Nét làng

- Giữ được bản sắc làng quê mộc mạc trước những biến động của thời cuộc là một thách thức, ở Phúc Ứng, vùng đất thanh bình thuộc huyện Sơn Dương, mỗi bước đi, mỗi cách làm đều xuất phát từ sự trân trọng, giữ gìn không gian văn hóa làng quê riêng của mình.

Nét đẹp trường tồn 

Từ bao đời, cây đa, giếng nước, sân đình là nét đặc trưng của mỗi làng quê. Nay, trong quá trình phát triển, những hình ảnh đặc trưng, quen thuộc của làng quê ở nhiều nơi đang dần mai một. Thế nhưng, ở Phúc Ứng mặc dù chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa nhưng vùng quê này vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa mang đậm nét làng. Ấy là mái đình, là trang phục, là nhà sàn, là nhà cổ...

Ông Phùng Văn Năm, thôn Khuôn Ráng giới thiệu nhà truyền thống của người Nùng.

Về thôn Khuôn Ráng hôm nay, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay nhanh chóng ở miền quê này trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Điều đặc biệt là tồn tại song song với vẻ bề ngoài đầy dáng dấp đô thị thì nơi đây vẫn thấp thoáng không gian của một làng quê cổ kính đang được người dân gìn giữ như tài sản vô giá. Tâm điểm của không gian ấy chính là những ngôi nhà truyền thống của người Nùng.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cổ hàng trăm năm tuổi, ông Phùng Văn Năm, thôn Khuôn Ráng nói: chúng tôi luôn tâm niệm rằng, dù cuộc sống có phát triển đến đâu cũng không bao giờ được quên gốc rễ, cội nguồn. Truyền thống là hồn cốt, nếu đánh mất thì chúng ta sẽ chẳng còn gì. Chúng tôi coi những ngôi nhà cổ là nét đẹp riêng của làng quê. Vì thế, con cháu các dòng họ người Nùng ở Phúc Ứng luôn bảo ban nhau giữ gìn những ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình. 

Nhắc tới làng là nhắc tới nghề truyền thống. Và ở Khuôn Ráng còn là vùng đất có nghề rèn truyền thống. Ông Lương Thế Nho, thôn  Khuôn Ráng là một trong những thợ rèn nổi tiếng khắp vùng. Trò chuyện với ông Nho được biết: trên địa bàn thôn hiện có khoảng 7 hộ vẫn giữ được nghề rèn truyền thống. Không biết nghề rèn có từ bao giờ, chỉ biết khi ông nội ông Nho sinh ra đã có nghề này và truyền lại cho bố, các anh và giờ là đến ông. Trải qua thời gian, cũng có lúc thăng, lúc trầm nhưng nghề rèn truyền thống ở đây vẫn đang được khôi phục. Những thợ rèn nơi đây đã tạo nên những sản phẩm độc đáo, kết tinh cả truyền thống văn hóa lâu đời.

Đồng bào Nùng ở Khuôn Thê (Phúc Ứng) giữ gìn trang phục truyền thống.

Không chỉ bảo tồn không gian, kiến trúc đặc trưng của làng quê, người dân xã Phúc Ứng vẫn duy trì nhiều nét đẹp truyền thống mang đậm chất làng xã. Chẳng hạn, ở thôn Định Chung có nhiều lễ hội, tục lệ nên việc họp xóm, họp làng được tổ chức thường xuyên. Vào ngày 6-6 âm lịch hàng năm, theo tục lệ, thôn đứng ra tổ chức nghi lễ cầu mùa, may mắn, bình an cho dân làng tại đình thôn, còn các hộ dân trong làng “góp giỗ”. Khi cúng giỗ xong, cả làng quây quần thụ lộc. Nét đẹp này gắn kết tình làng, nghĩa xóm, từ đó hạn chế được các mâu thuẫn cá nhân.

Hòa quyện cũ - mới 

Nhận thức được giá trị văn hóa làng là điểm tựa, cội nguồn để xây dựng cuộc sống mới văn minh hiện đại, từ nhiều năm nay, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các thôn ở Phúc Ứng đã rà soát, đánh giá lại những phong tục tập quán tốt đẹp trong đời sống cần phải bảo tồn, phát huy và thay đổi những gì không còn phù hợp. Nhiều nét đẹp mới của văn hóa làng mới được ghi nhận như: việc tang văn minh, cưới tiết kiệm; tổ chức lễ hội vui vẻ, thiết thực, không lãng phí, phô trương. 

Bà Nông Thị Năm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phúc Ứng cho biết, đến nay, hầu hết đám cưới đều được tổ chức tại nhà với hình thức trang trọng, tiết kiệm; trong thôn có người qua đời, trưởng thôn cùng ban tang lễ gia đình đứng ra làm tang lễ chỉ kéo dài 1,5 ngày, không còn những tập tục cổ hủ. Những việc như chăm sóc cây xanh, nuôi động vật, đổ rác đúng nơi quy định... người dân đều nghiêm chỉnh chấp hành.

Người dân ở Khuôn Ráng giữ gìn nghề rèn truyền thống.

Khuôn Thê là thôn có nhiều phong tục đẹp. Từ năm 1990, thôn đã thông qua “Quy ước hương ước thôn”, kế thừa những giá trị tốt đẹp trong bản Hương ước cổ của làng, có bổ sung những điều khoản cho phù hợp với quy định của pháp luật. Quy ước gồm 4 chương, hơn 30 điều, quy định khá đầy đủ về những việc được và không được làm của người dân và bao hàm nhiều vấn đề trong đời sống cộng đồng như đạo lý gia đình, vệ sinh môi trường, trật tự trong làng thôn... Đây là nền tảng bồi đắp tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, cũng vì thế mà người dân Khuôn Thê luôn đồng thuận cao khi thực hiện các việc chung. Khi xây dựng nông thôn mới, Khuôn Thê đã huy động được sự chung sức của người dân trở thành điển hình của xã Phúc Ứng trong lĩnh vực này.

Đồng bào Nùng ở Khuôn Thê có rất nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó trang phục truyền thống của người Nùng là độc đáo nhất. Từng đường kim, mũi chỉ, từng nét hoa văn trang trí được người dân khéo léo gửi gắm lên bộ trang phục. Ông Lê Đức Vân, Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Thê cho biết, thôn có 104 hộ, dân tộc Nùng chiếm 99%. Bản sắc văn hóa dân tộc Nùng là những điệu hát, là trang phục, tiếng nói… và đều đã, đang được khôi phục. Từ chỗ mất dần các bộ trang phục Nùng, nay 95% các hộ trong thôn đều có trang phục, thôn còn có 3 hộ còn dệt trang phục truyền thống.

Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ứng Đặng Thanh Vân chia sẻ: Phúc Ứng phát triển nhưng “hồn làng” vẫn được giữ gìn, nhân lên, tỏa sáng; người dân sống với môi trường trong lành, thu nhập ổn định. Làng phát triển mà không bị lai căng, biến thể. Các thiết chế văn hóa, các lễ hội ở các xã… đều được bảo tồn và người dân dù phát triển kinh tế ra sao vẫn không quên các nếp sinh hoạt cộng đồng có từ bao đời. Làng quê luôn là thành trì trước những biến động từ thực tế.

Lý Thu

Tin cùng chuyên mục