Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
4/5 lĩnh vực ưu tiên có tăng trưởng tín dụng cao
Thực tế, các lĩnh vực ưu tiên luôn được ngành Ngân hàng quan tâm. Năm 2021, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng mạnh. Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành Ngân hàng đã chủ động tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từng bước khôi phục và phát triển nền kinh tế. Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) Phạm Đức Ấn cho biết, trong năm 2021, gần 3,2 triệu khách hàng được Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, tổng số tiền lãi đã được giảm là hơn 5.600 tỷ đồng, cao nhất trong các tổ chức tín dụng. Agribank triển khai nhiều chương trình tín dụng có quy mô lớn với lãi suất ưu đãi cho 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: Nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin, năm 2021, tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 10,38 triệu tỷ đồng, tăng 12,97% so với cuối năm 2020. Trong đó, 4/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng tín dụng chung của nền kinh tế. Cụ thể, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 13,5%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,32%; công nghiệp hỗ trợ tăng 21,52%; ứng dụng công nghệ cao tăng 19,2% so với năm 2020.
Về định hướng điều hành tín dụng trong năm 2022, Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho hay, các lĩnh vực ưu tiên đều là trụ đỡ và là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục định hướng và có giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực này.
Kết quả điều tra về xu hướng tín dụng do Vụ Dự báo, thống kê, Ngân hàng Nhà nước tiến hành mới đây cho thấy, trong năm 2022, các ngân hàng thương mại dự kiến sẽ “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Cơ sở để “nới lỏng nhẹ" tiêu chuẩn tín dụng là các yếu tố “triển vọng kinh tế vĩ mô” khả quan, “chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước” cùng với “năng lực tài chính của tổ chức tín dụng” được cải thiện.
Bên cạnh đó, mức độ rủi ro tín dụng của một số lĩnh vực như đầu tư công nghiệp hỗ trợ, đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất, nhập khẩu được kỳ vọng điều chỉnh giảm trong năm 2022 sẽ là cơ sở để các ngân hàng thương mại tăng tỷ lệ tín dụng cho những lĩnh vực này.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Dự báo về năm 2022, lãnh đạo các ngân hàng đều cho rằng, dịch Covid-19 diễn biến khó lường với sự xuất hiện của biến chủng Omicron khiến triển vọng kinh tế và lạm phát toàn cầu năm 2022 khó dự đoán, đặt ra những khó khăn, thách thức mà ngành Ngân hàng phải đối mặt. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục xây dựng những chương trình tín dụng ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực ưu tiên nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung.
Theo lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), năm 2022, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đúng định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Đó là cân đối nguồn lực hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, cung ứng vốn cho nền kinh tế và đặc biệt là tiếp tục các chính sách ưu đãi dành cho lĩnh vực ưu tiên…
Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cũng khẳng định, Agribank kiên định mục tiêu tiếp tục cùng Chính phủ, ngành Ngân hàng và nhân dân cả nước kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, Agribank tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò là ngân hàng thương mại chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế. Đối với hoạt động tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát quy mô tăng trưởng tín dụng hợp lý, tiếp tục tập trung vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, hướng dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng tạo điều kiện để khai thác tối đa mọi nguồn lực trong nền kinh tế thông qua các tổ chức tín dụng, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, những chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ. "Mục tiêu năm 2022 tăng trưởng tín dụng là 14%. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ trương hướng dòng tiền tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, giúp doanh nghiệp, người dân nhanh chóng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế", ông Đào Minh Tú cho hay.
Gửi phản hồi
In bài viết