Chiếc thuyền buồm Belem chở ngọn đuốc Olympic cập bến cảng Vieux-Port lúc 19 giờ 30 phút ngày 8/5. (Ảnh: FranceInfo)
Xuất phát từ “quê hương” Hy Lạp, ngọn đuốc Thế vận hội đã đến Pháp, sau 12 ngày lênh đênh trên biển.
Vận động viên bơi lội người Pháp Florent Manaudou bước xuống với ngọn đuốc trên tay, rồi trao cho nhà vô địch điền kinh khuyết tật Nantenin Keita. Sau đó, ngọn lửa được chuyển tiếp cho Jul, ngôi sao nhạc rap gốc thành phố Marseille, người sẽ trực tiếp thắp sáng chiếc vạc Olympic 2024.
150.000 người cùng ngóng trông chiếc thuyền buồm lịch sử Belem cập bến Vieux-Port. (Ảnh: Le Progres)
Màn pháo hoa rực rỡ và phần trình diễn khói màu của Đội Tuần tra Pháp chào đón sự xuất hiện của chiếc thuyền buồm Belem trong bến cảng Vieux-Port. (Ảnh: BFM và REUTERS)
Vận động viên bơi lội Florent Manaudou là người đầu tiên rước ngọn đuốc từ trên thuyền Belem xuống, rồi trao cho nhà vô địch điền kinh Paralympic Nantenin Keita. (Ảnh: AP và Le Progres)
Tới dự lễ rước đón ngọn đuốc Olympic, Tổng thống Emmanuel Macron hòa chung vào sự cuồng nhiệt của công chúng hâm mộ thể thao nước Pháp và chào đón ngọn lửa Olympic truyền thống tại bến cảng Vieux-Port. Buổi lễ chứng kiến sự tham gia của đông đảo khán giả từ khắp mọi miền của nước Pháp.
“Vấn đề an ninh là một điều tối quan trọng, nhưng mọi biện pháp phòng ngừa và các bước chuẩn bị đã được lên kế hoạch từ suốt 7 năm nay”, Tổng thống Macron chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, nước Pháp và cộng đồng hâm mộ thể thao quốc tế sẽ được chứng kiến những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của tình đoàn kết trong mùa Thế vận hội năm nay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hòa chung không khí cùng người dân và du khách. (Ảnh: Liberation)
Lễ rước đuốc tại thành phố biển miền Nam nước Pháp diễn ra trước thời điểm khai mạc hai tháng rưỡi, khởi đầu cho cuộc hành trình dài 12.000km của ngọn lửa Thế vận hội đi qua 64 thành phố của Pháp. Hơn 10.000 người được tuyển lựa tham gia rước đuốc với mỗi quãng đường chạy dài 200m.
Chị Samira, người dân địa phương tới để thưởng thức lễ đón rước ngọn đuốc cập bến thành phố Marseille, chia sẻ với đài FranceInfo: “Chúng tôi không có quá nhiều điều kiện để có thể mua được mình tấm vé đi xem Olympic, do đó ngọn đuốc chính là tất cả đối với chúng tôi trong kỳ Thế vận hội lần này”.
Olympic và Paralympic trở lại Pháp sau 100 năm kể từ lần đầu tiên nước này đăng cai tổ chức Thế vận hội. Do đó, nhiều cửa hàng đã cho phép nhân viên nghỉ làm sớm để đi chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này.
Thậm chí, tại bệnh viện Nord, bệnh nhân điều trị nội trú đã yêu cầu các y bác sĩ, điều dưỡng bật tivi để họ có thể dõi theo ngọn đuốc từ phòng bệnh. Ông Charlotte Arbelot, bác sĩ gây mê hồi sức, hài hước chia sẻ với đài FranceInfo: “Đây là một chủ đề nói chuyện giữa các bệnh nhân khác hẳn với ngày thường. Bất chấp tình trạng sức khỏe đang phải điều trị nội trú, bệnh nhân của tôi thật sự mong mỏi được nhìn thấy bóng dáng con thuyền Belem được phát sóng trên tivi”.
Ngôi sao nhạc rap Jul là người trực tiếp thắp sáng chiếc vạc Olympic từ ngọn đuốc truyền thống. (Ảnh: BFM)
Để có thể nhìn cận cảnh con thuyền Belem nổi tiếng, nhiều khách du lịch sẵn sàng “chịu chơi”. Một số dịch vụ lưu trú đã kín chỗ đặt trong vòng sáu tháng. 35 phòng với tầm nhìn thẳng ra bến cảng Vieux-Port của khách sạn Beauvau hoàn toàn được lấp đầy. Nhiều khách trong số đó là người dân địa phương.
Chia sẻ với đài FranceInfo, ông bà Alain và Nelly Fonfride đến từ ngoại ô thủ đô Paris cho biết: "Ngay khi hay tin ngọn đuốc Thế vận hội sẽ cập bến thành phố Marseille ngày 8/5, chúng tôi đã vội vàng đặt khách sạn qua ứng dụng trực tuyến, giá cả ngày thường chỉ khoảng hơn 600 EUR cho hai đêm, nhưng tại thời điểm gần sự kiện lịch sử này, giá phòng đã tăng gấp ba lần”. Bù lại, khách lưu trú sẽ được khách sạn trang bị cho những cặp ống nhòm để không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào.
Gửi phản hồi
In bài viết