Những “khách hàng” đặc biệt
Chúng tôi có mặt tại một “Spa” dành cho thú cưng Lê Hoàng Pet, đường Phạm Văn Đồng, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) trong một chiều hè oi bức cuối tháng 6, trong căn phòng điều hòa sạch mát, nhân viên đang tất bật các khâu làm đẹp cho những “khách hàng” đặc biệt là những con chó, mèo cảnh. Tất cả các thao tác cắt móng, tỉa lông, gỡ rối đều sử dụng các thiết bị chuyên dụng một cách nhẹ nhàng, tỉ mẩn trong từng thao tác. Có lẽ vì vậy nên thái độ của những “khách hàng 4 chân” có vẻ rất hài lòng, tuyệt nhiên trong phòng không có tiếng kêu, sủa inh ỏi như chúng tôi hình dung trước đó.
Với sự tiến bộ của khoa học và nhu cầu của khách hàng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho thú cưng ngày càng được nâng cấp.
Anh Lê Duy Hoàng, chủ cửa hàng Lê Hoàng Pet “bén duyên” với nghề chăm sóc thú cưng cũng xuất phát từ tình yêu thương chó, mèo ngay thuở nhỏ. Anh Hoàng chia sẻ, trước đây anh theo học trường Trung cấp Y Tuyên Quang và đã có 2 năm làm cán bộ y tế tại Trạm Y tế xã Đại Phú (Sơn Dương). Nhưng vì niềm yêu thích, đam mê với chó, mèo cảnh nên năm 2018, anh đã quyết định mở trang trại nuôi chó cảnh và cửa hàng chăm sóc thú cưng. Từ một cửa tiệm nhỏ chỉ cung cấp chó cảnh nuôi, nay anh Hoàng còn cung cấp các dịch vụ khách sạn, spa làm đẹp cho thú cưng với các dịch vụ như: tắm, vệ sinh, cắt tỉa lông, cắt móng, cạo lông, chải lông...
Tùy vào dịch vụ và cân nặng, kích cỡ của thú cưng mà giá dịch vụ sẽ dao động từ 80 đến 350 nghìn đồng/lần chăm sóc. Thông thường, những con chó, mèo được tắm sau khoảng 4-6 ngày và được cắt tỉa sau 2 đến 4 tháng, tùy nhu cầu. Ngoài ra, nhiều khách hàng có thể yêu cầu thêm một số dịch vụ khác như nhuộm lông, dũa móng... nếu muốn.
Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, các phòng khám, bệnh viện thú y trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng được chuẩn hóa với nhiều trang thiết bị hiện đại, có thể chăm sóc y tế cho thú cưng kịp thời mà không phải di chuyển quá xa, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nuôi.
Bệnh viện Pethealth Tuyên Quang là bệnh viện thú y đầu tiên và cũng đang là duy nhất trên địa bàn tỉnh. Bệnh viện đã được đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại như: máy siêu âm, máy xét nghiệm máu, dụng cụ phẫu thuật xương... Bệnh viện cung cấp đa dạng dịch vụ, từ tư vấn, tiêm phòng, siêu âm, phẫu thuật cho đến dịch vụ spa, lưu gửi thú cưng, thức ăn và phụ kiện...
Vừa mới bỏ khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn sạch sẽ để trò chuyện với phóng viên, bác sĩ thú y Đinh Ngọc Như đã lại vội đeo khẩu trang, găng tay vào đón ca bệnh tiếp theo là một chú chó Phốc sóc. Bác sĩ Như chia sẻ, những bệnh lý phổ biến ở chó, mèo thường liên quan đến hô hấp, tiêu hóa. Ngoài ra, các trường hợp bị thương như mổ đẻ, gãy xương... do tai nạn hoặc cắn nhau cũng rất nhiều.
Chó cưng được chăm sóc tại Bệnh viện Pethealth Tuyên Quang.
Tự hào nghề chăm sóc thú cưng
Những khách hàng tìm đến dịch vụ spa, theo dõi sức khỏe cho thú cưng thường là những người xem thú cưng như một thành viên trong gia đình, nhiều người sẵn sàng “mở ví” để vật nuôi của mình được chăm sóc một cách tốt nhất. Chị Hà Thị Tuyết, phường An Tường (TP Tuyên Quang) cho biết, hiện chị đang nuôi một con chó Phốc sóc có bộ lông dài. Để giữ cho bộ lông của chó cưng luôn đẹp và mượt mà, cứ khoảng 2 - 3 tháng, chị đưa chó đi spa để tắm và cắt tỉa lông một lần. Khi tự tắm ở nhà thì cũng sạch, nhưng không thể sạch, đẹp như khi đi spa được.
Sở hữu 4 con chó các giống Poodle, Phốc sóc, chị Lê Thu Thủy, tổ 10, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết, nghề chăm sóc thú cưng rất đặc biệt và cần thiết. Nếu không có các cửa hàng chăm sóc thú cưng, phòng khám, bệnh viện thú y, chị cũng không biết xoay sở ra sao để chăm sóc những con chó khi chúng bị bệnh và trông giữ chúng khi đi công tác, du lịch dài ngày.
Chị Quan Thị Thịnh, chủ cơ sở Đô Đô Pet, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) là người trực tiếp chăm sóc, cắt tỉa lông, làm móng cho thú cưng bảo, cũng như cắt, tạo mẫu tóc thời trang, đòi hỏi người thợ phải khéo léo, chuyên nghiệp thì “tác phẩm” mới đẹp và khách hàng ưng ý. Cắt tỉa lông, làm móng cho chó, mèo còn khó hơn. Bởi vì, người thợ không chỉ khéo tay mà còn phải biết nịnh, vuốt ve làm sao cho chúng chịu đứng im thì mình mới thao tác được. Công việc này không chỉ mang lại niềm vui cho chị khi được làm việc theo đúng đam mê của mình, tự tay chăm sóc cho các con vật mình yêu thích, mà còn mang lại doanh thu hơn 40 triệu đồng/tháng; tạo công việc ổn định cho 2 lao động địa phương với thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng.
Bác sĩ thú y Lương Hữu Chung, Giám đốc Bệnh viện Pethealth Tuyên Quang tự hào chia sẻ, “bệnh nhân” của chị chủ yếu là chó, mèo, đôi khi là rắn, rùa, tắc kè... Chúng đều là thú cưng của khách hàng nên ai cũng lo lắng mỗi khi đưa chúng đến bệnh viện. Chữa bệnh cho thú cưng, về nguyên tắc không mấy khác biệt với chữa bệnh cho người, đòi hỏi ở bác sĩ sự tận tâm, liên tục trau dồi kiến thức, kỹ năng, vừa làm vừa học hỏi để nâng cao tay nghề. Mỗi khi chữa trị thành công cho những ca bệnh tưởng chừng như không thể hồi phục được, chị cảm thấy niềm vui vỡ òa, thậm chí còn sung sướng hơn cả người chủ. Cho dù có bị chó, mèo cắn và cào biết bao nhiêu lần, cho dù mỗi năm đều phải tiêm phòng phơi nhiễm, chị vẫn hạnh phúc khi được gắn bó với nghề và không ngừng nâng cao trình độ, nỗ lực cứu chữa thú cưng để chúng tiếp tục sống, khỏe mạnh, xinh đẹp.
Nghề chăm sóc thú cưng vẫn còn là một nghề mới lạ, nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, tình yêu thương với động vật mới là điều tiên quyết mang lại uy tín, thành công cho những ai theo nghề, gắn bó với nghề.
Gửi phản hồi
In bài viết