Nâng cánh ước mơ cho trẻ khuyết tật

- Chăm sóc, nuôi dạy trẻ bình thường đã khó, chăm sóc trẻ khuyết tật còn khó gấp bội. Bởi vậy, với cán bộ quản lý, giáo viên những lớp học “đặc biệt” này, sự trưởng thành, tiến bộ từng ngày của các em chính là niềm vui, động lực.

Trẻ khuyết tật được học tập tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ánh Bình Minh,
phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang).    

Đồng hành cùng những học sinh đặc biệt suốt 4 năm qua là cô giáo Lương Thu Trang, chủ nhiệm lớp khuyết tật chuyên biệt, trường Tiểu học Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang). Lớp học chỉ có 9 học sinh nhưng chưa khi nào có được một tiết học trọn vẹn.  Có những giờ học cô không dùng đến bảng đen, phấn trắng mà chỉ bằng sự vỗ về, yêu thương bởi các em chẳng chịu ngồi yên chứ chưa nói đến việc học. Chưa kể có em bị bệnh Down, không kiểm soát được hành động nên đôi lúc đánh cả cô. Lắm lúc mệt mỏi vì có những em hướng dẫn mãi không tiến bộ nhưng khi nghĩ đến những thiệt thòi của các em cô lại gạt bỏ mọi khoảng cách, nhẹ nhàng, kiên trì dạy bảo mong học trò của mình tiến bộ.

Với lớp học đặc biệt của trường Tiểu học Bắc Mục (Hàm Yên), dưới tình yêu thương, sự chăm sóc, dạy bảo của người mẹ hiền Tô Bích Thủy, nhiều em đã vượt qua mặc cảm để hòa nhập với các bạn. Chị Thủy kể về trường hợp của em Nguyễn Minh Trí, 14 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ, khả năng nhận thức chỉ như em bé 5 tuổi. Bằng ý chí của mình, Trí đã vượt qua bệnh tật, sau thời gian theo học ở lớp, thay vì sợ tiếp xúc, luôn thu mình mỗi khi đến trường, hay gào khóc khi bị trêu thì em đã chịu chơi với các bạn, tiếp thu tiến bộ.

Chị Nguyễn Thị Kết, mẹ của em Trí, tổ dân phố Tân Kỳ, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) chia sẻ, khi biết con bị bệnh, gia đình đưa cháu đi chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Từ ngày được đến lớp cháu có nhiều thay đổi, cháu đã biết tự làm những công việc cá nhân, giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Thấy con tiến bộ chị rất mừng, điều chị hạnh phúc nhất là cháu đã biết đọc, viết.

Hơn 2 năm qua, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ánh Bình Minh, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) đã nuôi dưỡng ước mơ, mang đến cơ hội học tập cho hàng trăm trẻ chuyên biệt mang các bệnh như: khiếm thị, khiếm thính, down, tăng động, tự kỷ... Các em có độ tuổi, mức độ bệnh khác nhau nhưng có điểm chung là rất nhút nhát, dễ cáu gắt, không chịu tiếp xúc với những người xung quanh. Thậm chí, nhiều em tuy đã lớn nhưng chưa biết tự đi vệ sinh, mặc quần áo…

Chị Nguyễn Đoan Trang, Giám đốc Trung tâm cho biết, do đa số trẻ bị ảnh hưởng trí não nên có những trẻ dù đã 7 tuổi nhưng mức độ nhận thức chỉ như em bé 1, 2 tuổi. Vì thế, với mỗi trẻ, giáo viên sẽ có khoảng thời gian đầu theo dõi và xây dựng giáo án riêng sát với mức độ bệnh. Ở đây, các em được dạy từ những kỹ năng cơ bản như: đi, đứng, viết, vệ sinh cá nhân… điều tưởng đơn giản nhưng là cả kỳ tích với trẻ khuyết tật. Nhiều trường hợp trẻ khuyết tật nặng, khi mới đến trung tâm chỉ la hét, sợ hãi, chạy ra khỏi phòng học nhưng với sự chăm sóc, kèm cặp của các cô, sau một thời gian đã biết viết, phát âm những chữ cái đầu tiên, biết thể hiện điều mình muốn.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 502 học sinh khuyết tật theo học tại các cơ sở giáo dục; trong đó, có 444 trẻ khuyết tật học hòa nhập; 58 trẻ học chuyên biệt. Tuy nhiên, hiện nay công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là mỗi lớp học có nhiều độ tuổi, mỗi trẻ một bệnh khác nhau khiến giáo viên khó khăn trong quá trình dạy; nhiều trẻ đã ra lớp nhưng bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh hoặc không theo học được. Cơ sở vật chất, thiết bị hỗ trợ công tác giáo dục hòa nhập chưa được đầu tư đồng bộ, thiết kế riêng cho học sinh khuyết tật…

Trẻ khuyết tật cũng có ước mơ, khao khát của riêng mình. Và hơn ai hết, chính từ sự kiên trì, tình yêu thương của gia đình, nhà trường và xã hội sẽ là chỗ dựa, giúp những đứa trẻ kém may mắn vượt qua mặc cảm để hòa nhập với xã hội.                    

   Bài, ảnh: Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục