang, do Phòng Thông tin, trực thuộc Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh xuất bản. Tờ tin mỗi tháng ra 2 kỳ, về sau tăng lên đến 3 kỳ. Tờ tin do đồng chí Phạm Kim Quy, Trưởng Phòng Thông tin phụ trách.

Đồng chí Phạm Kim Quy, Phụ trách tờ Tin Hà Giang, sau này là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Hà Giang. Đồng chí làm Tổng Biên tập từ 1964-1982.

Đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 13/4/1964, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp, thống nhất ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về việc nâng tờ Tin Hà Giang lên thành Báo Hà Giang. Vì thế, ngày 13/4 được lấy là ngày thành lập Báo Hà Giang, một dấu mốc lịch sử cho sự phát triển tờ báo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang cho đến hôm nay.

Nghị quyết 11-NQ/TU, về việc nâng tờ “Tin Hà Giang” lên thành tờ “Báo Hà Giang” và chính thức thành lập cơ quan Báo của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Hà Giang.
Nghị quyết 11-NQ/TU, về việc nâng tờ “Tin Hà Giang” lên thành tờ “Báo Hà Giang” và chính thức thành lập cơ quan Báo của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Hà Giang.

Những ngày đầu thành lập, Tòa soạn Báo Hà Giang chỉ có 8 cán bộ, nhân viên, có những đồng chí vừa làm phóng viên, vừa kiêm biên tập tin bài. Phát hành mỗi tuần 1 kỳ, lượng phát hành được tăng dần từ 700 tờ lên 1.000 tờ rồi lên đến 2.000 tờ/kỳ. Báo được phát hành xuống đến xã. Qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt, trong giai đoạn 1964-1976, với đặc thù của một tỉnh có trên một phần ba dân số là đồng bào H’Mông, để phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền của tỉnh, Báo Hà Giang xây dựng được tờ Phụ trương tiếng Mông.

Trước nhu cầu lớn của người dân, tờ Phụ trương tiếng Mông của Báo Hà Giang mỗi tháng ra 3 kỳ, phát hành đến các xã trong toàn tỉnh, được bà con rất quan tâm và phát huy rất tốt khả năng tuyên truyền, chuyển tài thông tin.

 
 
 
 

Trải qua những năm tháng khó khăn ban đầu trong xây dựng và phát triển, đặc biệt là việc xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Tòa soạn Báo Hà Giang ngày càng được củng cố về tổ chức, nâng cao chất lượng nội dung xuất bản, trở thành kênh thông tin quan trọng của tỉnh. Báo đã góp phần tuyên truyền mạnh mẽ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt, vai trò của tờ Báo Hà Giang còn góp phần to lớn trong công cuộc nâng cao dân trí, đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên mảnh đất địa đầu cực Bắc Tổ quốc.

5.png

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước hòa bình, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, năm 1976, hai tỉnh Hà Giang-Tuyên Quang được sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Tòa soạn và tờ Báo Hà Giang, Tuyên Quang cũng được sáp nhập, lấy tên là Báo Hà Tuyên. Ban đầu, trụ sở Tòa soạn Báo Hà Tuyên được đặt tại thị xã Hà Giang, về sau đáp ứng nhiệm vụ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, Tòa soạn được chuyển về thị xã Tuyên Quang.

 
 

Tháng 2/1979, diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, tuyến biên giới Hà Tuyên trở thành mặt trận ác liệt với nhiều hy sinh, gian khổ. Trong thời điểm đó, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên của tòa soạn Báo Hà Tuyên vừa phải tuyên truyền cho nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, vừa ra mặt trận làm công tác tuyên truyền phục vụ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc.

Tòa soạn Báo Hà Tuyên khi đó có 4 phòng gồm: Phòng Phóng viên, phòng Bạn đọc, phòng Thư ký và phòng Hành chính. Tòa soạn Báo Hà Tuyên trong giai đoạn này có 25 cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên.

