Ngành Điện nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng của tỉnh

- Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành Điện đã có sự đóng góp quan trọng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh. Báo Tuyên Quang giới thiệu loạt 2 bài viết đánh giá về những kết quả của ngành Điện.

>> Bài cuối: Tiên phong chuyển đổi số

Bài 1: Đầu tư hạ tầng lưới điện đáp ứng yêu cầu phát triển

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đặt ra mục tiêu 98% tỷ lệ người dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Bằng sự nỗ lực của cả tỉnh, đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã đạt tỷ lệ 99,94% người dân được sử dụng lưới điện quốc gia. Nguồn điện đã đến các thôn bản khó khăn nhất của tỉnh làm thay đổi cơ bản đời sống của người dân đồng bào dân tộc thiểu số.

Đầu tư bài bản

Theo tổng hợp của Sở Công Thương, giai đoạn 2013-2020, triển khai Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh đã đầu tư hơn 950 tỷ đồng hoàn thành xây dựng 30 hạng mục công trình đường dây và trạm biến áp cấp điện cho 4.820 hộ dân thuộc 80 thôn, bản, 27 xã, 6 huyện trên địa bàn tỉnh; quy mô xây dựng: 182,962 km đường dây trung thế, 67 trạm biến áp, 219,768 km đường dây hạ thế. 

Từ năm 2021 đến nay, Sở tiếp tục hoàn thành xây dựng và cấp điện cho 19 thôn với tổng số hơn 1.400 hộ dân, tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lên đến 99,7%. Năm 2023, Sở Công Thương triển khai đầu tư xây dựng công trình đường dây và trạm biến áp cấp điện cho thôn Khuôn Thẳm, xã Tân Mỹ và thôn Khuôn Làn, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa. Hiện đang thi công công trình đường dây và trạm biến áp cấp điện cho thôn Vàng On, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, phấn đấu đóng điện trước Tết Nguyên đán 2025, giải ngân 40%.

Cán bộ, công nhân ngành Điện, đóng điện tại trạm biến áp thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi (Yên Sơn).

Đến nay, toàn tỉnh đã có 138/138 xã, phường, thị trấn có điện, đạt tỉ lệ 100%. Số hộ dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được sử dụng điện lưới quốc gia là 258.624/258.840 hộ dân đạt tỷ lệ 99,92%. Trong đó khu vực thành thị có 60.063/60.063 hộ dân đạt tỷ lệ 100% và khu vực nông thôn có 198.561/198.777 hộ dân đạt tỷ lệ 99,89%.

Nhằm cụ thể hóa Đề án xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 của UBND tỉnh, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống điện trên địa bàn huyện nhằm giảm thất thoát điện năng do nhiều hộ dân phải sử dụng chung trạm biến áp và đường dây truyền tải điện đi xa. Từ tháng 12-2023 đến tháng 4-2024 trên địa bàn huyện Sơn Dương, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã triển khai đầu tư xây dựng các công trình điện, chống quá tải, giảm bán kính cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện áp khu vực các xã Phú Lương, Tam Đa, Phúc Ứng, Minh Thanh, Kháng Nhật, Hợp Hòa, Trường Sinh và xã Đại Phú huyện Sơn Dương với tổng mức đầu tư trên 52 tỷ đồng, trong đó xây dựng mới trên 16 km đường dây 35 kV cấp điện cho 30 trạm biến áp xây dựng mới và nâng cấp cải tạo trên 40 km đường dây 0,4 kV. Cùng với đó, phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc triển khai xây dựng trạm biến áp 110 kV Sơn Nam. Để đồng bộ và khai thác hiệu quả khi đưa trạm biến áp 110 kV Sơn Nam vào vận hành, Công ty Điện lực Tuyên Quang đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, xây dựng các tuyến 35 kV lộ 371, 373, 375 sau trạm biến áp 110 kV Sơn Nam có chiều dài 4,58 km. Dự án có tổng mức đầu tư xây dựng là 21,6 tỷ đồng.

Đến nay, 100% các hộ dân nằm trong phạm vi xây dựng công trình tự nguyện bàn giao mặt bằng và không nhận bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện.

