Người dân nộp lệ phí thanh toán bằng mã QR Pay tại Bộ phận một cửa, xã Xuân Vân (Yên Sơn).
Bộ chỉ số PII năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột, gồm: 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo: Thể chế; vốn con người và nghiên cứu - phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp. 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động.
Đồng chí Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, bộ chỉ số PII là bộ chỉ số mới với nhiều chỉ tiêu thành phần, số liệu liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Kết quả PII 2023, giúp tỉnh nhận diện rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng bộ chỉ số thành phần, bao gồm: Trình độ phát triển của doanh nghiệp, trình độ phát triển của thị trường, vốn con người, nghiên cứu và phát triển, sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ…
Từ đó, giúp lãnh đạo tỉnh hoạch định chính sách, chiến lược đúng đắn để thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đối với nhà đầu tư, kết quả đánh giá PII sẽ là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư địa phương để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp. Tuy nhiên, việc so sánh trực tiếp giữa các địa phương chỉ mang tính tương đối bởi mỗi địa phương có các điều kiện, đặc điểm khác nhau và có định hướng phát triển khác nhau.
Tuyên Quang có một số chỉ số có điểm số cao như: cạnh tranh bình đẳng; cải cách hành chính; tỷ lệ diện tích đất công nghiệp đã được xây dựng kết cấu hạ tầng; tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tốc độ tăng năng suất lao động; đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể. Một số chỉ số có điểm số thấp như: tính năng động của chính quyền; tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ; cơ sở hạ tầng; tín dụng cho khu vực tư nhân; mật độ doanh nghiệp; đóng góp vào GDP cả nước; vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của các doanh nghiệp; đơn đăng ký giống cây trồng; số doanh nghiệp mới thành lập; giá trị xuất khẩu…
Theo thống kê, có tới 40% doanh nghiệp của tỉnh gặp phải khó khăn về tín dụng, trong khi đó việc tiếp cận về đất đai hiện nay gặp nhiều khó khăn, thiếu quỹ đất, thiếu lao động qua đào tạo; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự cởi mở, đồng hành, hỗ trợ khoa học công nghệ với doanh nghiệp; ít sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức khoa học và công nghệ trong thực hiện nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng nhu cầu đổi mới sáng tạo như hạ tầng ICT, môi trường sinh thái…
Trong thời gian qua, cơ chế, chính sách tài chính cho khoa học và công nghệ của tỉnh đã được đổi mới theo hướng tăng dần tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ trong tổng chi ngân sách nhà nước, năm sau cao hơn năm trước và đa dạng hóa nguồn đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ.
Người dân lấy số tại hệ thống lấy số tự động của Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh.
Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát vào 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đề ra, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ được chuyển giao cho doanh nghiệp, người dân ứng dụng trong sản xuất. Tỉnh chú trọng xây dựng quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản, chủ lực của địa phương, từng bước đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh được xem là hạt nhân quan trọng tạo bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa nền hành chính. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết, bên cạnh việc đã được đầu tư hệ thống trang thiết bị đồng bộ, để nâng cao hơn nữa hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, Trung tâm đã triển khai thực hiện niêm yết, công khai danh mục thủ tục hành chính bằng hình thức mã QR Code của 20/20 cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh việc triển khai thu phí, lệ phí tập trung bằng các hình thức thanh toán trực tiếp, trực tuyến, thanh toán bằng mã QR Pay miễn phí dịch vụ.
Đồng thời, Trung tâm đã triển khai ứng dụng Zalo OA trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó góp phần bảo đảm tính chuyên nghiệp, minh bạch trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Năm 2023, Trung tâm đã tiếp nhận 60,9% hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, tăng hơn 23,4% so với năm 2022.
Đồng chí Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, để bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của tỉnh tiếp tục được cải thiện trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Sở sẽ tích cực tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về khoa học, công nghệ và các hoạt động sản xuất, kinh doanh; các sở, ngành, các địa phương cần nâng cao kỹ năng điều hành, tăng tính năng động; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa các cấp chính quyền, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn với quyền hạn và trách nhiệm; linh hoạt thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể; việc đầu tư cơ sở hạ tầng đổi mới sáng tạo cần có bài bản hơn; tiếp tục thực hiện “4 tại chỗ”, “5 tại chỗ” tại các trung tâm dịch vụ hành chính công. Đồng thời, tích cực tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương, chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tham mưu thêm các chỉ số để đánh giá đúng thực trạng của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết