Nâng tầm giá trị cây tre bản địa
Bản Tát là thôn vùng sâu, vùng xa của xã Tri Phú. Hai bên đường vào Bản Tát là những vạt tre nối dài. Anh Triệu Văn Thắng, Chủ cơ sở thương hiệu Măng tre trinh Triệu Thắng kể, xưa kia rừng Bản Tát bạt ngàn tre trinh. Những cánh rừng tre trinh đã nuôi bà con bản Dao thoát khỏi cái đói mùa giáp hạt. Nhưng con người chỉ biết khai thác mà không nuôi dưỡng, lâu dần những cánh rừng trinh cũng già hóa, chết khuy rồi lụi. Rừng Bản Tát từ đó cũng trơ trọi đất đá, lũ lụt. Để kiếm măng ăn, người dân Bản Tát rỉ tai nhau lên rừng đào tre con tái sinh về trồng quanh nhà. Từ những gốc tre con ban đầu, sau 1 - 2 năm đã đẻ ra nhiều cây măng mập mạp, vươn cao. Qua đó, diện tích rừng tre trinh lớn, nhỏ ở bản người Dao cứ tăng dần theo từng năm. Đến nay, thôn Bản Tát có gần 100 ha tre trinh, nhà ít vài chục gốc, nhà nhiều ngót chục ha. Mùa nào thức đó, bà con hết thu hoạch măng, lại thu lá, bán thân. Cây tre trinh đã nuôi sống và chở che cho cả bản làng người Dao Bản Tát. Đây cũng là cây trồng thu nhập chính ở mảnh đất vùng cao này. Nhờ làm măng, người dân giảm nghèo và có cuộc sống khấm khá hơn.
Khách hàng tiếp cận sản phẩm Măng tre trinh Triệu Thắng tại Hội chợ Thương mại tỉnh tháng 9-2023.
Ánh mắt tinh anh, nhanh nhẹn, nét mặt tươi vui, vừa trò chuyện, anh Thắng vừa mời chúng tôi thưởng thức loại măng đặc sản. Cầm củ măng đã được rửa sạch, anh cắt từng khoanh cho khách ăn sống và hào hứng khoe: "Để làm được những củ măng khô vàng óng, bắt mắt, trước khi đem măng đi sấy phải được rửa sạch, luộc chín, lau khô, ép khô nước. Khi chế biến thành món ăn sẽ ngọt mát, dai, giòn sần sật, mang hương vị của núi rừng".
Chia sẻ về cơ duyên tạo thương hiệu măng khô mang tên mình, chàng trai trẻ người Dao trải lòng: anh sinh ra và lớn lên trong những cánh rừng tre trinh, gia đình anh có truyền thống làm măng khô, vậy nên anh thấu hiểu vị ngọt bùi cây tre mang lại. Anh cho biết, tuy sản phẩm măng khô của người dân Bản Tát được đánh giá cao về chất lượng, hương vị, song việc tiêu thụ khá bấp bênh do phụ thuộc các thương lái, do đó thu nhập của người dân cũng không ổn định. Để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời để sản phẩm măng khô có thị trường tiêu thụ ổn định và lâu dài, anh quyết tâm tìm thương hiệu cho cây măng tre trinh quê mình và xây dựng thành sản phẩm OCOP. Sau hơn một năm nỗ lực đi tìm thương hiệu cho cây măng quê anh, năm 2022, sản phẩm măng khô mang nhãn hiệu "Măng tre trinh Triệu Thắng" đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt hạng 3 sao.
Đưa măng rừng về phố
Theo chân anh Thắng, chúng tôi đến thăm khu sản xuất măng khô. Vào những ngày này, xưởng sản xuất măng của gia đình anh luôn tấp nập với hoạt động sơ chế, sản xuất và chế biến măng khô. Mùa măng ở Bản Tát thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm, đây là thời điểm bận bịu nhất trong năm. Cả khu vực tỏa mùi hăng hắc của măng tươi hòa quyện mùi nắng, măng khô thơm ngào ngạt từ những giàn măng phơi trên kệ.
Anh Triệu Văn Thắng cùng mẹ bên dàn măng sấy.
Chỉ tay về Nhà sấy năng lượng mặt trời mới được tậu mùa măng năm nay, anh Thắng phấn khởi nói, nhà anh có trên 5 ha tre trinh, mỗi vụ thu trên 20 tấn măng tươi. Ngoài sấy măng của nhà, gia đình anh còn thu mua của bà con trong xóm về làm thêm. Những mùa măng trước, 3 lò sấy thủ công của nhà anh Thắng hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. Thời gian cao điểm, gia đình huy động tất cả con cháu về cùng hộ đào măng, bóc vỏ, sấy măng. Nhưng năm nay, anh nhàn hơn, vì gia đình anh đã được hỗ trợ Nhà sấy năng lượng mặt trời, không lo phải chạy măng mỗi khi mưa đến. Đặc biệt, nhà sấy năng lượng này măng khô màu vàng óng, đẹp mã hơn rất nhiều so với sấy lò thủ công.
Măng tre trinh Triệu Thắng được chế biến đa dạng các món ăn, nấu canh, xào, nấu miến. Sản phẩm được cung cấp rộng rãi cho người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định... Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm, anh Thắng thường mang sản phẩm đến các hội nghị, hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại hoặc các nhà hàng để giới thiệu, quảng bá. Vì thế Măng tre trinh Triệu Thắng đã có nhiều người biết đến. Không chỉ chế biến măng của gia đình, anh Thắng còn thu mua măng tươi của bà con trong làng để sấy măng khô. Bình quân mỗi năm, xưởng măng khô của gia đình anh nhập trên 30 tấn măng tươi, sản xuất trên 2 tấn măng khô ra thị trường. Riêng vụ măng năm 2023, gia đình anh tiêu thụ trên 40 tấn măng tươi, chế biến ngót 3 tấn măng khô. Cơ sở Măng tre trinh Triệu Thắng không chỉ cho gia đình anh có thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con thôn Bản Tát, mở hướng cho một nền kinh tế xanh.
Chia tay anh Thắng trở về phố, đi chầm chậm dưới những hàng tre xanh mướt trải dài, chúng tôi người nào người nấy thi nhau hít hà mùi thơm ngào ngạt của măng khô, mùi xanh tươi của nhựa sống. Mỗi người chúng tôi đều thầm cảm phục về ý chí, nghị lực, tinh thần dám làm của chàng trai người Dao này. Việc xây dựng thành công thương hiệu Măng tre trinh là một bước tiến thành công của anh và bà con người Dao Bản Tát. Và anh, người đã và đang trên hành trình đưa cây măng rừng vươn xa, để bà con quê anh ngày một ấm no, đủ đầy.
Gửi phản hồi
In bài viết