Người lính và thư viện ảnh Bác Hồ

- Ngôi nhà nhỏ của Cựu chiến binh Lê Đức Minh, thôn Vắt Cầy, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) nằm nép mình bên những vườn cây ăn quả xanh mướt. Trong gian phòng tiếp khách nằm biệt lập, kín tường là những bức ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được người lính ấy dày công sưu tầm 30 năm nay. Và trang trọng phía gian phải của căn phòng ấy, đối diện với bàn thờ tổ tiên, là bàn thờ Hồ Chủ tịch. Trên ban thờ ấy, không ngày nào không có những đóa hoa thơm ngát tỏa hương...

Cơ duyên đặc biệt

Cựu chiến binh Lê Đức Minh từng nhiều năm chiến đấu ở mặt trận biên giới. Rời quân ngũ năm 1988, khi sắp chạm tuổi 30, ông được anh em đoàn viên trong thôn Vắt Cầy tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn.

Thời điểm này, việc kết nạp đoàn viên được Bí thư chi đoàn Lê Đức Minh quan tâm nhất. Lực lượng có đông thì mới tạo được sức mạnh. Có điều, khi ấy mọi thứ còn thiếu thốn, mỗi buổi kết nạp đoàn viên mới, chỉ có những lời hứa quyết tâm dưới ánh mặt trời, thứ thiếu nhất là chân dung Bác Hồ. Ông bảo, khi ấy ai cũng muốn được đứng trước Người, hô lên quyết tâm, hào khí của người trẻ, nguyện cống hiến và tận lực vì đất nước, vì quê hương. Bí thư chi đoàn Lê Đức Minh bắt đầu để tâm và tìm kiếm ảnh Bác Hồ để những buổi lễ kết nạp đoàn viên thêm trang trọng, nghiêm cẩn.

Dần dà, nó thành niềm đam mê lúc nào không hay. Ngày ấy, cứ ở đâu có tờ báo, tập san, tạp chí có hình Bác, ông lại cẩn thận lưu lại. Quanh gian phòng khách đặc biệt, là những chiếc khung ảnh lồng kín những tấm hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau mỗi bức ảnh là một cơ duyên, một câu chuyện đã được người lính ấy thuộc làu. Nhiều bức hình không đủ chỗ treo, ông lưu giữ lại trong ngăn tủ ngay phía dưới ban thờ Người.

Những bức ảnh Bác Hồ được người lính Lê Đức Minh treo trang trọng trong gian phòng khách đặc biệt.

Ông bảo, phần lớn những bức hình của Người đều xuất hiện bất ngờ. Như bức ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đoàn Cao xạ Tam Đảo” ngày 25-9-1966, khi ông đến nhà người bạn làm cán bộ xã, tình cờ đọc và thấy được tấm hình, mọi cảm xúc dâng tràn trong trái tim. Đây cũng là bức ảnh ông trân quý nhất và gìn giữ cẩn thận, bởi những người từng “vào sinh ra tử” như ông mới thực sự hiểu và thấm thía, trong những ngày chiến đấu gian khổ, Người có sức mạnh tinh thần vô vàn, nâng bước ông và đồng đội đi qua những tháng ngày khốc liệt nhất của cuộc đời. 

Bà Phạm Thị Xuyến, vợ ông cười khi nói về thú vui, niềm đam mê của chồng mình: Mỗi khi sưu tầm được bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại thấy như ông trẻ hơn, hào hứng cống hiến hơn. Mỗi dịp lễ Tết, bà lại trực tiếp chuẩn bị hoa trái để dâng ông bà tổ tiên, dâng lên Người. Trong nhà ông  bà, tình yêu với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trao truyền một cách lặng lẽ mà sâu đậm qua tháng năm, từ ông bà đến con, và bây giờ là những đứa cháu. Cô cháu gái Lê Anh Thơ năm nay đang theo học Tiểu học, nhưng cũng đã để ý mỗi khi tìm được bức ảnh ưng ý, lại cẩn thận mang về làm quà cho ông. 

30 năm lưu giữ, sưu tầm ảnh Bác Hồ, là từng đấy năm Cựu chiến binh Lê Đức Minh thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhà. Ông cười tự hào khoe, nhiều người bạn cũng được lan tỏa tình yêu ấy từ ông. Đã có nhiều người lính sau chuyến đến thăm nhà ông cũng về lập ban thờ Bác Hồ, và bức ảnh trên những ban thờ ấy, là những bức ảnh được chính tay ông lựa chọn và tặng lại cho đồng đội. Như người lính Nguyễn Văn Hiền ở xã Bình Xa (Hàm Yên), Nguyễn Văn Tụ, Nguyễn Đức Phi ở xã Chiêu Yên... 

“Đảng viên đi trước...”

Ở Vắt Cầy, cựu chiến binh Lê Đức Minh đã trải qua đủ vai trò. Từ Bí thư chi đoàn, năm 1993 đến năm 2015 ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, giờ là Bí thư Chi bộ.
Ông bảo, những năm giữ vai trò là Trưởng thôn, rồi Bí thư chi bộ, là những năm ông quyết tâm thay đổi cuộc sống của bà con trong thôn.

Bắt đầu từ chuyện làm đường. Cách đây 20 năm, những con đường ở Vắt Cầy chỉ là con đường mòn, rất nhỏ và lầy lội. Ông vận động bà con trong thôn, mỗi nhà một người, mỗi ngày một chút san gạt, mở rộng đường ra một chút. Sau này, khi tỉnh có chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn, những con đường ở Vắt Cầy gần như không phải vận động bà con hiến đất là mấy, mà bề rộng đã gần như đáp ứng đủ tiêu chí.

Mảnh đất hơn 1.000m2 được anh Lê Tiến Thuật hiến cho thôn xây dựng nhà văn hóa.

Cả thôn, gần 3 km đường bê tông phẳng phiu đến từng ngõ, chạm cửa từng ngôi nhà. Đặc biệt, thời điểm có phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn, ông Minh “chăm” đi vận động các mạnh thường quân đóng góp, hỗ trợ làm đường hơn. Người nhiều vài triệu, người ít cũng vài trăm nghìn đồng. Ngay bản thân ông, mỗi lần về quê vợ ở Hàm Yên đúng dịp xã, thôn làm đường bê tông hay làm nhà văn hóa, ông cũng sẵn sàng góp vài trăm, một triệu đồng để động viên bà con sớm hoàn thành. 

Năm nay, Vắt Cầy phấn đấu xây dựng Nhà văn hóa thôn để cùng với Chiêu Yên cán đích nông thôn mới vào cuối năm. Sau nhiều lần họp bàn tìm vị trí, chỗ ưng thì bà con “báo giá” hơi cao, vị trí có sẵn thì không đảm bảo diện tích, anh Lê Tiến Thuật - quần chúng ưu tú vừa hoàn thành khóa học cảm tình Đảng quyết định hiến hơn 1.000 m2 đất đồi của gia đình mình để thôn san gạt, xây Nhà văn hóa mới. Anh Thuật cười, tấc đất tấc vàng, cũng tiếc lắm, vì khoảnh đồi này trước gia đình anh trồng keo, rồi trồng mía, đem lại thu nhập không ít đâu. Nhưng thôn thiếu thốn, lại học bác Minh, dẫu chưa vào Đảng nhưng cũng sẵn sàng tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.     

Có đường đi lại thuận tiện, Chi bộ thôn Vắt Cầy lại bàn cách làm sao để tăng thu nhập cho người dân. Vắt Cầy là thôn nằm cuối xã Chiêu Yên, diện tích ruộng không nhiều, trong khi đất đồi, vườn tạp lại tương đối nhiều. Chi bộ Vắt Cầy ra Nghị quyết chuyên đề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho nhân dân. Đảng viên tiên phong đưa cây ăn quả về trước.

3 bố con ông Minh là những người đầu tiên đưa cây phật thủ về hơn 2 ha đất vườn đồi từ gần chục năm nay. Cây phật thủ hợp đất Vắt Cầy, giờ đã trở thành cây trồng đem lại thu nhập chính cho gia đình ông.

Ông Minh là người tiên phong đưa cây phật thủ về trồng ở Vắt Cầy.

Rồi cây cam, bưởi được nhiều đảng viên mạnh dạn đưa về trồng. Như Đảng viên Bùi Đức Mạnh, Nguyễn Văn Thái, Vũ Đình Quang... mỗi nhà cũng có 1,5 đến 2 ha.

Bí thư chi bộ Lê Đức Minh bảo, mỗi vườn, trung bình mỗi năm cũng cho thu cả 500 - 600 triệu đồng. Đảng viên tiên phong, bà con học theo, chẳng thế mà ở Vắt Cầy giờ chỉ còn 3 hộ nghèo. Căn nhà tạm duy nhất của thôn của bà Bùi Thị Cậy cũng đã được thôn vận động các nguồn lực đóng góp để xóa trong năm nay.

Mỗi việc làng, việc xóm với người lính Cụ Hồ ấy như một  nhiệm vụ của người Đảng viên từng thề dưới cờ Đảng, dưới chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày vinh dự được đứng chân vào hàng ngũ của Đảng: “Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân...”. Và sau mỗi nhiệm vụ hoàn thành, người lính ấy lại kính cẩn thắp nén hương thơm, báo cáo với Người, như một lời hứa cho nhiệm vụ tiếp theo, sẽ hoàn thành xuất sắc hơn!.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục