Con đường... nghiện ngập
Anh Đinh Văn Nhật, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, cẩn thận mở khóa cổng sắt, xung quanh là tường rào thép gai dẫn chúng tôi bước vào nơi cai nghiện, họ đang quyết tâm từ bỏ cái chết trắng. Những cái cúi đầu e ngại, những ánh mắt lẩn tránh không dám nhìn thẳng vào người đối diện, bởi sự mặc cảm về những gì mình đã gây ra.
Trên khắp cánh tay, thân hình H.V.T, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) chằng chịt những hình xăm. Theo T, xăm hình như vậy là một loại vũ khí vô hình áp đảo tinh thần đối phương khi có chuyện bất trắc xảy ra. Những đó là câu chuyện nông nổi đã qua, giờ là nỗi buồn thăm thẳm vì sự mặc cảm mang tên “thằng nghiện”. Anh bảo: “Buồn lắm, tôi đã cố gắng rất nhiều, nhưng vẫn vướng vào với nàng tiên nâu. Có trăm nghìn lý do khiến người ta nghiện ma túy nhưng căn bản nhất là do mình, do thiếu bản lĩnh nên bị kẻ xấu dụ dỗ”.
Cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh động viên các học viên tích cực cải tạo để sớm hòa nhập với cộng đồng.
Trong số những người đang điều trị cai nghiện tại đây, tôi gặp anh L.M.S. ở xã Trung Môn (Yên Sơn), một người khá điển trai. Lúc đầu, anh không bắt chuyện, hỏi gì anh cũng ngoảnh mặt đi nhưng tôi và cán bộ ở đây đã thuyết phục, cuối cùng anh cũng dốc bầu tâm sự. Anh S. chia sẻ, anh có “tuổi hút” được cho là “non” nhất so với các anh ở đây nhưng cũng đã có 2 lần bước chân vào cơ sở cai nghiện rồi. Anh không nhớ là bản thân mình đã hứa bao nhiêu lần với người thân, với cán bộ là quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời. Nhưng rồi con “ma” nó cứ bám lấy anh, anh không tài nào gỡ ra được, thế là cứ lao vào hút, để bây giờ đến nông nỗi này...
Cùng vượt khó
Anh Đinh Văn Nhật dẫn chúng tôi đi tham quan Cơ sở cai nghiện ma túy, nhìn nơi ăn chốn ở của các học viên, nghe cách họ kính trọng chào anh Nhật bằng “thầy xưng em”, khiến tôi nghẹn lại. Họ gọi anh Nhật là thầy cũng phải, bởi anh không chỉ “khơi thông” những u mê, tăm tối trong những con người nghiện mà còn phải lo toan từng bữa ăn, giấc ngủ, lo điều trị bệnh cho các “trò”.
Các học viên khi vào trung tâm phần lớn đều có tuổi đời khá trẻ từ 18 đến 40 tuổi, nghiện ma túy nặng, sức khỏe suy kiệt, một số học viên có biểu hiện bệnh lý, lối loạn tâm thần và mắc các bệnh như viêm gan B, bệnh lao phổi mãn tính, HIV/AIDS... Do vậy, việc quản lý, điều trị cai nghiện, phục hồi sức khỏe đối với các học viên gặp nhiều khó khăn.
Vườn rau xanh của cơ sở do các học viên trồng, chăm sóc.
Anh Đinh Văn Nhật, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho biết:Hiện nay, cơ sở đang tiếp nhận, quản lý 145 học viên cai nghiện ma túy. Các học viên khi bắt đầu vào đây, hầu hết là đối tượng nghiện nhiều năm, mức độ bệnh lý nặng, nhiều học viên khi mới vào thường có những biểu hiện tâm lý, hành vi dễ bị kích thích. Việc điều trị cắt cơn cai nghiện, điều trị phục hồi sức khỏe đối với những học viên đó gặp nhiều vất vả, phức tạp. Xác định việc chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho các học viên là nhiệm vụ trọng tâm, nên sau khi tiếp nhận, trung tâm phân loại học viên, cử cán bộ điều trị cắt cơn, giải độc cho học viên.
Cùng với đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch và duy trì khám sức khỏe định kỳ cho các học viên, hàng năm cơ sở phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức khám, xét nghiệm mẫu đờm sàng lọc bệnh lao và xét nghiệm HIV cho học viên; duy trì điều trị cho các học viên nhiễm lao, nhiễm HIV/AIDS. Song song điều trị, phục sức khỏe cho học viên, cơ sở luôn xác định việc giáo dục cảm hóa chính là phương pháp tốt nhất để quản lý các học viên, vì các học viên khi vào đây đa phần có tâm lý hay mặc cảm, né tránh tiếp xúc với người lạ.
Để nắm bắt tâm tình của học viên, cơ sở phân công cán bộ thường xuyên thăm hỏi, gần gũi, động viên chia sẻ, giúp học viên vượt qua mặc cảm, sự kỳ thị của xã hội, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của từng học viên, giúp họ cai nghiện tiến bộ, trở về với cuộc sống đời thường. Cùng với đó, cơ sở đã phối hợp với Trung tâm đào tạo nghề để dạy nghề cho các học viên như nghề may, hàn xì, chăn nuôi... Đồng thời, quan tâm chế độ ăn uống, lao động nghỉ ngơi, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo động lực để học viên vươn lên.
Cán bộ Cơ sở điều trị ma túy tỉnh tư vấn tuyên truyền giáo dục cho các học viên.
Chỉ còn vài ngày nữa là anh N.V.T, huyện Chiêm Hóa hoàn thành thời gian cai nghiện, được trở về tái hòa nhập với cộng đồng. Anh T. chia sẻ: “Vào cơ sở điều trị tôi được sự chăm sóc, dạy bảo chu đáo của các thầy ở đây. Hàng ngày, sau giờ lao động trị liệu, mọi người cùng chơi bóng đá, bóng chuyền, chạy bộ rèn luyện sức khỏe. Không những thế, chúng tôi còn được dạy nghề, tạo việc làm sau cai nghiện. Tôi rất vui vì sau một thời gian cai nghiện tại đây trở về địa phương tôi có việc làm từ nghề may, tự nuôi sống bản thân và xây dựng hạnh phúc gia đình”.
Còn anh Đ.N.Q. đến từ huyện Hàm Yên chia sẻ: “Trước đây tôi là lao động phổ thông, nhưng ham chơi, đua đòi, thích thể hiện nên rơi vào cảnh nghiện ngập. Lần cai nghiện này tôi được các thầy truyền đạt, dạy dỗ, tư vấn kỹ về tâm lý, giúp tôi suy nghĩ thấu đáo hơn. Vì mẹ già đang bệnh tật ở nhà, không người nương tựa, tôi sẽ quyết tâm từ bỏ ma túy để về phụng dưỡng mẹ già”.
Những người nghiện ma tuý khi tự nguyện bước chân vào Cơ sở cai nghiện để điều trị đều có chung một mục đích là cố gắng vượt qua chính mình để sớm hoàn lương trở về con đường sáng. Mong muốn, khát khao là vậy, nhưng nẻo về với họ không mấy dễ dàng, ngoài sự hỗ trợ của cộng đồng thì hơn hết họ phải biết vượt qua cám dỗ để đường về với gia đình, người thân ngày một gần hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết