Nghề làm long nhãn ở Vinh Quang

- Nhãn là sản phẩm đặc trưng của xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) được nhiều người ưa chuộng. Không chỉ bán quả tươi, nhãn Vinh Quang còn được người dân chế biến thành long nhãn để nâng cao giá trị sản phẩm. Từ nhiều năm nay, chế biến long nhãn đã trở thành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sản phẩm long nhãn đã được UBND xã Vinh Quang đưa vào lộ trình xây dựng thương hiệu theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2022 - 2023. 

Nhãn sau khi xoáy xong được cho vào lò sấy khô.

Cứ vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7 Âm lịch là người dân xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) bước vào vụ thu hoạch, chế biến long nhãn. Nghề làm long nhãn có mặt tại Vinh Quang từ những năm 1980 khi người dân ở từ Hưng Yên theo tiếng gọi của Nhà nước lên xây dựng vùng kinh tế mới mang theo giống nhãn lồng đặc sản lên trồng trại quê hương thứ 2. Cây hợp đất, cho chất lượng quả thơm, ngon, ban đầu người dân trồng phục vụ gia đình, sau trồng nhân rộng thành hàng hóa. Để nâng cao giá trị sản phẩm nhãn, người dân vận dụng nghề chế biến long nhãn của vùng quê cũ. Nghề làm long nhãn ở xã Vinh Quang bắt đầu từ đó, trải qua hơn 30 năm, nghề làm long nhãn không hề mai một mà còn phát triển trên toàn xã. Cứ đến mùa nhãn chín, người già và trẻ em khắp các thôn lại tranh thủ đi xoáy long nhãn kiếm thêm thu nhập.

Nhãn dùng làm long chủ yếu là nhãn lồng, nhãn đường phèn… có cùi dày, thơm, ngọt. Hiện trên địa bàn xã Vinh Quang có 51 cơ sở chế biến long nhãn như hộ anh Toàn, bình quân các cơ sở thu hút từ 20 - 30 lao động địa phương. Đồng chí Phạm Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết, để có nguyên liệu cho nghề làm long nhãn, hiện xã có 161,3 ha nhãn, hiện xã đang khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp mở rộng diện tích nhãn làm nguyên liệu cho nghề chế biến long nhãn. Mùa làm long nhãn chỉ kéo dài gần 2 tháng nên các cơ sở tập trung nhân lực xoáy long. Để đảm bảo phòng chống dịch UBND xã đề nghị các cơ sở chủ động các biện pháp chống dịch như giữ khoảng cách trong sản xuất, đeo khẩu trang, chuẩn bị dung dịch rửa tay sát khuẩn.

Với mỗi cân nhãn tươi, người xoáy long kiếm được 3.000 - 5.000 đồng. Nhờ thế, nghề này đem lại thu nhập không nhỏ cho người dân nơi đây. Ông Vũ Văn Bình, chủ cơ sở sấy long nhãn thôn Tiên Quang 1 chia sẻ, thông thường, cứ 1 tạ nhãn quả tươi sau khi sấy khô được hơn 10 kg long nhãn. Trung bình giá bán buôn từ 120.000 - 140.000 đồng/kg. Mỗi lao động xoáy nhãn thuê tại lò nhà ông Bình mỗi ngày xoáy được từ 30 - 50 kg nhãn quả, thu nhập khoảng 200.000 -  250.000 đồng. Mỗi vụ chế biến long nhãn gia đình ông Bình thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Long nhãn là một vị thuốc Đông y mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của người sử dụng, sản phẩm long nhãn được chế biến an toàn, vệ sinh và tốt cho sức khỏe, được nhiều người tin dùng. Để tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm long nhãn, xã Vinh Quang tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ để nghề chế biến long nhãn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.        

  Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục