Biểu diễn múa dân gian tại Diễn đàn Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Mô hình câu lạc bộ thêu dệt truyền thống của dòng họ Vì, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) được thành lập từ năm 2015 với 35 hội viên, là những phụ nữ trong cùng một dòng họ. Nghề thêu dệt truyền thống gắn liền với cuộc sống hằng ngày của dân tộc H'Mông, được truyền lại qua các thế hệ.
Nguồn lực từ cộng đồng
Trước đây, các sản phẩm thổ cẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu bản thân và gia đình hoặc làm của hồi môn cho con gái. Ngày nay, các hội viên đã phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch cộng đồng, sáng tạo nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch.
Ứng dụng kỹ thuật thêu tay thủ công với nhiều họa tiết độc đáo của người H'Mông trên các sản phẩm lưu niệm như váy, áo, khăn quàng, túi đeo điện thoại, vòng cổ, vòng tay... mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chị Vì Thị Ái, giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Tủa Chùa, hội viên câu lạc bộ cho biết: "Để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm độc đáo, chúng tôi phải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay như trồng lanh, se sợi, in sáp ong, nhuộm chàm và thêu thùa".
Để duy trì câu lạc bộ được đến nay, các thành viên phải xây dựng kế hoạch, dự án rõ ràng, ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, đặc trưng riêng và được sử dụng rộng rãi để người các dân tộc khác và khách du lịch dễ dàng đón nhận.
Từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa nét thêu truyền thống lên các đồ lưu niệm như vòng tay, vòng cổ, hoa tai, dây treo chìa khóa, dây buộc tóc, gối..., đồng thời quảng bá, chia sẻ mô hình rộng rãi trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... để nhiều cá nhân, tổ chức biết đến mô hình kinh tế của dòng họ. Mỗi hội viên không chỉ là một tuyên truyền viên trong quảng bá sản phẩm mà còn là những nhân viên kinh doanh bán hàng, nắm vững các mã sản phẩm, nguồn gốc, mầu sắc, kiểu dáng, cách sử dụng.
Không chỉ dòng họ vì biết khai thác, phát triển nguồn lực văn hóa mà bảy cộng đồng dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn đều có ít nhất một loại hình sử dụng nguồn lực văn hóa thu hút đầu tư và phát triển kinh tế cho huyện nói chung và cho gia đình, dân tộc nói riêng.
Có một mô hình tương tự là câu lạc bộ bảo tồn văn hóa H'Mông, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La do anh Giàng A Páo làm chủ nhiệm tâm huyết gìn giữ và phát huy giá trị chiếc khèn mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng người H'Mông trong cuộc sống hiện đại.
Anh Páo chia sẻ: "Từ bao đời nay, người H'Mông thể hiện nỗi lòng qua tiếng khèn. Với những giá trị độc đáo thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống, là vật linh thiêng trong các nghi lễ, lễ hội, là phương thức để người H'Mông chuyển tải, thổ lộ tâm tư, tình cảm của mình, trai gái yêu nhau qua tiếng khèn. Tiếng khèn mời gọi tổ tiên đoàn tụ với gia đình, để linh hồn người chết siêu thoát".
Năm 2010, anh Páo thành lập Câu lạc bộ nhóm khèn H'Mông với 16 nghệ nhân và các thày khèn. Các nghệ nhân có nhiệm vụ sưu tầm những bài khèn, điệu múa khèn và nghệ thuật chế tác khèn H'Mông.
Từ năm 2016, câu lạc bộ tổ chức truyền dạy múa khèn, nhảy khèn, thổi khèn cho thế hệ trẻ, thu hút đông đảo học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Trong dịp lễ hội, đón Xuân hay các chương trình văn hóa cộng đồng không thể thiếu tiếng khèn của thành viên câu lạc bộ.
Đặc biệt, chiếc khèn H'Mông phát huy hiệu quả trong phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương, múa khèn được trình diễn trong những dịp sinh hoạt cộng đồng, văn hóa tại địa phương.
Tiếng khèn là động lực và tạo sự liên kết các thế hệ cùng nhau bảo tồn, gìn giữ, phát triển giá trị nghệ thuật khèn của người H'Mông.
Hai mô hình nêu trên cho thấy các chủ thể văn hóa ý thức rất rõ và tự hào, tự tin về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Chị Vì Thị Ái và anh Giàng A Páo là đại diện cho cộng đồng họ sinh sống, có thái độ tôn trọng, am hiểu và có kinh nghiệm thực hành di sản văn hóa dân tộc mình.
Họ tham gia tích cực vào bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, năng động chuyển đổi, sáng tạo nên những giá trị mới, góp phần phát triển kinh tế và kết nối các quan hệ xã hội giữa cá nhân và cộng đồng.
Vai trò chủ thể văn hóa
Có thể thấy, nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam vô cùng tiềm năng, biểu hiện qua hệ thống di sản văn hóa các tộc người, qua lễ hội dân gian, tri thức bản địa, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, trang phục...
Đây là chất liệu, nguồn cảm hứng để phát triển du lịch, âm nhạc, thời trang, điện ảnh gắn với bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc.
Văn hóa các dân tộc mang tính kế thừa và sáng tạo liên tục, luôn đan xen giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại.
Việc nhận diện nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số vô cùng quan trọng trong bối cảnh Việt Nam có nền văn hóa đa dân tộc cùng sự biểu đạt văn hóa đa dạng.
Mỗi dạng biểu đạt văn hóa của mỗi dân tộc tạo ra nguồn lực văn hóa khác nhau và bản sắc văn hóa mỗi dân tộc là nguồn lực văn hóa dồi dào, cần phát huy và khai thác tối đa để phát triển kinh tế, xã hội, du lịch.
Tại diễn đàn "Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", PGS, TS Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định: "Nguồn lực văn hóa định hướng cho sự phát triển của mỗi tộc người, các tộc người hiểu họ cần phát triển từ đâu và họ biết cách huy động các nguồn lực văn hóa của họ phục vụ quá trình phát triển theo cách mà họ muốn. Nhiều tộc người hiện nay đã định hướng cho mình là phát triển từ văn hóa và phát triển vì văn hóa, đó là sự phát triển có sự tham gia tích cực và tối đa của các nguồn lực văn hóa tộc người".
Tuy nhiều tiềm năng, dư địa rộng lớn, nhưng bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ mai một và biến đổi văn hóa. PGS, TS Trần Bình (Trường đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng: "Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ, bảo vệ các dân tộc thiểu số. Cần đầu tư nghiên cứu một cách có hệ thống để bảo tồn và phát triển văn hóa của các dân tộc thiểu số cũng như tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa các dân tộc thiểu số, xúc tiến nhanh việc phổ biến các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số. Khuyến khích thế hệ trẻ các dân tộc thiểu số học tập, sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ và chữ viết của dân tộc mình, để họ khai thác vận dụng kho tàng tri thức cổ truyền của tổ tiên họ để lại...".
Câu chuyện biến di sản thành tài sản cần một lộ trình dài hơi, cũng như khơi thông nguồn lực văn hóa rất cần những giải pháp vừa mang tính tổng thể quốc gia, vừa mang sáng kiến địa phương khác nhau. Bản sắc văn hóa dân tộc là từ khóa quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế, xã hội.
Vì vậy, cần thực hiện tốt công tác bảo tồn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng và đề cao vai trò của cộng đồng các chủ thể văn hóa trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như tôn trọng sự đa dạng trong biểu đạt văn hóa.
Bên cạnh đó, sự chung tay của các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, cộng đồng người dân, doanh nghiệp, nhà hoạt động xã hội cùng kết nối, tham gia với vai trò thúc đẩy nhận thức của chủ thể văn hóa, khuyến khích sự năng động, sáng tạo của họ để khai thác, sử dụng các nguồn lực di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội hiệu quả và bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết