Trên địa bàn tỉnh có trên 452 HTX với gần 9 nghìn thành viên tham gia, trong đó chủ yếu là hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy lợi. Những năm gần đây việc khắc phục các HTX yếu kém kéo dài được đẩy mạnh, qua đó xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực. Nhiều HTX tham gia sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (có 138 sản phẩm của HTX/183 sản phẩm OCOP toàn tỉnh).
HTX nông nghiệp Minh Hoàng, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) triển khai mô hình trồng ớt đem lại kinh tế cho người dân.
Hợp tác xã Thành Đạt, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) hiện có 12 thành viên với trên 500 hộ liên kết vùng nguyên liệu trồng rau A - UK, bí đỏ và dưa chuột lên tới 200 ha tại các xã Kháng Nhật, Phúc Ứng, Hào Phú, Đông Lợi… Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc HTX cho biết: “Muốn HTX hoạt động hiệu quả thì trước hết phải thay đổi tư duy quản lý, chủ động liên kết thị trường. Khi xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, HTX mới có thể đảm bảo giá cả ổn định cho bà con, từ đó nâng cao thu nhập và giảm rủi ro mùa vụ. Có đầu ra ổn định thì nông dân mới mạnh dạn đầu tư, sản xuất theo hướng phát triển bền vững”.
Hiện nay, các HTX đã chủ động hơn trong việc huy động nguồn vốn của thành viên, quỹ đầu tư phát triển của HTX để mở rộng sản xuất, kinh doanh; tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư thêm máy móc, thiết bị nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động, mở rộng các ngành nghề, nhất là xây dựng mô hình mới và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nhằm bao tiêu nông sản cho thành viên và các hộ nông dân trên địa bàn.
Chị Phạm Thị Hồng, HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) chia sẻ: “Khi mới thành lập, HTX được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất an toàn, hỗ trợ bao bì, tem mác và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, HTX đã chủ động nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật sản xuất rải vụ và chọn lọc các loại giống mới phù hợp, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Mỗi năm, HTX sản xuất khoảng trên 50 tấn với 9 sản phẩm. Thu nhập mỗi thành viên liên kết đạt khoảng 100 - 150 triệu đồng/năm”.
Việc chú trọng đầu tư trong các HTX, mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và phát triển các dịch vụ đa dạng đã trở thành cầu nối hỗ trợ nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục PTNT và Quản lý chất lượng cho biết: Thời gian tới Chi cục sẽ tiếp tục hỗ trợ, tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, điều hành của các HTX. Đặc biệt hỗ trợ để HTX tiếp cận các chính sách về nguồn vốn, đất đai, thuế…, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng quy mô sản xuất theo quy chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đồng thời, xây dựng HTX ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ các HTX nông nghiệp thực hiện liên kết với doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị...
Gửi phản hồi
In bài viết