Người giữ hồn thổ cẩm ở Thượng Lâm

Bà Ngô Thị Phin, một người phụ nữ dân tộc Tày sống ở thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) đã bước qua ngưỡng tuổi lục tuần. Nhưng thời gian không làm thay đổi được tình yêu của bà dành cho nghề trồng bông, dệt vải truyền thống của dân tộc mình. Từ khi còn là cô bé, bà Phin đã được nghe kể về những ngày tháng mà nghề trồng bông dệt vải. Đây là niềm tự hào của người Tày, dần dần nghề này đang bị mai một, chỉ còn lại trong ký ức của những người cao tuổi.

 

Có lẽ, ít ai biết rằng, khi còn là cô bé con ở Bản Chợ, bà Phin đã ngồi bên khung cửi của mẹ hàng giờ, đôi mắt đăm đăm nhìn những sợi chỉ được se lại, dệt nên những tấm vải rực rỡ sắc màu. Ngày ấy, mẹ bà nói: “Con gái Tày khi về nhà chồng phải có ít nhất mười hai tấm thổ cẩm, đó là của hồi môn, là danh dự, là tình yêu của con dành cho gia đình mới”. Khi nhớ về những ngày tháng ấy, bà Phin lại hình dung ra hình ảnh người phụ nữ Tày lặng thầm ngồi bên khung cửi, tay dệt những sợi chỉ mà dường như cả thiên nhiên cũng được dệt vào trong từng đường vải. 

 

Đó không chỉ là những tấm vải đơn thuần, mà là cả hồn cốt của núi rừng, của những con suối róc rách và cánh đồng xanh mướt của bản làng. Thế nhưng thời gian trôi qua, nghề dệt bông dần mai một, những khung cửi bị bỏ quên trong góc nhà, chỉ còn lại trong ký ức của những người già. Bà Phin ngồi lặng người bên khung cửa, lòng nặng trĩu nỗi buồn. Trong những khoảnh khắc ấy, hình ảnh về quá khứ dần hiện lên. Bà nhớ về những ngày tháng khi từng sợi chỉ từ khung cửi đã tạo nên cả một trời kỷ niệm. 

 

Thế là, từ lúc ấy, con đường tìm lại giống bông thuần chủng bắt đầu. Đó là một cuộc hành trình không chỉ đi qua những cánh đồng bông, mà còn qua những lớp ký ức, qua những mùa vụ thất bại triền miên. Nhưng, trong đôi mắt của người phụ nữ ấy, không có sự chùn bước. Những đêm dài bà ngồi bên bếp lửa, nhìn ngọn lửa bập bùng, hình ảnh những tấm thổ cẩm của mẹ lại hiện lên, nhưng chúng dần mờ nhạt, tựa như ánh lửa đang lụi dần. “Liệu mình có làm được không?" – Câu hỏi ấy cứ lẩn khuất trong đầu, nhưng bà không bỏ cuộc. 

 

Vào năm 2022, bà Phin bất ngờ gặp lại một người học trò cũ sau hơn 20 năm xa cách. Trong cuộc trò chuyện đầy xúc động, bà kể về hành trình đầy gian truân khi khởi nghiệp với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đặc biệt là việc tìm kiếm giống bông ta để trồng. Bà đã rong ruổi khắp nơi, từ đồng bằng đến miền núi, nhưng không tìm thấy nơi nào còn giữ giống bông quý này. Khi nghe cô giáo Phin kể về nỗi khát khao muốn khôi phục giống bông ta, người học trò cũ của bà liền chia sẻ rằng tại tỉnh Lai Châu, vùng Tây Bắc, vẫn còn những gia đình đang trồng giống bông thuần chủng mà bà tìm kiếm bấy lâu nay.

Nhận được tin tức này, bà Phin không một chút do dự, lập tức tìm cách kết nối với những người dân tại Lai Châu. Sau nhiều nỗ lực, bà đã nhận được những hạt giống bông thuần chủng từ vùng đất xa xôi ấy.

 

 

"Chỉ có những hạt giống này mới dệt nên được tấm vải truyền thống đúng nghĩa", bà Phin thầm thì, đôi mắt ánh lên niềm tin và hy vọng về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc sẽ được hồi sinh, nhờ vào những hạt giống quý giá này. 

 Bà Phin cùng những người phụ nữ trong Tổ Dệt thổ cẩm đã gieo những hạt bông đầu tiên.

 

Trên những nương đồi của xã Thượng Lâm, khi những ngọn núi sừng sững bao quanh như vòng tay mẹ, bà Ngô Thị Phin và những người bạn trong tổ dệt lặng lẽ tra từng hạt bông xuống đất. Những bàn tay đã chai sạn vì năm tháng, nhưng trong lòng người phụ nữ ấy vẫn còn nguyên niềm tin và tình yêu cháy bỏng dành cho nghề dệt truyền thống. Mảnh đất này từng chứng kiến biết bao mùa bông trổ hoa, từng là nơi khởi đầu của những tấm vải thổ cẩm rực rỡ sắc màu – giờ đây lại được bà Phin và những người bạn trong Tổ Dệt thổ cẩm đánh thức, như thể gọi về quá khứ.

Ban đầu, không ít người trong bản hoài nghi. "Thời này ai còn dệt vải nữa?" – những câu nói đầy ái ngại vang lên. Bà Phin hiểu rằng phải hành động, từng bước một, phải đánh thức mảnh đất này bằng chính đôi bàn tay mình. Vậy là mỗi sớm mai, bà lại ra vườn, cặm cụi cày xới cùng các chị em trong bản. Những đôi tay lần lượt chạm vào đất, từng hạt giống bông được tra xuống, chứa đựng trong đó không chỉ là niềm tin vào một mùa thu hoạch, mà còn là khát vọng hồi sinh cả một nghề truyền thống của dân tộc.

 

 

Những quả bông đầu tiên trắng mịn và đầy đặn, như những đứa con khỏe mạnh của đất trời. Niềm vui rộn rã trong lòng bà Phin, nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Bà biết, hành trình này còn dài, cần nhiều hơn sự chăm sóc và tình yêu.

Cùng với các chị em trong bản, bà bắt tay vào giai đoạn tiếp theo: tách hạt, bật bông, xe chỉ... Mỗi công đoạn đều được thực hiện với sự tỉ mỉ và trân trọng, như cách mà tổ tiên đã làm. Dưới những bàn tay khéo léo của các bà, các chị, từng sợi chỉ trắng mịn dần trở thành những tấm vải thổ cẩm rực rỡ.

 

 Những mẻ bông đầu tiên sau khi thu hoạch, mang theo niềm vui và sự phấn khởi của người dân Thượng Lâm.

 Công đoạn cán bông, kéo sợi, lên khuôn đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo.

Không chỉ dừng lại ở đó, bà Phin tiếp tục thuyết phục người dân rằng, thổ cẩm không chỉ là thứ để sử dụng trong gia đình hay các lễ hội, mà còn có thể trở thành sản phẩm thương mại, mang lại thu nhập ổn định. Bà đã tìm đến các Homestay, mang theo những tấm vải với đủ sắc màu, họa tiết. "Thổ cẩm của người Tày không chỉ đẹp, mà còn mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông", bà Phin giới thiệu với nụ cười hiền hậu. Từ những ngày đầu gian nan, những tấm vải thổ cẩm nay đã bắt đầu được khách hàng yêu thích và đặt mua, mang lại cho người dân niềm tự hào và hy vọng mới. 

 Sản phẩm thổ cẩm của Thượng Lâm đã trở thành một trong những sản phẩm hút đặc sắc nhất mà khách hàng tìm hiểu và mua sắm.

 

Kể từ năm 2011, khi Tổ Dệt thổ cẩm xã Thượng Lâm được bà Phin thành lập với chỉ 5 thành viên, giờ đây đã có tới 47 người phụ nữ tham gia. Mỗi người một số phận, một câu chuyện đời riêng với những mảnh đời éo le. Họ tìm đến bà Phin với hy vọng tìm được lối thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Trong mắt họ, bà Phin không chỉ là người dẫn dắt, mà còn là một người mẹ, một bóng cây tỏa rộng, luôn dang tay bảo vệ, nâng đỡ và sẻ chia. 

 Bà Quan Thị Thì (bên trái), thôn Nà Lung, và chị Nguyễn Thị Ỷ, thôn Nà Bản, là những người gặp khó khăn được bà Phin giúp đỡ, tạo công việc ổn định.

Bà Quan Thị Thì, ở thôn Nà Lung, là một trong những người đầu tiên được bà Phin giúp đỡ. Bà Thì tưởng rằng cuộc đời mình sẽ mãi chìm trong cảnh nghèo túng, cô độc. Chồng bà, một cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, sau khi trở về từ chiến trường, mang theo bệnh tật nặng nề. Khi ông mất, bà Thì phải một mình nuôi con trong cảnh cơ hàn. Căn nhà dột nát, không có nổi một tiếng gà gáy, cuộc sống chồng chất những nỗi khổ. Khi không ai dám cho bà Thì vay tiền, vì sợ bà không có khả năng trả nợ, bà Phin đã đến bên bà Thì đưa cho bà số tiền hàng triệu đồng và nhẹ nhàng nói: “Chị phải dùng số tiền này để mua sợi bông dệt thổ cẩm. Thổ cẩm sẽ đẻ ra tiền, giúp chị trả nợ và duy trì cuộc sống”. Trong đời bà Thì rất hiếm khi cầm trong tay một số tiền lớn như thế. Lòng bà đầy trăn trở, không biết vay rồi có trả được nợ hay không? Nhưng dưới sự hướng dẫn và động viên của bà Phin, bà Thì bắt đầu dệt lại như thuở còn trẻ. Những ngày tháng kiên trì đã giúp bà Thì tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đẹp mắt, dần dần trả được nợ và trở thành một thành viên tích cực của tổ dệt.

Chị Hỏa Thị Thái, ở thôn Bản Bó, cũng là một câu chuyện về sự kiên cường và hy vọng. Con trai bị tai nạn giao thông phải nằm liệt giường, chị Thái tưởng như không còn đường sống. Nhưng nhờ có Tổ Dệt thổ cẩm, chị có thể vừa ở nhà chăm con, vừa ngồi bên khung cửi dệt vải để kiếm sống. “Nếu không có nghề này, tôi không biết cuộc đời mình sẽ ra sao”, chị Thái tâm sự với ánh mắt đầy xúc động.

 

 Chị Nguyễn Thị Ỷ ở thôn Nà Bản được bà Phin tận tình hướng dẫn dệt thổ cẩm.

Không chỉ giúp đỡ những người phụ nữ nghèo khó, bà Phin còn mở rộng vòng tay với những người khuyết tật. Chị Nguyễn Thị Ỷ, một phụ nữ sinh ra với một bàn tay không có ngón, đã tìm thấy niềm hy vọng mới khi tham gia tổ dệt. Với sự hướng dẫn tận tình của bà Phin, chị Ỷ đã trở thành người dệt thổ cẩm khéo léo nhất trong tổ. Những sản phẩm của chị luôn được khách hàng yêu thích vì sự tỉ mỉ, tinh tế. Đối với chị Ỷ, mỗi tấm vải không chỉ là một sản phẩm, mà còn là biểu hiện của lòng tự tin, của khả năng vươn lên từ nghịch cảnh.

Bà nhớ lại mùa Tết năm 2022, nhiều chị em trong tổ vẫn chưa bán hết sản phẩm, không có tiền sắm sửa, bà Phin đã chủ động ứng tiền mua trước cho họ. Nhờ có bà Phin, Tổ Dệt thổ cẩm đã không chỉ hồi sinh nghề truyền thống, mà còn là nơi nâng đỡ những phận đời khốn khó, giúp họ tìm lại niềm tin và hy vọng vào cuộc sống.

 

 

 Các thành viên trong Tổ Dệt thổ cẩm xã Thượng Lâm tham gia giới thiệu sản phẩm trong ngày hội.