Điểm nhấn cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là năm 1980, tòa soạn Báo Hà Tuyên tổ chức sản xuất và phối hợp để cho ra thêm một ấn phẩm mang tên “Hà Tuyên mặt trận”. Tờ Hà Tuyên mặt trận ra một tuần/kỳ. Với nội dung chuyên sâu về cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ nơi mặt trận biên giới phía bắc. Nhiều cán bộ, phóng viên được cử tham gia tác nghiệp trên tuyến biên giới Hà Giang, là những phóng viên chiến trường đã không quản ngại gian khổ, ghi lại những hình ảnh, kịp thời cập nhật, đưa các thông tin về cuộc chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta, như các đồng chí phóng viên: Phí Văn Chiến, Nguyễn Trọng Hùng, Đặng Quang Vượng, Hoàng Kiệm và nữ phóng viên ảnh Vương Thị Phúc…

 
 

Trải qua những năm tháng gian khổ, chia ngọt, sẻ bùi, đất nước trở về thời bình, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về việc chia tách tỉnh, năm 1991 tỉnh Hà Tuyên được tách thành hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. 16 năm sáp nhập hai tỉnh, hai tờ báo, thời kỳ Báo Hà Tuyên là một dấu mốc tự hào trong lịch sử phát triển của Báo Hà Giang và Báo Tuyên Quang ngày nay. Đó là một chặng đường vượt qua khó khăn, thử thách của đội ngũ phóng viên, biên tập viên làm báo báo Hà Giang và Báo Tuyên Quang, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Tuyên làm nên hình ảnh một Hà Tuyên Anh hùng nơi tuyến đầu Tổ quốc. Những năm tháng trong gian khó ấy, tình cảm đồng chí, đồng nghiệp được xây dựng, vun đắp trở thành những giá trị lịch sử không thể xóa nhòa.

Báo Hà Tuyên trong số cuối cùng của mình có bài viết xúc động “Chia để mạnh” của đồng chí Tổng Biên tập Nguyễn Thế An. Bài viết nhấn mạnh: “Tháng 10, chúng ta chia tay để trở về với tên cũ ngày xưa. Hà Giang, Tuyên Quang thành hai tỉnh. Nhưng Quốc lộ 2 và dòng Lô vẫn liền mạch từ Tuyên Quang đến Hà Giang. Năm tháng đã qua đi, nhưng những kỷ niệm tốt đẹp trong ta có bao giờ phai nhạt. Có thể hôm nay có ai đó chưa bằng lòng về điều này, điều nọ, còn băn khoăn về những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng, những thành quả của 16 năm hợp nhất là không có gì phủ định được. Tỉnh đã tách, nhưng mây trời chẳng tách, lòng người không chia. Hà Tuyên thân thương vẫn là lời nhắn nhủ mỗi chúng ta hãy giữ vững truyền thống quê hương hợp nhất tiếp tục giúp đỡ lẫn nhau, làm cho Hà Giang-Tuyên Quang đều mạnh lên về mọi mặt”.

6.png

Tháng 10/1991, sau khi tách tỉnh, Báo Hà Giang bước vào thời kỳ mới, tuyên truyền, cổ vũ cho nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng tỉnh Hà Giang vượt lên khó khăn. Thực hiện việc tách lập Báo Hà Giang, đồng chí Hoàng Kiệm, Trưởng phòng Phóng viên Báo Hà Tuyên được giao nhiệm vụ Phụ trách cùng 9 cán bộ, phóng viên, nhân viên rời thị xã Tuyên Quang lên thị xã Hà Giang xây dựng tờ Báo Hà Giang với rất nhiều khó khăn, thử thách.

Tổng Bí thư Đỗ Mười và các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh với những người làm Báo Hà Giang.
Tổng Bí thư Đỗ Mười và các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh với những người làm Báo Hà Giang.

Báo Hà Giang thời kỳ đầu tách lập xuất bản 1 số/tuần với lượng xuất bản 1.000 tờ/số. Các năm sau, Báo Hà Giang được tỉnh cho nâng phát hành lên 3 kỳ/tuần với lượng phát hành từ 3.000 bản/kỳ, tăng lên 5.000 bản, 7.000 bản/kỳ. Sau hơn 10 năm tái lập tỉnh, đến năm 2013, Báo Hà Giang được tỉnh quan tâm cho tăng lên 4 kỳ/tuần, ra các ngày thứ 3, 4, 5, 7.

Song song với báo in thường kỳ, từ năm 1995 Báo Hà Giang bắt đầu tổ chức xây dựng tờ Hà Giang cực bắc khổ nhỏ, được duy trì xuất bản mỗi tháng 1 kỳ, phát hành trên 3.000 bản/kỳ. Tờ Hà Giang cực bắc là tờ báo ảnh, phát hành phục vụ bà con vùng cao, vùng khó khăn, được bà con đón nhận. Tờ báo này được duy trì xuất bản cho đến hiện nay.

Để đáp ứng nhu cầu tuyên truyền, đến năm 2017, Báo Hà Giang tiếp tục được tỉnh quan tâm, cho tăng phát hành lên thành 5 kỳ/tuần, với lượng phát hành từ 8.000-8.500 bản/kỳ, phát hành đến tất cả các chi, Đảng bộ cơ sở, các cơ quan, đơn vị, trường học, các xã, phường, tổ dân phố, thôn, bản trong toàn tỉnh.

Đặc biệt, từ tháng 4/2020 báo in thường kỳ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho in 4 mầu trang 1 và trang 4. Đi đôi với việc cải tiến nâng cao chất lượng nội dung thông tin, Báo không ngừng cải tiến, nâng cao hình thức để trang báo đẹp, hấp dẫn, bắt kịp xu thế phát triển.

 
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh thăm, làm việc với Báo Hà Giang (tháng 12/2021).
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh thăm, làm việc với Báo Hà Giang (tháng 12/2021).

Hòa vào sự phát triển của báo chí cả nước, năm 2007, Trang Thông tin Báo Hà Giang điện tử đã chính thức ra mắt bạn đọc trên Internet với tên miền www.baohagiang.vn để quảng bá hình ảnh và con người Hà Giang tới đồng bào mọi miền đất nước và kiều bào, bè bạn ở nước ngoài.

Đến ngày 8/11/2019, Báo Hà Giang điện tử đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động báo điện tử. Báo Hà Giang điện tử đã kịp thời đổi mới, ra mắt phiên bản giao diện trên điện thoại thông minh.

Ngày 13/4/2024, Báo Hà Giang ra mắt chuyên trang tiếng Anh trên Báo Hà Giang điện tử. Đây là kênh thông tin đối ngoại quan trọng của tỉnh, giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, văn hóa, du lịch và thu hút đầu tư đến bạn bè nước ngoài.

Thực hiện chuyển đổi số trong Tòa soạn, tháng 12/2019, Báo Hà Giang điện tử lần đầu cho ra mắt chương trình phát thanh Báo Hà Giang online với thời lượng 3 chương trình/tuần. Phát huy tính năng đa phương tiện của báo điện tử, Báo Hà Giang mạnh dạn thực hiện các nội dung truyền hình trực tiếp và phát thanh trực tiếp một số sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh trên báo điện tử và trên trang fanpage của Báo và một số trang fanpage của tỉnh, được khán thính giả, bạn đọc đánh giá cao.

Tổng Biên tập Báo Hà Giang Nguyễn Trung Thu duyệt xuất bản số thường kỳ in 4 màu đầu tiên (năm 2020).
Tổng Biên tập Báo Hà Giang Nguyễn Trung Thu duyệt xuất bản số thường kỳ in 4 màu đầu tiên (năm 2020).

Hiện nay, Ban Biên tập, đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên Báo Hà Giang đang tích cực đi tắt, đón đầu, tận dụng xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng, tính năng đa phương tiện của Báo điện tử. Nỗ lực sản xuất, nhúng các các nội dung truyền hình, phát thanh vào các tin, bài; xây dựng các tác phẩm báo chí qua hình thức Emagazine; sử dụng công nghệ AI đọc các tin, bài…

Lãnh đạo Báo Hà Giang giới thiệu quy trình sản xuất của Báo Hà Giang điện tử với đoàn Báo Quảng Nam.
Lãnh đạo Báo Hà Giang giới thiệu quy trình sản xuất của Báo Hà Giang điện tử với đoàn Báo Quảng Nam.

Đến năm 2021, nhằm xây dựng Tòa soạn hiện đại, Tòa soạn Báo Hà Giang được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cho đầu tư Hệ thống tòa soạn điện tử, đồng thời được bổ sung thêm nguồn nhuận bút và những thiết bị như máy quay mới, flycam cho báo Hà Giang điện tử.

Tiếp đó, Báo Hà Giang điện tử tiếp tục được Tỉnh ủy cho nâng cấp, thay đổi giao diện mới với nội dung, hình thức đẹp mắt, khoa học, giao diện mới phù hợp với sự phát triển của báo chí hiện đại đó là làm báo đa phương tiện.

Năm 2022, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Báo Hà Giang tiếp tục đầu tư trang thiết bị hoạt động, xây dựng phòng thu hiện đại để phục vụ sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình online trên Báo Hà Giang điện tử.

Báo Hà Giang nhận bàn giao thiết bị.
Báo Hà Giang nhận bàn giao thiết bị.

Nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự năng động, sáng tạo của cả Tòa soạn trong việc thực hiện chuyển đổi số, thực hiện làm việc trên môi trường mạng một cách hiệu quả, bảo đảm sản xuất các nội dung, xuất bản báo kịp thời, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền của tỉnh.

Với sự năng động, đổi mới, Báo Hà Giang đã và đang hòa mình vào dòng chảy báo chí và công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Hà Giang và cả nước. Trong năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, theo đó, Báo Hà Giang đứng thứ 11 (mức Tốt) trong 62 báo địa phương trên cả nước.

Từ chỗ chỉ có 8 cán bộ trong những ngày đầu thành lập, đến nay Tòa soạn Báo Hà Giang có hơn 30 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên, công tác tại 5 phòng chuyên môn và gần 20 phóng viên là cộng tác viên hợp đồng.

Cùng với công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Chi bộ, Tòa soạn Báo Hà Giang luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Qua đó, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn của những người làm báo được nâng lên từng bước theo hướng chuyên nghiệp.

Các phóng viên dựng hình.
Các phóng viên dựng hình.

Cùng với đội ngũ phóng viên, Báo Hà Giang còn có nhiều cộng tác viên ở trong và ngoài tỉnh, tích cực cộng tác gửi tin, bài ảnh thường xuyên cho Báo. Số lượng cộng tác viên trong và ngoài tỉnh tham gia viết bài cho Báo Hà Giang ngày càng tăng, trong đó có nhiều cộng tác viên là nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu lý luận, nhà khoa học, cộng tác viên trong lực lượng vũ trang trong và ngoài tỉnh.

Cùng với đó, Báo Hà Giang đã tích cực phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền với nhiều chuyên trang, chuyên mục được thực hiện tốt.

Khách mời trong chương trình Talk Hà Giang.
Khách mời trong chương trình Talk Hà Giang.

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, Báo Hà Giang còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Báo Hà Giang là một trong những cầu nối hàng đầu của tỉnh tích cực tuyên truyền vận động, kêu gọi quyên góp ủng hộ cho các hộ nghèo, học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới trong tỉnh. Đặc biệt là việc kêu gọi kinh phí hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở theo Quyết định 1953 của Tỉnh ủy...

 
Các đồng chí lãnh đạo Báo Hà Giang tặng quà cho các hộ dân nghèo trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo Báo Hà Giang tặng quà cho các hộ dân nghèo trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận sự đóng góp của Báo Hà Giang, trong 60 năm qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã tặng nhiều cờ, bằng khen, giấy khen cho cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo Hà Giang.

Đến nay, tập thể Tòa soạn Báo Hà Giang đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều Bằng khen; nhiều thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên nhận được các danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trải qua 61 năm không ngừng vươn lên, Báo Hà Giang luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Đảng bộ tỉnh, chính quyền tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương và của bà con các dân tộc trong tỉnh… Từ đó, giúp đỡ, động viên để Tòa soạn Báo Hà Giang không ngừng vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh của người làm báo cách mạng, thực hiện phương châm tuyên truyền “Nhanh, đúng, trúng, hay”. Qua đó, khẳng định và xứng đáng với vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.

7.jpg

Báo Hà Giang tập trung đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của người làm báo; ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để xây dựng và sản xuất các ấn phẩm của Báo Hà Giang ngày càng được nâng cao chất lượng về hình thức cũng như nội; bắt kịp xu hướng phát triển của báo chí hiện nay, cũng như đáp ứng nhu cầu nghe, nhìn, xem, đọc của công chúng.

Theo Nhân Dân Điện tử


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Chủ động phương án, thích ứng với đổi mới
BHG - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018 với nhiều đổi mới về hình thức, môn thi, cấu trúc đề thi, công tác ôn tập... Hiện, các cấp, ngành, trường học trong tỉnh đang chủ động triển khai các giải pháp chuẩn bị từ sớm, từ xa, phối hợp nhịp nhàng, khoa học, chặt chẽ, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, chất lượng.
30/05/2025
Điểm tin thời sự trong tuần (24.5 – 30.5)
Điểm tin thời sự trong tuần (24.5 – 30.5)
30/05/2025
Talk Hà Giang: Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025 và những lưu ý từ ngành giáo dục
Talk Hà Giang: Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025 và những lưu ý từ ngành giáo dục
28/05/2025
100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam
Ngày 21/6/1925, báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo xuất bản số báo đầu tiên, mở ra một dòng báo chí mới, phục vụ sự nghiệp cách mạng, đấu tranh vì độc lập dân tộc. Sáu mươi năm sau, tháng 2/1985, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu của báo Thanh Niên làm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925). Trải qua hành trình 100 năm, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng lịch sử đất nước, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân...
18/06/2025