Người tiên phong
Anh Vy Văn Lượng, thôn Khau Tinh tay ôm bó cỏ đi bên căn nhà sàn 1 gian 2 chái hoành tráng. Thấy có người đến chơi nhà, anh vứt phịch bó cỏ xuống đất, ống thấp, ống cao đon đả đón khách. Nụ cười thật tươi, anh khiêm tốn bảo, mình có làm được gì đâu mà cán bộ xã lại dẫn nhà báo vào tận đây phỏng vấn thế này.
Anh Vy Văn Lượng, thôn Khau Tinh, xã Khâu Tinh (Na Hang) chăm sóc đàn ngựa.
Chính điều đó khiến tôi càng tò mò khám phá con người mang những hoài bão lớn lao tìm hướng đi mới để mọi người làm theo. Anh kể, năm 2013, kinh tế khó khăn, nhà neo người, cuộc sống nếu chỉ trông chờ vào đồng ruộng sẽ không thể bứt lên, anh mạnh dạn trồng 5 sào chanh tứ thì, đất nơi đây phì nhiêu, cây chanh lớn nhanh nhưng đồng nghĩa cây cỏ cũng bon chen lớn nhanh không kém. Hàng tháng anh phải thuê người về làm cỏ, vừa tốn tiền nhân công lại tốn cả tiền nguyên liệu để máy làm cỏ. Một lần, ông chú anh chia sẻ, “sao mày không nuôi ngựa nó ăn cỏ cho”. Anh ngẫm nghĩ thấy việc này đúng lắm, anh chủ động mua 2 con ngựa hết gần 40 triệu đồng để làm cỏ cho chanh. Đúng như dự đoán, ngựa ăn sạch cỏ, lại không dẫm vào chanh, cuối năm đó còn đẻ được 2 con ngựa con, anh vừa bán chanh lại bán được ngựa thu về gần 100 triệu đồng.
Từng học về chăn nuôi, lại luôn thích khám phá, anh tự tìm hiểu về nuôi ngựa bạch, giá trị cao gấp đôi ngựa thường lại cũng chăm sóc như thế. Năm 2014, sẵn vốn anh đầu tư nuôi 3 con ngựa bạch, 2 con cái 1 con đực.
Tôi hỏi:
- Thế anh nuôi ngựa có gặp khó khăn gì không?
- Vẫn là câu chuyện về nguồn thức ăn thôi mà - anh Lượng trả lời.
Ngày xưa người dân Khau Tinh chỉ làm lúa 1 vụ, còn lại đất đai để không cỏ mọc nhiều và đó là nguồn thức ăn dồi dào cho ngựa, có lúc cao điểm, gia đình anh Lượng có đến 26 con, con nào cũng béo núc, đàn ngựa trắng vô cùng ấn tượng giữa cánh đồng cỏ xanh. Về sau này, khi người dân biết làm cây lúa vụ 2, thì đồng cỏ dần thu hẹp, nguồn thức ăn giảm, mặc dù anh Lượng đã trồng thêm 1ha cỏ để duy trì nguồn thức ăn nhưng vẫn không đủ nhu cầu. Anh ngậm ngùi bán dần và duy trì khoảng 8 đến 10 con ngựa bạch, mỗi năm bán ra thị trường từ 4 đến 5 ngựa con thu về gần 300 triệu đồng.
Anh kể, nuôi ngựa nhàn lắm, ngựa là guốc lẻ, ít bệnh, lở mồm long móng không bao giờ bị, có chăng chỉ bị đau bụng do cỏ dính nước mưa không để ráo hay giun sán có thể dùng thuốc thú y. Tuy thị trường rộng lớn, nhưng đàn ngựa hiện nay ngay trên địa bàn huyện Na Hang vẫn ít quá chưa nổi 100 con, anh thoáng buồn. Thực tế, nuôi ngựa bạch đầu tư chi phí cao, mỗi con ngựa hiện nay cũng có giá từ 70 đến 100 triệu đồng tùy cân nặng, độ đẹp và nguồn gen, tuy nhiên rủi ro cao thì lợi nhuận lớn. Anh Lượng bồi hồi nhớ lại, cuối năm 2021, anh đầu tư 500 triệu đồng mua 6 con ngựa về nuôi, nhưng được 1 tháng thì chết mất 2 con do anh tận dụng chuồng nuôi trâu để nhốt ngựa, với bản tính nghịch ngợm, 2 chú ngựa mắc vào cây sắt buộc trâu rồi ngã gẫy cổ, “lúc đó mình rất sốc, vừa tiếc tiền và tự trách mình quá ư tiết kiệm không đáng có...”.
