Nan giải bài toán xóa bỏ hủ tục tảo hôn

- Câu chuyện về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở miền núi vẫn là một vấn đề nóng trong những năm vừa qua. Dù đã có nhiều đề án, phương án để giảm thiểu vấn đề này, nhưng hầu như, hiệu quả vẫn chưa như mong muốn.

Một gia đình hai đời tảo hôn

Trong ngôi nhà nhỏ chừng 70m2 nằm lưng chừng ngọn đồi, 2 người phụ nữ đang cặm cụi làm việc nhà, thấy người lạ, đứa nhỏ chừng hơn 2 tuổi nép vào người mẹ, đôi mắt trong veo. Bà Hoàng.T.S, thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) là bà nội của đứa trẻ. Sau khi được nghe giới thiệu có phóng viên ở tỉnh về tìm hiểu cuộc sống của những cặp vợ chồng tảo hôn thì bà chỉ tay về phía người con dâu rồi thở dài: “Năm trước mới sinh một đứa, giờ thì cái bụng lại to lên nữa rồi. Chẳng biết làm sao hết. Ông bà nói đông con thì đông của, nhưng giờ đông con chỉ thấy đói thôi”.

Con trai bà S. là Dương V.T, học chưa hết cấp 2 thì bỏ học đi làm thuê  và  quen biết với Đào.T.B. Rồi một ngày, đôi trẻ dắt díu nhau về thông báo với gia đình là đã có thai, khi đó T. mới 16 tuổi, B. 14 tuổi. Sự đã rồi, bà S. cùng chồng khăn gói qua nhà gái để xin được cưới hỏi cho đôi trẻ. “Đến giờ vẫn còn đang nợ tiền cưới chừng 5 triệu gì đấy. Tiền lễ nhà gái, rồi cỗ bàn, tốn kém lắm, nhưng cũng phải làm cho đúng tục lệ” - bà S. nói. Cuộc sống màu hồng của đôi vợ chồng trẻ cũng nhanh kết thúc khi đứa trẻ ra đời. Nỗi lo về cơm áo gạo tiền bủa vây. Tiếng khóc của đứa trẻ mỗi khi thiếu sữa ngày một dày đặc hơn.

Cán bộ xã Yên Lâm (Hàm Yên) tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chính sách pháp luật về hôn nhân.

Bà S. thở dài: “Thằng T. có chịu làm gì đâu, suốt ngày cứ cắm đầu vào cái điện thoại, rồi lại tụ tập rượu chè đi chơi. Lâu lâu đi làm thuê trong bản được mấy đồng rồi cũng giữ lấy tiêu pha. Con khóc, con đói cũng không lo hết. Vì thương cháu thiếu sữa, lâu lâu mình vẫn ra quầy tạp hóa mua nợ cho nó mấy hộp. Giờ nợ nhiều quá, họ không bán cho nữa, đành nhịn. Rồi còn cái đứa trong bụng chuẩn bị sinh nữa, không biết làm sao đây. Hồi xưa nuôi con thấy dễ, giờ khó quá”. Cái hồi xưa của bà S. chính là lúc bà có chồng, sinh con ở tuổi 15. Khi chính thức lên làm bà nội, bà S. chỉ mới 33 tuổi.

Làm mẹ ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”

Sớm kết hôn khi đang tuổi ăn tuổi chơi nên hoàn cảnh của những đôi vợ chồng trẻ này là điều ai cũng có thể dự đoán được. Năm học lớp 9, Lò.T.N. thôn Nà Co, xã Xuân Lập (Lâm Bình) dừng việc học để lấy chồng. Mười bốn tuổi, đến chăm sóc cho bản thân còn chưa tròn, đã phải đảm đương thiên chức làm mẹ dường như quá sức với N. Chính vì vậy, 2 đứa con gái của N. còn chưa kịp ra đời đã mất. Từ đó, N. thu mình lại vào một góc riêng. Ngày ngày lầm lũi lên nương rồi về. Khi hỏi nếu được chọn lựa lại lần nữa thì có lấy chồng sớm không, N. chỉ cúi gằm mặt không nói, cố giấu giọt nước mắt đang chực trào ra nơi khóe mắt, đôi tay vân vê như muốn xé nát tà áo nhuốm đầy mủ cây rừng.

Những trường hợp như N. ở Xuân Lập không phải là hiếm. Trong năm 2023, có đến 7 trường hợp kết hôn khi chưa đủ tuổi ở đây. Đôi khi, chẳng cần phải đăng ký kết hôn hay tổ chức tiệc cưới. Chỉ cần con gà, chén rượu để hai gia đình ngồi lại với nhau là đôi trẻ có thể dọn về ở với nhau. Rồi cứ thế lần lượt sinh con đẻ cái, lay lắt như ngọn lau bên bờ suối. Và, những tiếng khóc xé lòng vẫn cứ thế tiếp tục.

Theo thống kê sơ bộ, ở huyện Lâm Bình trong những năm trở lại đây tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã có giảm nhưng không bền vững và không có dấu hiệu của sự dừng lại. Năm 2021 có 17 trường hợp, năm 2022 có 12 trường hợp và năm 2023 có 16 trường hợp tảo hôn ở trên địa bàn. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Lâm Bình khi nói về vấn đề này cũng lắc đầu ngao ngán.

Cán bộ thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) tuyên truyền chính sách pháp luật cho Nhân dân.

Phương án, biện pháp duy nhất hiện tại là tuyên truyền và tuyên truyền. “Chẳng có phương án gì hiệu quả và thực tế bằng cách tuyên truyền cả. Nhưng tuyên truyền như thế nào mới là vấn đề. Tất nhiên là mình ghi nhận những đóng góp của các tổ chức xã hội, nhưng cái căn cơ, cốt lõi nhất là phải làm thế nào để thay đổi được nhận thức của đồng bào. Một nghịch lý lớn nhất là khi càng tiếp xúc với công nghệ, thì tỷ lệ tảo hôn lại càng nhiều. Cứ xem phim ảnh rồi làm theo, đến khi sự đã rồi thì phải cưới. Huyện đã có đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từ cách đây 2 năm. Thông qua con số các năm thì đã thấy giảm dần, nhưng đó chưa phải là bền vững” - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số đồng bào DTTS, chưa thành thạo trong việc nghe và viết chữ phổ thông nên hạn chế trong tiếp cận tài liệu, thông tin tuyên truyền; một số hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu để nuôi dạy con cái nên tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng vẫn còn xảy ra dẫn đến kết hôn sớm... Phương án sắp tới của huyện chính là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mà tập trung vào những đối tượng thanh niên, vị thành niên có nguy cơ cao. Đặc biệt phải tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền

Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023, tỷ lệ tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số có xu hướng giảm dần. Tính trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn toàn tỉnh có 12.197 cặp kết hôn, trong đó có 390 cặp vợ chồng tảo hôn, chiếm 3,2%/tổng số cặp kết hôn. Mức giảm trong giai đoạn 2021 - 2023 là 0,4%. Mặc dù công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết luôn được các cấp chính quyền, các ngành  quan tâm, đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về các hệ lụy của vấn nạn tảo hôn... Tuy nhiên, tỷ lệ tảo hôn ở địa bàn các xã vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn cao.

Bà Hoàng Thị Thắm, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết là một trong những cản trở của sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai hiệu quả đề án chính là gỡ “nút thắt” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống đồng bào, chấm dứt vòng luẩn quẩn đói nghèo, thiếu hiểu biết, chất lượng dân số thấp.

Thời gian qua, các địa phương, đơn vị liên quan đã tích cực triển khai đề án, nhưng để phát huy hiệu quả cao hơn thì cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn nữa. Trong đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền đóng vai trò then chốt.

Việc tuyên truyền không nên dàn trải, cần có chọn lọc, đi vào chiều sâu và có trọng tâm, trọng điểm, phải thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Nội dung tuyên truyền có thể linh động, lồng ghép, sân khấu hóa… làm sao thu hút được người nghe.

Các đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng, lực lượng vũ trang tại địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của tảo hôn, HNCHT... Cần tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý và nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Triển khai thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các chương trình khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.             

  Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục