Quang cảnh tọa đàm bàn tròn trong khuôn khổ phiên thảo luận "“Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí”.
Đổi mới phương thức tuyên truyền, bảo đảm “đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn”
Tham luận tại phiên họp, nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng nhấn mạnh, thời gian qua, báo chí Việt Nam nói chung, Báo Sài Gòn Giải Phóng nói riêng đã luôn đề cao tính Đảng, tính định hướng trong mọi hoạt động của mình. Biểu hiện rõ nét nhất là báo đã chủ động, tích cực tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; tích cực tham gia, tiên phong trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, Báo Sài Gòn Giải Phóng không chỉ phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh nhất, chân thực nhất những sự kiện thời sự, mà còn đóng vai trò hiệu quả ở việc định hướng thông tin tới công chúng một cách thuyết phục.
Nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, tham luận tại phiên họp.
Đề cập sâu hơn về tính Đảng và tính định hướng, nhà báo Tăng Hữu Phong nêu rõ, với Báo Sài Gòn Giải Phóng, tính Đảng là nguyên tắc nền tảng và được thể hiện rõ trong mọi hoạt động của tờ báo cũng như của các ấn phẩm của báo.
Tính Đảng của Báo Sài Gòn Giải Phóng thể hiện ở việc báo tiên phong trong thực hiện mục tiêu, lý tưởng và nhiệm vụ của Đảng nói chung, của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng; lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng cho hoạt động của mình; qua các bài viết, ấn phẩm vừa bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, vừa đấu tranh một cách kiên quyết chống lại những tư tưởng thù địch, những quan điểm sai trái, những hiện tượng tiêu cực…
Để giữ vững và nâng cao tính Đảng, tính định hướng của báo Đảng, nhà báo Tăng Hữu Phong cho rằng, cần đề cao hơn nữa yêu cầu đổi mới phương thức tuyên truyền, thực hiện tốt mục tiêu tuyên truyền “đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn”. Đồng thời, phải luôn bám sát thực tế cuộc sống, tăng cường xuống cơ sở, nắm bắt thông tin đa chiều, toàn diện; chú trọng bồi dưỡng đội ngũ nhà báo về lý luận chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước để người làm báo nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Nâng cao tính chiến đấu, tính tiên phong của báo chí trên lĩnh vực tư tưởng
Theo nhà báo Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, tính Đảng trên báo chí thể hiện ở chỗ: qua mỗi tin, bài, người đọc có thể cảm nhận được tính đúng đắn, tính khoa học, tính cách mạng trong các nghị quyết của Đảng; đồng thời, qua những tin, bài đăng trên báo chí, người đọc có thể thấy được những tấm gương sáng có thể học tập và làm theo.
Nhà báo Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng tham luận tại phiên họp.
Tính định hướng là phương hướng hoạt động của báo chí bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, đáp ứng yêu cầu của cấp ủy các cấp của mỗi thời kỳ. Sẽ là phiến diện nếu quan niệm định hướng chỉ là truyền đạt, chuyển tải “ý kiến chỉ đạo” của cấp trên xuống cấp dưới. Định hướng đúng nghĩa phải là cung cấp thông tin đầy đủ, chân thực, góp phần xây dựng niềm tin (có căn cứ) và hành động (chủ động, tự giác) cho đối tượng.
“Định hướng do đó không thể chỉ là một chiều từ trên xuống, mà còn từ dưới lên, từ thực tiễn (đang được nhận thức) đối với cả trên lẫn dưới. Không “định hướng” gò ép, “đẽo chân cho vừa giày” khi có sự vênh nhau giữa chủ trương và thực tiễn, giữa nói và làm, giữa bức tranh được vẽ ra và cuộc sống thực”, nhà báo Ngô Minh Tuấn chia sẻ.
Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng cho rằng, tính định hướng và tính hấp dẫn của báo chí có quan hệ mật thiết, bổ sung cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Tính định hướng càng đúng, càng sâu sắc, được thể hiện càng sinh động, khoa học thì tính hấp dẫn càng mạnh, sức cuốn hút càng cao. Ngược lại, tính hấp dẫn càng mạnh, báo chí càng thu hút được sự quan tâm của đông đảo người đọc, ngày càng có nhiều người đọc khát khao, mong chờ những số báo, tạp chí phát hành, thì hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, định hướng, đưa các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống càng tốt.
Nhà báo Phạm Song Hà, Trưởng Ban Chính trị-Xã hội, Báo Nhân Dân điều phối phiên thảo luận.
Để giải quyết tốt mối quan hệ này, báo chí cần tiếp tục bảo đảm tính chính thống, khoa học và chuẩn xác trong việc tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Đồng thời, luôn bảo đảm tính thời sự, cập nhật của thông tin; nâng cao tính chiến đấu, tính tiên phong của báo chí trên lĩnh vực tư tưởng; tăng cường tính trao đổi, toạ đàm về công tác xây dựng đảng trên báo chí; có cách tiếp cận mới mẻ, độc đáo, nội dung tin bài ngắn gọn, xúc tích…
Chia sẻ giải pháp nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí, nhà báo Ngô Minh Tuấn nhấn mạnh, các cơ quan báo chí cần làm tốt công tác cán bộ và công tác xây dựng Đảng; tăng cường đăng tải những bài viết có tính chiến đấu cao, góp phần đấu tranh chống các luận điệu phủ nhận lịch sử, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng; phát huy vai trò nòng cốt của các báo, tạp chí của Đảng trong việc nâng cao tính đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí…
Sử dụng mạng xã hội để lan tỏa thông tin nhanh, chính xác đến bạn đọc
Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng các nền tảng mạng xã hội để truyền tải thông tin đến độc giả, nhà báo Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ, nhấn mạnh phương châm hành động: Hãy sử dụng bất kỳ công cụ nào có trong tay để lan tỏa nhanh nhất thông tin đến đông đảo người dân, bạn bè quốc tế, bảo đảm chính xác nhất, hiệu quả nhất, đúng trọng tâm trọng điểm, có tính dẫn dắt định hướng dự luận.
Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm cho biết, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chú trọng công tác truyền thông đa nền tảng, trong đó có nền tảng mạng xã hội, đồng thời coi mạng xã hội là kênh cung cấp “thông tin ngược”, “thông tin phản hồi” và là nơi phản ánh những kiến nghị, góp ý vô cùng nhanh chóng của người dân, doanh nghiệp, từ đó sớm có thông tin nhiều chiều để chủ động trong công tác tham mưu và tổ chức xử lý thông tin dư luận, xử lý khủng hoảng truyền thông “từ sớm, từ xa”.
Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ tham luận tại phiên họp.
“Các nền tảng mạng xã hội là một cấu phần hết sức quan trọng trong hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trong quá trình chuyển đổi số báo chí, là công cụ hết sức hữu ích để lan tỏa thông tin chính xác, kịp thời, hiệu quả phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, nhà báo Nguyễn Hồng Sâm nói.
Để phát triển hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ luôn ý thức và liên tục gia cố “3 trụ cột” gồm. Một là, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến nhất về truyền thông đa nền tảng (nền tảng web và nền tảng mạng xã hội). Hai là, xây dựng và sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực chất lượng cao cả trong và ngoài hệ thống để phục vụ công tác truyền thông đa nền tảng. Ba là không ngừng đổi mới cả về nội dung và kỹ thuật tổ chức sản xuất, cung cấp các sản phẩm truyền thông để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các cấp lãnh đạo cũng như nhu cầu không ngừng nâng lên của bạn đọc, phù hợp với “cách” tiếp cận thông tin của từng nhóm công chúng trên từng nền tảng mạng xã hội và nền tảng web.
Ghi nhận tầm quan trọng của các nền tảng mạng xã hội trong truyền tải thông tin, song nhà báo Nguyễn Hồng Sâm cũng lưu ý, mạng xã hội có nhiều mặt, tích cực và tiêu cực. Mạng xã hội là công cụ tuyên truyền hữu ích nhưng không phải tất cả. Chúng ta vẫn phải dựa vào các nền tảng báo chí chính thống.
“Chúng ta tham khảo thông tin trên mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội như là một công cụ tuyên truyền chứ không để mạng xã hội dẫn dắt chúng ta. Chúng ta chủ động tham gia mạng xã hội một cách tỉnh táo, chuyên nghiệp. Nếu không làm chủ được công nghệ, làm chủ các kỹ năng và thành thạo các quy định của pháp luật, các quy định của nhà mạng, chúng ta nên thận trọng khi tham gia”, Tổng Biên tập Báo HàNộiMới nhấn mạnh.
Báo Đảng cần giữ riêng bản sắc và tự làm mới
Tham luận tại phiên họp, nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo HàNộiMới nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của hệ thống các cơ quan báo Đảng trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận và phát triển trong toàn xã hội; đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tuy nhiên, theo nhà báo Nguyễn Minh Đức, báo Đảng đang gặp những thách thức trước yêu cầu bảo đảm nhiệm vụ cung cấp thông tin chính thống, kịp thời, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt giữa báo chí chính thống với mạng xã hội cũng như cạnh tranh thông tin giữa các cơ quan báo chí với nhau, cũng như tác động tiêu cực của mạng xã hội và các kênh truyền thông khác.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo HàNộiMới tham luận tại phiên họp.
“Với tốc độ lan truyền nhanh chóng, liên tục theo từng giây và phạm vi tương tác đa chiều, không ít thông tin trên mạng xã hội chỉ với mục đích câu like, câu view, thậm chí là sai sự thật, bịa đặt, có tác động xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến việc định hướng dư luận. Trước sức ép cạnh tranh về tốc độ, hiệu suất thông tin giữa báo chí và mạng xã hội, nếu những người làm báo không tỉnh táo, chủ quan trong quy trình kiểm soát thông tin trước khi đăng tải rất dễ đăng thông tin không chính xác, thiếu kiểm chứng”, nhà báo Nguyễn Minh Đức nêu rõ.
Theo Tổng Biên tập Báo HàNộiMới, hệ thống báo Đảng có nhiều ưu thế cạnh tranh thông tin. Trong bối cảnh thông tin bùng nổ, thiếu kiểm chứng, thì với vị thế của mình, báo Đảng hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn tin “gốc” để có thông tin độc quyền, chính xác, góp phần định hướng dư luận…
Tuy vậy, nhà báo Nguyễn Minh Đức cho rằng, trước sự phát triển vũ bão của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác, báo Đảng không thể độc quyền thông tin, không thể chỉ cung cấp những gì mình có. Muốn có độc giả, muốn giữ được bạn đọc, báo Đảng phải tự làm mới, giữ riêng bản sắc của mình, đồng thời phải cải tiến để đáp ứng nhanh nhu cầu thông tin khi mặt bằng nhận thức của công chúng ngày càng cao.
Chia sẻ kinh nghiệm của Báo HàNộiMới, nhà báo Nguyễn Minh Đức cho biết, sự đổi mới phải đáp ứng các yêu cầu, trước hết là đưa tin kịp thời, chính xác - hai tiêu chí quan trọng làm nên chất lượng thông tin báo chí; tiếp đó là nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho phóng viên, đưa thông tin hấp dẫn bạn đọc. Ngoài ra, hình thức thể hiện cần ngắn gọn, chắt lọc thông tin; phương thức trình bày phải đa dạng, giúp bạn đọc dễ tiếp cận. Đặc biệt, cần chú trọng thông tin có tác động lớn đến người dân.
Bên cạnh đó, khi cần tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết, chính sách lớn, được xã hội quan tâm, nhất là khi diễn ra các sự kiện lớn như: Đại hội Đảng, Kỳ họp Quốc hội-Hội đồng nhân dân, bầu cử..., báo Đảng phải là kênh thông tin đi đầu, dẫn dắt dư luận. “Để làm được điều đó, thông tin phải nhanh nhất, số lượng tin bài phải nhiều nhất, đa dạng nhất, tin tức phải được xuất bản đa nền tảng. Việc hình thành các tổ, nhóm phóng viên đa phương tiện khi tác nghiệp tại các sự kiện lớn là rất cần thiết tại các tòa soạn báo Đảng”, nhà báo Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Thể hiện tính định hướng, tính tiên phong của báo Đảng
Chia sẻ về tính định hướng, tính tiên phong của báo Đảng trên Báo Nhân Dân, nhà báo Tạ Quang Dũng, Trưởng ban Quản lý Phóng viên Thường trú, Báo Nhân Dân cho biết, nhằm tuyên truyền cụ thể sáu Nghị quyết của Bộ Chính trị về sáu vùng kinh tế-xã hội, Báo Nhân Dân đã xuất bản phụ trương về sáu vùng, với các chuyên mục, chuyên trang về các vấn đề thời sự, hấp dẫn, đặc sắc, phong phú của địa phương.
Việc ra mắt các phụ trương chuyên trang, chuyên mục riêng biệt về sáu vùng kinh tế-xã hội là cột mốc lịch sử có ý nghĩa của Báo Nhân Dân theo đúng tinh thần của Nghị quyết Bộ Chính trị. Đây được xem là một bước đi mạnh dạn, thể hiện rõ tính định hướng dẫn đầu của cơ quan ngôn luận của Đảng trong việc tìm ra phương thức thể hiện mới, tuyên truyền mới về các Nghị quyết mới của Bộ Chính trị; đồng thời để các nhà báo phát huy trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước theo định hướng Đảng và Nhà nước đã vạch ra.
Nhà báo Tạ Quang Dũng, Trưởng ban Quản lý Phóng viên Thường trú, Báo Nhân Dân tham luận tại phiên họp.
Cùng với phụ trương phát hành kèm theo Báo Nhân Dân hằng ngày vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ năm hằng tuần, Báo Nhân Dân còn mở các chuyên trang, chuyên mục trên Báo Nhân Dân điện tử và Truyền hình Nhân Dân. Mỗi trang báo, mỗi bài, mỗi phóng sự trên các ấn phẩm của Báo Nhân Dân góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đưa ra; đồng thời, thêm góc nhìn đa chiều phản ánh việc thực hiện chính sách phát triển vùng tại các địa phương ngày càng hiệu quả; thay đổi tầm nhìn, định hướng phát triển của mỗi vùng, mỗi địa phương và cuộc sống của mỗi người dân.
Nhà báo Tạ Quang Dũng nhấn mạnh, việc xuất bản ra mắt phụ trương sáu vùng kinh tế-xã hội trên Báo Nhân Dân hằng ngày và thực hiện mở chuyên trang, chuyên mục về sáu vùng trên các ấn phẩm Nhân Dân điện tử và Truyền hình Nhân Dân, là chủ trương đột phá, kịp thời, phát huy tính tiên phong trong việc đẩy mạnh tuyên truyền khai thác và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế-chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng; liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...
Quang cảnh tọa đàm.
Trong khuôn khổ phiên thảo luận đã diễn ra tọa đàm bàn tròn với sự tham gia của các diễn giả tham luận và nhà báo Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Phú Thọ. Lãnh đạo các cơ quan báo chí đã đề cập những vấn đề nóng trong hoạt động báo chí hiện nay như: sự “đồng phục thông tin” tạo nhàm chán, không hiệu quả trong truyền thông chính sách; tính Đảng, tính định hướng gắn với tính chiến đấu, tính hấp dẫn của báo chí; chuyển đổi số báo chí…
Các diễn giả có đồng quan điểm về sự cần thiết phải khắc phục tình trạng “đồng phục thông tin” và cho rằng, mỗi cơ quan báo chí cần giữ được bản sắc riêng và có hướng đi riêng, với cùng một nội dung nhất định, tùy theo sắc thái của từng tờ báo để làm phong phú hình thức truyền tải.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số, các diễn giả cũng cho rằng các cơ quan báo chí cần chú trọng vấn đề con người và yếu tố then chốt vẫn là nội dung chất lượng.
Gửi phản hồi
In bài viết