Vinh dự được Cấp sắc ba lần
Trong ngôi nhà hai tầng khang trang của anh Trương Minh Quyền, giữa những tiện nghi hiện đại vẫn tồn tại một không gian đặc biệt - nơi lưu giữ ký ức văn hóa. Trên kệ gỗ cũ kỹ, những cuốn sách cổ, sổ tay ghi chép nghi lễ cúng, lời hát Soọng cô, thậm chí cả những mẩu giấy nhỏ được truyền lại từ các thầy cúng đời trước vẫn được trân trọng gìn giữ.
Trên tường, bộ chũm chọe sáng loáng, cặp sừng trâu uy nghi và bộ trang phục thầy cúng với những hoa văn rồng phượng cầu kỳ được treo ngay ngắn. “Những vật dụng này không chỉ là công cụ hành lễ, mà còn là sợi dây linh thiêng kết nối chúng tôi với tổ tiên” - anh Quyền trầm ngâm chia sẻ.
Anh Trương Minh Quyền sinh năm 1963, là người hiếm hoi, duy nhất trong thôn Hội Tân được cấp sắc ba lần sau mấy chục năm cả làng chưa có ai được cấp sắc ba lần. Đây là điều vinh dự và thiêng liêng. Bởi theo phong tục của người Sán Dìu ở thôn Hội Tân thì muốn trở thành thầy cúng phải trải qua các lần cấp cấp sắc được thế giới thần linh chấp thuận và được cấp thêm âm binh để tăng uy lực, quyền phép…
Anh Quyền đọc lại cuốn sách của người Sán Dìu được viết bằng chữ Hán Nôm.
Năm 1980, khi mới 17 tuổi, anh Trương Minh Quyền được chọn thụ lễ Cấp sắc lần đầu tiên, gọi là vào sớ, để chính thức theo học nghề thầy cúng. Trong không khí linh thiêng của buổi lễ, dưới ánh nhìn nghiêm cẩn của các bậc cao niên, chàng trai bước lên chiếu lễ. Giây phút thầy trao cho anh những dụng cụ thiêng liêng như tù và, chũm chọe, linh dao, đôi âm dương… hai thầy trò bắt tay tuyên thệ “hợp giao” - cam kết bảo vệ và truyền bá những giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Sau lễ Cấp sắc đầu tiên, anh bắt đầu hành trình học tập nghi lễ truyền thống một cách miệt mài. Nhận thấy anh có tư chất, các thầy cúng trong làng đã tận tình truyền dạy. Ban đầu là những bài khấn được học thuộc lòng, sau là cả kho tàng văn tự cổ được chép tay, giải nghĩa. Anh không chỉ học, mà còn tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc của từng câu chữ, từng điệu khấn. “Tôi tìm đến các cụ cao niên, đọc lại sách cổ, rồi tự mình ghi chép, đối chiếu”. Anh kể: “Càng học, tôi càng hiểu rằng mỗi nghi lễ không đơn thuần là hình thức - mà là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là sợi dây giữ gìn bản sắc”.
Đến năm 1987, khi anh 24 tuổi, Lễ Cấp sắc lần hai diễn ra: Đây là một thủ tục bắt buộc, đánh dấu bước trưởng thành của thầy cúng, chính thức công nhận thành viên trong nghề thầy cúng của người Sán Dìu. Người thụ lễ được cấp ấn Chức sư, được khắc pháp danh lên ấn, có thể làm các việc lớn cho dòng họ, làng bản. Anh Quyền bắt đầu góp mặt trong những nghi lễ quan trọng và được tin tưởng giữ vai trò chính trong các dịp cúng tế.
Anh Quyền với bộ trang phục thầy cúng của người Sán Dìu.
Năm 2011, cả thôn Hội Tân bỗng xôn xao khi anh Quyền được chọn Cấp sắc lần thứ ba, một vinh dự hiếm có sau bao nhiêu năm cả thôn chưa có ai được Cấp sắc lần thứ 3, đạt cấp Trung văn. Ngôi vị này chỉ dành cho những người đã trải qua bao năm tháng hành pháp, với hàng đệ tử tôn kính, và phải chứng minh được phẩm hạnh, đạo đức. Người đã được cấp sắc thề nguyện chịu đựng mọi gian khổ, không ngại khó khăn, không phân biệt giàu nghèo, không dùng phép thuật hại người.
Từ sự say mê và lòng kiên trì, đến nay anh Trương Minh Quyền không chỉ là một thầy cúng vững vàng trong các nghi lễ truyền thống, mà còn là người thắp lên ngọn lửa văn hóa dân tộc Sán Dìu.
Thắp lửa đam mê
Những năm gần đây, khi công nghệ len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, lớp trẻ ngày càng mải mê với điện thoại, mạng xã hội, để rồi những nét văn hóa truyền thống dần bị đẩy lùi vào quên lãng. Ở nhiều nơi, tiếng Sán Dìu thưa vắng dần, những làn điệu Soọng cô từng vang vọng núi rừng nay chỉ còn le lói trong ký ức người già.
Trăn trở trước thực trạng ấy, năm 2015, anh Trương Minh Quyền cùng một nhóm bạn ở thôn Hội Tân, xã Ninh Lai (Sơn Dương) quyết định thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc dân tộc Sán Dìu. Những ngày đầu, câu lạc bộ chỉ có 12 thành viên, phần lớn là người cao tuổi. Khi nhắc đến hát Soọng cô, lớp trẻ chỉ lắc đầu ngán ngẩm, cho rằng đó là những giai điệu cũ kỹ, không còn hợp thời.
Anh Trương Minh Quyền với các thành viên Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc dân tộc Sán Dìu ở Hội Tân.
Nhưng anh Quyền hiểu rằng, nếu không có người gìn giữ, những giá trị quý báu ấy sẽ mai một theo thời gian. Không nản lòng trước sự thờ ơ của giới trẻ, anh kiên trì đến từng nhà, thuyết phục từng người bằng sự chân thành và tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa dân tộc. Ban đầu, người dân còn ngại ngần, nhưng rồi chính sự nhiệt huyết của anh đã khiến họ thay đổi. Từ những bậc cao niên đến các bậc phụ huynh, ai nấy đều dần nhận ra tầm quan trọng của việc gìn giữ tiếng nói, phong tục của tổ tiên.
Để có trang phục, đạo cụ biểu diễn, các thành viên trong câu lạc bộ phải tự bỏ kinh phí. Mỗi buổi sinh hoạt vào tối thứ Bảy, họ không chỉ dạy hát Soọng cô mà còn kể chuyện dân gian, giảng giải ý nghĩa từng câu hát để lớp trẻ dễ hiểu, dễ nhớ. Những cuốn sách nhỏ ghi chép lời bài hát được in bằng kinh phí tự túc, dù còn đơn sơ nhưng đã giúp các em nhỏ thêm yêu tiếng nói dân tộc mình.
Từ sự kiên trì ấy, đến nay Câu lạc bộ đã có 62 thành viên, trong đó có hơn 32 bạn trẻ. Bà Lý Thị Lan, một thành viên của câu lạc bộ, chia sẻ: Lúc đầu, tôi tham gia chỉ vì tò mò. Nhưng sau vài buổi nghe anh Quyền giảng giải về từng câu hát, từng giai điệu, tôi mới nhận ra rằng đây không chỉ là âm nhạc mà còn là cách người Sán Dìu nói về cuộc sống, về tình yêu, về gia đình. Giờ thì tôi đã thuộc một số bài hát dân ca.
Không dừng lại ở việc dạy hát, câu lạc bộ còn phục dựng các lễ hội truyền thống, tham gia biểu diễn văn nghệ tại nhiều sự kiện lớn trong tỉnh. Mỗi lần tổ chức giao lưu, dù khó khăn về kinh phí, họ vẫn cố gắng chuẩn bị đầy đủ trang phục, đạo cụ cho các em nhỏ. Niềm tự hào lớn nhất chính là khi thấy các em khoác lên mình bộ đồ truyền thống, cất tiếng hát Soọng cô một cách say sưa.
Chiều muộn, rời nhà anh Quyền, tôi vẫn nghe tiếng hát Soọng cô vang vọng giữa khoảng sân nhỏ, nơi những đứa trẻ đang say sưa tập luyện. Trong ánh nắng hoàng hôn dần tắt, hình ảnh anh Quyền ân cần hướng dẫn từng câu hát, từng nhịp điệu như một người thắp lửa, truyền đi hơi ấm của văn hóa cha ông đến thế hệ mai sau.
Gửi phản hồi
In bài viết