Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10: Hướng tới toàn diện

- Với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, ngày Chuyển đổi số năm 2024 đang triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Bám sát mục tiêu chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là một trong những chỉ tiêu quan trọng, góp phần chuyển dịch mô hình phát triển kinh tế, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó đặc biệt đẩy mạnh thu hút đầu tư, chú trọng thu hút phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. 

Người dân dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin, hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính, cách thanh toán online... tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh Tuyên Quang.

Tạo thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phát triển các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn lớn như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn FPT; tăng cường ứng dụng công nghệ số, trọng tâm là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big data) phục vụ phân tích, dự báo, hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo, các cấp, các ngành điều hành kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Tháng 5-2024, Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Tuyên Quang (IOC) đã đi vào hoạt động. Trung tâm có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của cơ quan, đơn vị và xử lý, phân tích cho kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và cơ quan, đơn vị. Trung tâm giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi hoạt động kinh tế - xã hội theo thời gian thực. Từ đó, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm thời gian, công sức trong giám sát, điều hành công việc. Ngoài ra, kết nối thông tin, cập nhật dữ liệu phục vụ công tác xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội trung và dài hạn một cách bền vững. 

Hiện Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện kết nối tích hợp với các hệ thống như: Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang (Tuyên Quang ID, Phản ánh hiện trường); hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục; hệ thống Giám sát và Phân tích thông tin trên môi trường mạng Reputa (báo điện tử, diễn đàn, blog, mạng xã hội: Facebook, Instagram, các kênh video Youtube…).

Bên cạnh đó, tỉnh duy trì 1.294 vị trí lắp đặt trạm thu phát sóng BTS đang hoạt động, đảm bảo gần 100% các thôn, bản, tổ nhân dân được phủ sóng điện thoại di động, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; 95% số thôn, bản, tổ dân phố có hạ tầng Internet cáp quang; tỷ lệ phủ sóng thông tin di động đạt gần 96,4%; 97% số lượng hộ gia đình có người có điện thoại thông minh...

Hộ kinh doanh tại thôn Tân Biên 2, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) được cán bộ Chi cục Thuế Khu vực Thành phố - Yên Sơn hướng dẫn sử dụng ứng dụng nộp thuế điện tử tiện lợi, nhanh chóng.

Chuyển đổi số toàn diện, mạnh mẽ

Phát triển nền kinh tế số, tỉnh ta đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử Postmart (nay là buudien.vn), Voso; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Nhờ đó, toàn tỉnh có 977 doanh nghiệp đăng ký tham gia Sàn Thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang với 2.493 sản phẩm về nông, lâm, thủy sản, dịch vụ du lịch, lữ hành...; 229 sản phẩm của 237 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được giới thiệu trên Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”...

Ghi nhận trên địa bàn tỉnh, đa số siêu thị, cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện ích đã áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, buôn bán... Như Công ty TNHH Tùng Phúc, tổ 4, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) chuyên kinh doanh, cung cấp thiết bị máy in, máy tính, văn phòng, thiết bị an ninh, phòng họp trực tuyến cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc công ty chia sẻ, kinh doanh lĩnh vực về chuyển đổi số, nên ngay từ ngày đầu mới thành lập, công ty đã ứng dụng các phần mềm quản lý vào hoạt động kinh doanh, bán hàng, quản lý nhân công, chăm sóc khách hàng sau bán hàng để giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động của công ty. Ngoài ra, công ty còn thành lập trang Fanpage bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử, nhờ vậy mà doanh thu của công ty tăng hơn từ 45 đến 50% so với cách thức bán hàng truyền thống...

Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các dịch vụ ngân hàng số, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện lợi, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9 ngân hàng với 70 địa điểm giao dịch; hệ thống máy giao dịch và thiết bị chấp nhận thanh toán gồm có: 1 ngân hàng số, 94 máy giao dịch tự động ATM/CDM, gần 600 máy POS/mPOS, trên 64.500 QR Pay, QR code, Viet QR đang hoạt động; trên 800 đơn vị hưởng lương ngân sách thực hiện trả lương qua tài khoản; 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số; 100% các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện chi trả lương hưu qua ngân hàng cho các đối tượng thụ hưởng; tiếp tục duy trì mô hình chợ 4.0 tại 9 chợ trên địa bàn tỉnh...

Bài, ảnh: Dương Châu

Tin cùng chuyên mục