Một lợi thế
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Khâu Tinh phấn khởi kể, thôn Khau Tinh giờ có trên chục nhà nuôi trâu, bò không mang lại hiệu quả nên bà con đã chuyển dần sang ngựa, chính quyền xã đang khuyến khích phát triển, tăng đàn và làm kinh tế với nghề mới, đặc biệt là nuôi ngựa bạch.
Anh Vy Văn Lượng, thôn Khau Tinh, xã Khâu Tinh (Na Hang) chăm sóc đàn ngựa.
Ông La Văn Thuy năm nay đã hơn 70 tuổi, trái với nhiều đồng niên chỉ an hưởng tuổi già thì ông lại luôn có ý chí phát triển kinh tế gia đình. Ông tâm niệm, còn sức khỏe là còn làm việc, còn làm kinh tế. Sau thời gian tham quan và được anh Lượng chia sẻ kiến thức, ông quyết tâm bén duyên sang nuôi ngựa bạch. Đầu năm 2020, ông bán một nửa đàn ngựa thường của gia đình để ông đầu tư mua 4 con ngựa bạch hết hơn 100 triệu đồng. Ông bảo, lúc đầu mua thực sự cũng lo, bởi đầu tư lớn, là con giống mới nên cũng sợ, nhưng được sự chỉ bảo của cán bộ xã, của những người đi trước ông cũng mạnh dạn làm. Khi nuôi thì thấy giống này thực sự dễ, nuôi ngựa bạch nhàn hơn nuôi trâu, dễ tính hơn nuôi bò và còn dễ ăn hơn nuôi dê.
Trái với nhiều người nuôi ngựa bạch nhốt chuồng, ông Thuy lại chọn nuôi ngựa thả rông. Ông chọn những mảng cỏ gần khe suối, khe mương cho ngựa ăn, giống ngựa ăn nước mưa thì bị đau bụng chứ ăn cỏ gần nguồn nước lại lớn nhanh như thổi. Hàng tháng ông đều đặn cho ngựa uống vitamin, nhất là chăm sóc ngựa mới sinh, thay vì cho chúng ăn sữa mẹ ông Thuy lại bổ sung thức ăn tinh bằng ngô, gạo nghiền nhỏ mỗi lần khoảng 3 lạng ăn 2 bữa mỗi ngày. Với cách làm này, ngựa con sẽ lớn nhanh, cứng xương và có thể tự thích nghi với thức ăn bằng cỏ, thân cây sau 3 tháng, và rủi ro sẽ giảm thiểu hơn rất nhiều so với để lớn tự nhiên.
Là lão làng trong nghề nuôi ngựa, ông Vy Văn Tân, thôn Khau Tinh chia sẻ: Gia đình ông nuôi ngựa từ năm 1990, lúc đầu nuôi với mục đích để thồ hàng nhưng giống ngựa càng nuôi càng cuốn. Đồng chí Hùng, Chủ tịch UBND xã giới thiệu, ngoài là lão làng thì ông Tân cũng là thầy lang duy nhất biết châm cứu cho ngựa. Ông Tân kể, nuôi ngựa dễ thì dễ thật nhưng cũng hay bị cảm, nhất là mưa nắng đột ngột nên ông được các cụ truyền lại cho cách châm cứu, đó là lấy cây đinh 7 nung nóng châm dọc sống lưng ngựa khoảng 9 cái đến khi ngựa dần tỉnh là khỏi. Gần 30 năm nuôi ngựa thì ông thấy ngựa không bị ế bao giờ, đó là một lợi thế.
Anh Vy Văn Lượng dẫn tôi đi thăm vườn ngô non và đồng cỏ Ghi nê mơn mởn. Anh bảo, mình đang trồng thử nghiệm nếu thành công sẽ bảo người dân cùng trồng để nghề nuôi ngựa phát huy lợi thế, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân nơi này.
Gửi phản hồi
In bài viết