Người số ở làng

- Trong giới kinh doanh Online, cái tên Nguyễn Văn Thế Anh, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) là cái tên đáng gờm. Anh là một trong những người đầu tiên đưa sản phẩm chè của địa phương lên kênh bán hàng Tiktok, và đến thời điểm này, là người có doanh số bán mặt hàng này cao nhất, không chỉ ở Tuyên Quang. Bà con gọi anh là Người số.

Những hoạt động thường ngày cũng trở thành đề tài để Nguyễn Văn Thế Anh tạo ra các video thu hút người sử dụng mạng xã hội.

“Nhà em ba đời trồng chè”

Nguyễn Văn Thế Anh sinh năm 1990. Thế Anh cười khi giới thiệu về bản thân, với slogan quen thuộc với người sử dụng mạng xã hội: Nhà em ba đời trồng chè… Ông bà, bố mẹ đều là người nông dân gắn bó với cây chè. Thế Anh được ăn học, rồi đỗ Đại học Công nghiệp đều nhờ nguồn thu từ chè của bố mẹ mình.

Tốt nghiệp Đại học, chàng thanh niên 9X nuôi ước mơ làm giàu, khăn gói sang Nhật Bản lao động. 3 năm bôn ba xứ người, Thế Anh bảo, cái mình nhớ nhất lại chính là hương đất, hương cây quê mình.

Hết thời gian lao động, anh chọn về quê mình, khởi nghiệp với cây ăn quả. Nhưng càng làm, càng nhận ra hướng mở cho cây chè rộng hơn, Nguyễn Văn Thế Anh quay về với cái nghề truyền thống “ba đời” của nhà mình.

Việc livestream bán sản phẩm tạo ra bước ngoặt lớn trong quá trình sản xuất, giới thiệu sản phẩm của Nguyễn Văn Thế Anh.

2 ha chè được bố mẹ giao cho chăm sóc, quản lý, Nguyễn Văn Thế Anh thực hiện hoàn toàn theo tiêu chuẩn sạch. Điều đau đáu nhất với Nguyễn Văn Thế Anh khi quay lại với nghề chè, chính là danh tiếng. Cùng là đất chè, xét về thời gian phát triển, chất lượng là tương đương nhau, nhưng danh tiếng chè Thái lại quá nổi trội, gần như đè bẹp danh tiếng của các sản phẩm chè cùng loại trong khu vực. Đời ông bà, bố mẹ mình, bao năm gắn bó với cây chè, nhưng cũng chưa từng một lần tự hào, giới thiệu được với người tiêu dùng đây là chè của Tuyên Quang.

Biến công nghệ thành sức mạnh

Khi Tiktok phát triển mạnh và trở thành một trong những kênh sở hữu lượng người dùng lớn nhất hành tinh, Nguyễn Văn Thế Anh nghĩ: Tại sao không tận dụng chính sức mạnh ấy để sản phẩm của mình được nhiều người biết đến hơn.

Nghĩ là làm, Nguyễn Văn Thế Anh mày mò cách tạo tài khoản, rồi đưa sản phẩm lên kênh Tiktok với tài khoản Theanh22. Trà Thế Anh 22 cũng được anh đăng ký nhãn hiệu, với một niềm tự hào rất lớn: Đây là chè của Tuyên Quang quê mình.

Để công nghệ hỗ trợ cho mình, Thế Anh bảo, quan trọng nhất là mình phải hiểu cơ chế hoạt động của nó. Từ việc tạo ra những từ khóa, chăm chỉ đăng video để kênh “nhớ mặt điểm tên”, cứ thế, những video của Theanh22 thu hút đông dần hơn lượt người xem. Và từ có người xem, anh có những đơn hàng đầu tiên đi Thành phố Hồ Chí Minh. Miền Nam cũng là thị trường mà sản phẩm của Thế Anh22 đang chiếm ưu thế.

Gian nhà cũ được anh tận dụng lại để dựng xưởng, đóng gói biến thành “trường quay” để Nguyễn Văn Thế Anh quay video, live bán hàng trực tiếp. Những công nhân cũng trở thành tư vấn viên, khi có khách hàng hỏi về cách làm hay công dụng.

Niềm vui có đơn hàng của Nguyễn Văn Thế Anh.

Từ những video live bán hàng, Nguyễn Văn Thế Anh đầu tư hơn, xây dựng thêm các video về quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, rồi lên video về cách chế biến, về cuộc sống thường nhật… Đến thời điểm này, kênh Theanh22 đã thu hút gần 90 nghìn lượt người theo dõi, video có lượt người xem “khủng” nhất đạt trên 3,4 triệu lượt xem.

Đơn hàng nhờ thế cũng tăng dần lên, từ vài đơn, chục đơn, giờ đạt trên 200 đơn/ngày. Chè làm ra đến đâu, xuất bán đến đấy. Ngoài 2 ha chè của gia đình, Nguyễn Văn Thế Anh đứng ra liên kết với hơn 20 hộ trồng chè trong và ngoài xã để bao tiêu sản phẩm, giá thu mua của cơ sở luôn cam kết cao hơn giá thu mua của các thương lái. Sản lượng bán ra mỗi tháng đạt từ 3 - 5 tấn.

Không giữ bí quyết cho riêng mình, Nguyễn Văn Thế Anh là cộng tác viên của Hội Nông dân tỉnh trong các lớp tập huấn cho nông dân các xã trong việc tận dụng mạng xã hội để bán sản phẩm. Anh chia sẻ: Bà con nông dân mình có cái giỏi là làm ra sản phẩm rất tốt, rất chất lượng nhưng còn e dè, sợ thất bại. Đến các lớp học, anh tận tình hướng dẫn từ cách nói, cách chào, đến cách giới thiệu làm sao để khách hàng tin và yêu sản phẩm của mình.

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chia sẻ: Chính những “người số” ở làng như Nguyễn Văn Thế Anh đang góp phần đưa nông sản của Tuyên Quang ngày càng vươn xa hơn. Hội Nông dân tỉnh cũng đang khuyến khích các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để có thêm nhiều nông dân số như thế.

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục