Tín vật của mẹ
Theo tục lệ trước khi mất người Dao đỏ ở Noong Cuồng thường mang theo trang phục, đồ dùng cá nhân của mình về thế giới bên kia. Đàn ông thường trao lại cho con trai sách cổ, dụng cụ nghề gia truyền còn đàn bà thường để lại cho con gái một bộ trang phục hay một mảnh vải, chiếc khăn có thêu trọn vẹn bộ hoa văn truyền thống. Những tín vật đó như sợi dây kết nối nguồn cội để con cháu lưu truyền đời sau.
Bà Phùng Thị Tâm cầm chiếc khăn bằng vải chàm nói rằng: “Mỗi gia đình người Dao có những cách nhắc nhớ, trao truyền để con cháu kết nối nguồn cội. Và trước khi mất mẹ bà đã trao lại chiếc khăn đội đầu với lời nhắn nhủ, đây là những họa tiết hoa văn cổ truyền nhớ phải lưu truyền lại cho con cháu mình sau này”.
Chiếc khăn hơn 100 tuổi với họa tiết cổ truyền của bà Phùng Thị Tâm.
Chiếc khăn này có tuổi đời hơn trăm tuổi, là tác phẩm đầu tay của mẹ bà, hội tụ tất cả những hoa văn truyền thống mà người đời trước sáng tạo nên. Cầm tấm thổ cẩm trên tay, bà Tâm thấm thía hơn ai hết câu chuyện từ những hình họa tiết. Hình vẽ ấy không chỉ là một sản phẩm, đó còn là những họa tiết linh thiêng tổ tiên nhận diện con cháu để chở che bảo vệ. Hay đó cũng là câu chuyện thăng trầm trong cuộc đời những người đàn bà, đàn ông nơi miền sơn cước. Và đó cũng là ước nguyện khát vọng sống hòa mình thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên của cô gái, chàng trai bản làng nơi đây.
Trong vòng đời của mình mỗi người phụ nữ sẽ tự tay làm ra tín vật đặc biệt để gửi lại con cháu. Bà ngoại để lại cho mẹ bà chiếc váy áo, mẹ bà để lại chiếc khăn đội đầu và bà cũng vậy cũng đã chuẩn bị tín vật đặc biệt để trao lại cho con gái mình. Bao đời, những người phụ nữ nơi đây coi thêu thùa, may vá là công việc không thể thiếu hàng ngày. Và cứ thế mạch nguồn văn hóa như sợi dây vô hình buộc chặt người đời trước, đời sau đến gần nhau bằng cách như thế!
Cách trải lòng người đàn bà Dao
“Đây là ký hiệu phụ nữ đơn thân nuôi con một mình, đây là ký hiệu gia đình hạnh phúc, đây là ký hiệu hai con nhỏ bên người mẹ”, bà Phùng Thị Tâm chỉ từng họa tiết trên những sản phẩm thổ cẩm của mình giải thích. Thổ cẩm khi gắn liền với những câu chuyện đã trở nên mới mẻ hơn nhiều. Với bà những đường nét thêu thùa ấy không chỉ kể câu chuyện nguồn cội mà với bà như trang nhật ký ghi lại cuộc đời mình để bà nương tựa, mạnh mẽ sống hơn.
Lý Tài Hân năm nay 23 tuổi là con trai út bà Phùng Thị Tâm. Hân bảo, em sinh ra được 14 ngày thì bố mất, mẹ ở vậy nuôi 5 anh em ăn học thành người. Hiện nay Hân có một người anh trai làm ở Bộ Giao thông Vận tải dưới Hà Nội, còn các chị lấy chồng gần nhà, cũng là tay thêu thùa giỏi nhất nhì của bản. Còn Hân thì hiểu rằng, tổ tiên đã trao cho mình một sứ mệnh đặc biệt, đó là làm thầy cúng. Hân biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao, nay đã thực hiện được một số nghi lễ đơn giản như: cúng nhà mới, cúng đầy tháng, cúng mát nhà… Mẹ chính là người truyền cảm hứng cho anh chị em Hân trưởng thành, khôn lớn.
Bà Phùng Thị Tâm dạy các cháu bản Dao thêu thùa.
Họa tiết cổ truyền người Dao có một số hình thù như chiếc ấn cổ, cây đèn lễ, dấu chân con hổ, cây thông, hoa, lá rừng… Khi thành thạo họa tiết đó thì mỗi người sẽ có sự sáng tạo riêng để thêu thùa lên trang phục, tạo dấu ấn riêng của mình. Bà Tâm thích thú nhất là được tự tay sáng tạo, thêu thùa ra những hoa văn bằng trí tưởng tượng, bằng tiếng lòng của mình để giãi bày, sẻ chia.
Chính vì thế trang phục bà Tâm làm ra khá đặc biệt bởi nét riêng của mình. Bà kể câu chuyện cuộc đời mình, nói lên khát vọng của đàn con thơ, gửi gắm mong mỏi bà con bản làng về mưa thuận, gió hòa… Bà say sưa, mải miết với thêu thùa có lúc làm đến 3, 4 giờ sáng, giật mình mới biết đã qua ngày hôm sau. Bà trải lòng: “Dường như càng làm tôi càng tìm thấy sức mạnh, ý chí để chăm sóc các con. Tôi biết ơn công việc này lắm!”.
Câu chuyện thổ cẩm vươn xa
Bà Phùng Thị Tâm nổi tiếng với đôi bàn tay thêu thùa may vá giỏi nhất nhì bản. Bà hiện là Phó trưởng Nhóm cùng sở thích thêu thùa dân tộc Dao với 30 thành viên. Bà Tâm là người cao tuổi nhất nhóm có trách nhiệm truyền dạy cho các thành viên còn lại kỹ thuật thêu thùa may vá.
Chị Bàn Thị Mai chia sẻ: “Giờ đây em có thể tự tay mình làm trang phục cho mình và làm để bán cho người khác. Bên cạnh những họa tiết truyền thống thì em cũng được bà Tâm dạy cách sáng tạo họa tiết để tạo dấu ấn riêng của mình”.
Hiện nay Nhóm nhận được nhiều đơn hàng trong và ngoài tỉnh. Bà Tâm bảo, khách lâu năm của bà đặt hàng, trước đây biết sức bà một mình làm nên đặt không nhiều. Khi biết có Nhóm cùng sở thích thêu thùa dân tộc Dao thì đơn đặt hàng tăng nhanh lắm. Có đơn hàng tận Bắc Kạn, Hà Giang, Hà Nội… đặt hàng chục bộ trang phục, vỏ gối, khăn đội đầu.
Hai mẹ con Phùng Thị Tâm và Lý Tài Hân tìm hiểu nguồn cội văn hóa dân tộc Dao.
Trong một lần đi hội chợ, gặp những vuông vải thổ cẩm do tự tay bà Tâm và các thành viên trong Nhóm làm, chị Lý Thị Thu Hương, một người Dao sinh sống ở Hà Nội đã thốt lên rằng, thật thiêng liêng, hạnh phúc biết bao khi được mặc lên mình những bộ trang phục có một ý nghĩa văn hóa ngàn đời truyền lại. Không ai trong số người dệt nên tấm thổ cẩm đó là nhà thiết kế thời trang, và những sản phẩm của họ cũng không phải là bộ sưu tập cầu kỳ. Nhưng chính mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh lại tạo ra một giá trị đặc trưng để thổ cẩm không lẫn vào đâu được.
Bà Tâm vui vẻ khoe về cuốn sổ ghi chép đơn nhận hàng. Bà bảo, đợt này làm không hết việc. Có người ở tận TP Hồ Chí Minh đặt hàng thêu bức tranh thổ cẩm hình ruộng bậc thang mà mấy hôm nay bà trăn trở, suy nghĩ cách phối màu, tạo họa tiết để tạo ra được một tác phẩm độc nhất vô nhị, xứng với tâm huyết của người khách phương xa.
Người đàn bà trọn đời kể chuyện thổ cẩm gương mặt như ánh lên niềm hạnh phúc. Bà sẽ cùng con cháu mình, các thành viên trong nhóm mang những mảnh vải đậm màu sắc núi rừng xuống phố rồi ra biển, sẽ đi nhiều nơi, luôn rực rỡ sắc màu, chân thực cuộc sống như chính cách mà đồng bào nơi đây tạo ra bằng cả tấm lòng.
Gửi phản hồi
In bài viết