Với tâm lý học để thoát nghèo, học để có nghề mưu sinh, chị đã vượt qua sự nghiệt ngã của nghề để trở thành gương mặt nổi bật của làng xiếc Việt. Đầu năm 2024, chị đón nhận 2 niềm vui ngọt ngào khi đồng thời được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và được Trung ương Đoàn vinh danh là 1 trong 9 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng.
Nghệ sĩ Ưu tú Lô Thị Ngọc Thúy.
1. Nghệ sĩ Ngọc Thúy luôn cho rằng, mình theo nghề xiếc là một may mắn khi sinh ra trong một gia đình không ai theo nghệ thuật và từ bé rất ít được tiếp xúc với xiếc. Có lẽ niềm yêu thích này được bắt đầu từ nhỏ, khi chị thấy mình không thích chơi búp bê như các bạn đồng trang lứa mà chỉ thích những trò chơi hình thể. Rồi cơ duyên đến khi Trường Xiếc Việt Nam về trường chị để tuyển sinh. Chỉ sau vài bước đánh giá hình thể, xem chị múa vài động tác, các thầy cô đã “chấm” Ngọc Thúy ngay lập tức.
Tất nhiên là với một cô bé mới 11 tuổi, học lớp 5 như Ngọc Thúy ngày ấy không thể lường hết được những khó khăn, vất vả sẽ đến với mình khi dấn thân vào nghệ thuật xiếc. Một thân một mình đến Thủ đô học tập, chị đã phải nếm trải sự nghiệt ngã từ nghề, từ cuộc sống mưu sinh. “Khi ấy, đều đặn vào mỗi buổi sáng tôi bước vào tập luyện, đến chiều theo học văn hóa như các bạn cùng trang lứa. Sau 2 năm được đào tạo cơ bản về nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, thể thao, tôi đã được phân vào nhóm chuyên sâu về nhào lộn. Hai năm đầu về công tác tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam, tôi không có nhiều “đất diễn”, trong khi không còn nhận được sự chu cấp của bố mẹ. Nhờ sự kiên trì, cố gắng, tôi đã có vị trí trong các tiết mục diễn, có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. Tôi may mắn được đi tu nghiệp và trình diễn tại Ấn Độ trong thời gian dài. Đó là quãng thời gian quý giá giúp tôi trang bị hành trang vững chắc để phát triển nghề...” - chị nhớ lại.
Trong sự nghiệp, nghệ sĩ Ngọc Thúy đã tham gia biểu diễn hàng trăm tiết mục tại khắp mọi miền Tổ quốc và cả ở nước ngoài. Dù được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, nhưng với một nghệ sĩ xiếc thì tai nạn là điều khó tránh. “Cách đây gần 10 năm, tôi gặp sự cố khi luyện tập tiết mục đu dây lụa đôi nam - nữ tại Đồng Nai. Khi ấy, tôi tuột tay và bị rơi tự do từ độ cao khoảng 2m. Không có trang bị bảo hộ, lưng tôi đập xuống sàn và bị chấn thương cột sống. Nỗi đau cơ thể rất lớn nhưng không đáng sợ bằng suy nghĩ có thể phải rời bỏ sân khấu vì chấn thương. Từ đó, mỗi ngày tôi gắng gượng luyện tập phục hồi và trong 8 tháng đã lấy lại 100% phong độ” - chị chia sẻ.
2. Dịp 1-6 này, NSƯT Ngọc Thúy và các nghệ sĩ ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn vở “Giấc mơ tuổi thần tiên” (NSND Tống Toàn Thắng chỉ đạo nghệ thuật, NSƯT Trương Thị Mai đạo diễn). Nữ nghệ sĩ cho biết, vở diễn được dàn dựng với nhiều nhân vật được các em yêu thích như người nhện, người dơi, siêu nhân... cùng các động tác vui nhộn, hấp dẫn. Vở diễn gồm 3 phân cảnh: “Ký ức tuổi thơ”, “Cuộc chiến cam go” và “Ánh sáng tương lai”. Câu chuyện bắt đầu từ giờ học ngoại khóa của câu lạc bộ năng khiếu, cô giáo Diệp (do nghệ sĩ Ngọc Thúy thủ vai) cùng hai bạn Tôm, Tép được vào tham quan tại Rạp xiếc Trung ương. Thông qua các trò diễn của vở “Giấc mơ tuổi thần tiên”, các em nhỏ được dẫn dắt vào một thế giới trong mơ, được trực tiếp gặp và tương tác với các nhân vật yêu thích, hòa mình cùng với các màn biểu diễn kịch tính theo từng phân đoạn...
Gần như mỗi năm Liên đoàn Xiếc Việt Nam lại dàn dựng vở diễn mới để phục vụ nhu cầu của khán giả nhí mà nghệ sĩ Ngọc Thúy luôn được thủ vai chính. Chị đã nhận lại tình cảm, sự yêu mến của các em nhỏ. Với chị, đó chính là nguồn năng lượng tích cực, tiếp thêm niềm tin, động lực để chị cố gắng hơn nữa trong nghề diễn. Theo chị, xiếc vẫn có sức hút với các em nhỏ bởi tính ly kỳ, hấp dẫn. Gần như trong mỗi lần chị biểu diễn là hội trường đông kín người, thậm chí có những buổi biểu diễn ở các vùng quê các em phải ngồi trên vai bố mẹ hay trèo lên cây để xem.
Đáp lại tình cảm, sự yêu mến của khán giả nhí, nghệ sĩ Ngọc Thúy luôn nhận thấy trách nhiệm trong từng vai diễn. “Trong dàn dựng, chúng tôi luôn có sự pha trộn những tiết mục hiện đại với truyền thống dân tộc để hướng các em đến với cội nguồn. Mỗi tiết mục xiếc phải hướng đến những điều tốt đẹp, giá trị nhân văn, đưa ra bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Cùng với việc học qua sách vở, tôi nghĩ rằng, việc học qua xiếc sẽ giúp các em nhớ lâu hơn. Trong sáng tạo, chúng tôi luôn hướng đến việc giúp các em học mà chơi, chơi mà học, có được tiếng cười sảng khoái sau những giờ học căng thẳng mà vẫn tiếp thu tốt kiến thức” - chị nhấn mạnh.
3. Liên đoàn Xiếc Việt Nam là nơi nghệ sĩ Ngọc Thúy công tác hơn 20 năm qua và đó cũng là nơi chị tìm được "một nửa" của mình. Nghệ sĩ Đỗ Minh Đức là người luôn âm thầm, lặng lẽ ở phía sau những tiết mục và thành công của vợ. Họ đã đồng hành trong các tiết mục mà nói theo cách của chị thì “không có chồng tôi là “bệ đỡ”, là bạn diễn ăn ý thì tôi không có thành công hôm nay”. “Một điều hạnh phúc nữa là cô con gái nhỏ của chúng tôi cũng rất yêu nghề của bố mẹ. Con thường kể với bạn bè cùng lớp với giọng đầy tự hào “Bố mẹ tớ là nghệ sĩ xiếc đấy!”. Con cũng đã là người đồng hành cùng bố mẹ trong các chuyến biểu diễn khắp mọi miền Tổ quốc từ khi mới 1 tuổi” - chị chia sẻ.
Hơn 20 năm đến với nghệ thuật xiếc, nghệ sĩ Ngọc Thúy khẳng định, nếu không có đủ lòng dũng cảm và sự kiên trì thì không thể theo được xiếc, bởi chỉ cần một động tác sơ sẩy, nhanh hoặc chậm hơn dù chỉ một giây là có thể bị tai nạn. Lớp của chị có gần 50 học viên nhưng đến ngày tốt nghiệp thì chỉ còn một nửa có thể theo được. Nhưng ai đã yêu xiếc thì không thể bỏ được. Xiếc có một “ma lực” ghê gớm với chị. Chính vì thế, khi không còn đủ sức khỏe để biểu diễn những màn diễn mạo hiểm, chị sẽ xin sang biểu diễn những tiết mục xiếc không đòi hỏi quá nhiều thể lực, miễn là được thỏa niềm đam mê diễn xiếc. Chị luôn tâm niệm, mỗi tiết mục phải hay và đặc sắc nhất. Xiếc không chỉ là những động tác, những chi tiết gây cười mà đằng sau nó là bản sắc văn hóa Việt.
Gửi phản hồi
In bài viết