Góp phần phát triển  kinh tế - xã hội

Có thể thấy, với quyết tâm đưa điện về những vùng khó phục vụ sự phát triển chung của tỉnh, ngành Điện đã phối hợp với các ngành vận dụng linh hoạt các nguồn lực để triển khai hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Từ đó, tạo thêm động lực cho các địa phương bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nhờ có điện, kinh tế, đời sống người dân những vùng đất này đang ngày càng khởi sắc.

Chỉ tính riêng huyện Hàm Yên, năm 2021 toàn huyện có 277/284 thôn có điện lưới Quốc gia, đến nay 100% số thôn trên địa bàn huyện Hàm Yên được sử dụng điện lưới Quốc gia. Năm 2021 chỉ có 96,5% số hộ có điện lưới Quốc gia, đến nay đạt đến 99,83%.
Đầu năm 2022, khi biết tin Điện lực Hàm Yên chính thức đóng điện, đưa lưới điện quốc gia về thôn Yên Lập 2, xã Yên Phú (Hàm Yên)  200 hộ đồng bào Dao mừng không tả siết. Anh Đặng Văn Quý phấn khởi kể, bản Dao Áo dài này mong điện lâu lắm rồi, mới 2 năm có điện lưới quốc gia cuộc sống người dân đã thay đổi hẳn. Giờ người dân có ti vi, có máy giặt, có cả máy lạnh, máy xát lúa, máy tách ngô… những thứ mà ngày trước chỉ biết ước.

Đồng chí Bàn Văn Sỹ, Bí thư Chi bộ thôn Yên Lập 2, xã Yên Phú không giấu được niềm vui, chia sẻ, từ khi có điện, người dân có điều kiện được tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện truyền thông nghe nhìn, hỗ trợ nhiều cho địa phương trong công tác tuyên truyền, nhất là trong thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư sản xuất, phát triển nông thôn mới. Có điện cũng giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Nếu như trước đây việc chế biến nông sản hoàn toàn thủ công thì nay bà con đã biết ứng dụng máy móc, nhiều hộ gia đình còn mở hàng ăn sáng, hàn xì máy móc nông nghiệp.

Đầu năm 2023 điện lưới quốc gia được kéo về thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) đã thắp lên niềm vui lẫn sự kỳ vọng về một cuộc sống mới của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Chị Lý Thị Mỵ, thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi và hàng chục gia đình trong thôn đã sắm sửa mua quạt, ti vi về dùng, có điện thắp sáng, đời sống sinh hoạt của người Mông được nâng lên nhiều. Nhờ có điện, anh Hầu Xuân Nhì đã mua máy làm đá sạch, với công suất trên 3 tấn đá/1 ngày để phục vụ bà con trong xã và các xã lân cận. Vào những ngày nắng nóng gia đình anh tiêu thụ được khoảng 1 tấn đá sạch, thu về gần 2 triệu đồng. Dự định trong thời gian tới anh sẽ đầu tư máy làm đá sạch công suất lớn hơn nữa để phục vụ cho bà con trong khu vực.  

Đồng chí Triệu Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi cho biết, được sự quan tâm của Nhà nước, 2 thôn cuối cùng của xã là Khuổi Ma và Tấu Lìn đã có điện lưới quốc gia. Cùng với đó, cây cầu bắc qua sông Phó Đáy tại thôn Bum Kẹn được đầu tư kinh phí xây dựng gần 15 tỷ đồng; cầu có chiều dài 72 m, chiều rộng mặt cầu 6,5 m. Từ khi công trình hoàn thành đã giúp cho gần 190 hộ dân với 900 nhân khẩu là đồng bào Mông, Dao… ở hai thôn Bum Kẹn, Khuổi Ma đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn.

Có thể thấy, việc đầu tư hạ tầng lưới điện nông thôn đã xóa bớt khoảng cách văn hóa, không gian sống giữa các vùng miền, góp phần kéo gần lại khoảng cách giữa miền núi vùng cao với các khu vực miền xuôi.           

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục