Giai đoạn từ năm 1990 đến 2007, chị trở thành hiện tượng của làng chèo, gặt hái được nhiều giải thưởng qua những vai diễn xuất sắc.
Nghệ sĩ Ưu tú Minh Phương.
Nhờ mẹ mà thành tài
Với giọng hát đằm thắm, mộc mạc như bờ tre, ruộng lúa, Minh Phương sinh ra như thể dành cho chèo. Là con gái của NSND Thúy Mơ, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương, Minh Phương được thừa hưởng giọng hay, đằm thắm, truyền cảm từ mẹ. Từ những năm 1990, Minh Phương đã được đánh giá là một trong số ít giọng chèo trẻ hay dù không được đào tạo bài bản, chỉ nhờ vào sự khổ luyện của bản thân và sự rèn giũa của mẹ mà thành tài.
Nghệ sĩ Thúy Mơ tâm sự: “Học hết lớp 4 ở trường làng, lên lớp 5 tôi đưa Phương đi cùng mình để học, rồi để Phương sinh hoạt ở Cung Thiếu nhi thành phố Hải Dương. Ban đầu không có ý định cho con theo nghề của mẹ đâu, nhưng nhiều người khen nó có chất giọng. Thế là tôi bắt đầu rèn giũa, rồi đưa cháu vào Đoàn chèo Hải Dương”.
Nhớ lại những ngày còn trẻ, Minh Phương tâm sự: “Tôi may mắn bởi có lẽ từ khi nằm trong bụng mẹ, tôi đã được nghe hát chèo. Lớn hơn một chút, tôi thường được mẹ mang theo đến đoàn tập vở. Tôi cứ lê la trong cánh gà, say sưa ngắm các nghệ sĩ hát. Tôi cũng cảm nhận được tình cảm của người dân ngày ấy dành cho chèo. Vào mỗi dịp xuân, mùa lễ hội, hội diễn..., người dân quanh vùng rủ nhau đi xem, vây kín vòng trong vòng ngoài chiếu chèo. Tôi bắt đầu yêu chèo từ những ngày như thế. Nhưng rồi, khi bắt đầu có ý định đi theo con đường chuyên nghiệp thì bố tôi không đồng ý. Tôi hiểu lý do, vì bố tôi nhìn thấy sự vất vả của vợ nên không muốn con gái theo con đường chông gai ấy. Nhưng rồi, tôi cứ đi theo sự dẫn dụ của chiếu chèo, không gì có thể ngăn cản”.
Minh Phương chia sẻ rằng, mẹ chị là người thầy lớn nhất của chị. Mẹ luôn quan sát khi chị được các nghệ sĩ, đạo diễn trong đoàn dạy dỗ. “Mẹ chỉ ra những điểm chưa được ở tôi, nói cho tôi cách hoàn thiện động tác, lời ca. Đối với tôi, đó là món quà quý giá lắm” - Minh Phương nói.
Ngày nhỏ, ngoài học mẹ, khi được nghe giọng ca của các nghệ sĩ Như Hoa, Kim Đức..., cô bé Minh Phương lấy đó là tấm gương để phấn đấu. Sau này, nghe nghệ sĩ Hồng Ngát hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, chị mơ ước một ngày nào đó trở thành diễn viên của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Và rồi, ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Năm 2007, Minh Phương được phong danh hiệu NSƯT, và đến cuối năm đó chị chuyển ra Hà Nội, làm việc ở Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ra Hà Nội, có điều kiện tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hơn, Minh Phương có thêm cơ hội rèn nghề và tỏa sáng. Với chất giọng dày, ấm, nền nã, những làn điệu chèo qua sự thể hiện của chị trở nên nồng nàn, sang trọng. Nhắc đến Minh Phương, người ta nhớ đến một thị Phương đoan trang, nết na, thảo hiền trong vở “Trương Viên”; một Ngọc Liên đằm thắm đôn hậu trong “Nam dược thánh nhân”; một Dịu Hiền nồng nàn trong tình yêu ở vở “Hai giọt nước”...
Miệt mài truyền lửa cho thế hệ sau
Những năm gần đây, dù không tham gia sân khấu chèo với những vai diễn lớn nhưng ở cương vị Phó Trưởng đoàn Dân tộc, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, NSƯT Minh Phương vẫn từng ngày cùng đồng nghiệp mang tình yêu chèo đến với khán, thính giả. Minh Phương nói rằng, nghệ thuật chèo đang được khôi phục và dần lấy lại được chỗ đứng trong lòng khán giả. Mới đây, Minh Phương đã ra 2 allbum “Khúc hát sông quê” vol 1 và vol 2, cả hai đều được khán giả nhiệt tình đón nhận.
Theo NSƯT Minh Phương, chèo là loại hình nghệ thuật cao cấp, lại hội tụ đủ bốn yếu tố: Ca, vũ, nhạc, kịch. Chèo là phải xem, phải nghe mới mê được bởi ca từ tác động vào sâu thẳm tâm hồn người, khiến người nghe có thể khóc, lại có thể cười ngặt nghẽo.
Minh Phương muốn lưu giữ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống, nhưng cũng nhận ra rào cản ngăn trở mơ ước ấy. Một trong những nguyên nhân là lời chèo cổ gắn với các tích khá khó hiểu đối với thế hệ trẻ. Vì thế, chị đã làm một đĩa chèo mới với những hình ảnh mới để những ai chưa thực sự hiểu về chèo khi nghe, xem sẽ thấy gần gũi hơn. Sản phẩm tinh thần này mang tên “Hát từ mảnh đất quê hương”, sản xuất năm 2013, với 11 bài hát chèo như “Khúc hát chào xuân”, “Hồn quê”, “Mẹ tôi phơi lúa trên sân”...
Đó cũng là những bài mà Minh Phương từng hát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được nhiều khán giả yêu thích. Nhiều người đã gửi thư về Đài yêu cầu phát lại. Đó là động lực thôi thúc chị quyết định làm album chèo lời mới vào năm 2015. Song song với đó, Minh Phương cũng không quên dành tặng khán giả mê chèo cổ album với 10 ca khúc như “Đò đưa”, “Hát ru”, “Luyện năm cung”... Với hai sản phẩm âm nhạc này, chị và ê kíp đã mất nhiều thời gian tìm những ngôi nhà, ngôi chùa cổ hay những nơi có khung cảnh hợp với bài hát để ghi hình.
Soạn giả Mai Văn Lạng, người yêu mến giọng chèo của Minh Phương, chia sẻ: “Mặc dù còn trẻ, giành được nhiều giải thưởng, có tài năng thực sự nhưng Minh Phương sống rất giản dị, khiêm tốn. Chị chịu khó học hỏi để nâng cao trình độ văn hóa và trình độ nghiệp vụ, đặng cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật chèo”.
Hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, Minh Phương chia sẻ rằng chị thấy mừng là trong thời hiện đại vẫn còn rất nhiều nghệ sĩ tâm huyết với chèo. Nhất là ở Thủ đô Hà Nội, nhiều nghệ sĩ chèo vẫn mong muốn gìn giữ các làn điệu cổ, tích cực dạy và trao truyền niềm đam mê cho các học trò. Chị cũng mừng vì mình đã truyền được tình yêu nghệ thuật cho con trai Hà An Huy, Quán quân Vietnam Idol 2023. Trước khi tham gia Vietnam Idol 2023, Hà An Huy từng tỏa sáng và giành ngôi Quán quân tại chương trình Bài hát hay nhất phiên bản Big Song Big Deal 2022.
Gửi phản hồi
In bài viết