Người trẻ rời phố về quê

- “Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau...”-câu hát của rapper Đen Vâu không chỉ là lời ca, mà còn là tâm niệm của nhiều người trẻ giữa những áp lực nơi phố thị. Ngày càng nhiều người chọn rời phố về quê để tìm lại sự cân bằng và mang theo tri thức, khát vọng, biến những miền quê yên bình thành mảnh đất nuôi dưỡng ước mơ. Ở đó, bình yên không phải là dừng lại, mà là khởi đầu cho một cuộc sống ý nghĩa hơn.

Xu hướng ngược dòng

Chắc hẳn, ai nấy đều mong muốn được rời khỏi quê hương, tìm kiếm cơ hội ở những thành phố lớn để học tập, làm việc. Thế nhưng khi đối mặt cuộc sống áp lực, tài chính đè nặng, nhiều người lại có xu hướng “rời phố về quê” sinh sống và làm ăn. Đây quả thực là một quyết định khó khăn với người trẻ bởi nhiều người cũng hoang mang với câu hỏi: “Về quê thì làm gì để sống”. 

Anh Nguyễn Huy Hùng, nhà sáng tạo nội dung hướng đến những video bình dị, hòa  mình với thiên nhiên vùng quê.

Xu hướng rời phố về quê ngày càng thịnh hành, rất nhiều người trẻ chọn hướng đi mới cho tương lai của mình. Sự thay đổi này không đơn thuần chỉ là một xu hướng mà đang phản ánh một nhu cầu thực sự về một lối sống cân bằng hơn, bớt áp lực và đi tìm sự bình yên. Thế nhưng trên thực tế không phải ai rời phố về quê  sống cũng đều thành công, thậm chí còn có những người mắc kẹt trong chính quyết định của mình, rơi vào tình trạng không có đường lui.

Đồng chí Hoàng Trần Trung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Xu hướng rời phố về quê ngày càng phổ biến, mang đến cả cơ hội lẫn thách thức cho các bạn trẻ. Trở về quê giúp người trẻ khai thác tiềm năng nông nghiệp, du lịch, giảm áp lực cuộc sống và hướng đến sự nghiệp bền vững. Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với khó khăn như thiếu việc làm ổn định, hạ tầng hạn chế và áp lực từ gia đình, xã hội. Để thích nghi, cần phải có tư duy linh hoạt, kiên trì và một chiến lược rõ ràng..., khi đó, “rời phố về quê” không chỉ là trào lưu mà còn là cơ hội để người trẻ tạo dựng sự nghiệp và góp phần phát triển quê hương”.

Không khó để tìm trên mạng xã hội những hội nhóm “Bỏ phố về rừng”, “Bỏ phố về quê”, “Bỏ phố về vườn”... với sự tham gia của hàng chục nghìn thành viên, trong đó có thế hệ trẻ và Thế hệ Z, thậm chí cả những người trung tuổi. Tại đây, họ chia sẻ những hình ảnh về cuộc sống hàng ngày tại nhiều vùng quê yên bình, núi rừng hay về cách trồng hoa, thiết kế nhà... Đơn giản là trải nghiệm cuộc sống hòa mình với thiên nhiên như đi tắm rừng, chèo thuyền, tập Yoga, hít thở không khí sáng sớm...

Có dịp theo chân chị Ma Thị Nhung, thôn Phiêng Luông, xã Bình An (Lâm Bình) một buổi vào rừng hái thảo dược, thấy được sự vất vả từ những giọt mồ hôi chảy dài trên má.

- “Có bao giờ chị muốn ra thành phố lớn, chọn một công việc kiếm nhiều thu nhập hơn?” - tôi  hỏi.

Chiếc gùi nặng trĩu sau lưng mỗi lúc một đè nặng, nhưng chị vẫn gắng sức men theo con dốc dựng đứng với hơi thở gấp gáp cùng đôi chân mỏi nhừ. “Cuộc sống ở quê tuy vất vả, nhưng với mình, đó là sự vất vả đáng giá. Dù đôi lúc đối mặt với khó khăn như thu nhập bấp bênh, công việc không ổn định hay thiếu tiện nghi hiện đại, mình vẫn cảm thấy nhẹ nhàng hơn so với sự gò bó, bon chen nơi phố thị. Ở quê, mình được sống chậm rãi, tự do làm điều mình yêu thích, hít thở không khí trong lành và tìm thấy sự an yên trong tâm hồn. Nếu ai đó trở về quê với mong muốn tìm lại cân bằng cuộc sống, mình tin rằng họ cũng sẽ dần yêu nơi này, dù phải học cách thích nghi với những thử thách không tránh khỏi”.

Xu hướng “rời phố về quê” ngày càng phổ biến, mang lại sự thư thái và giảm áp lực kinh tế, nhưng cũng đối mặt với thách thức, nhất là hạn chế về việc làm. Dù chọn thành phố hay nông thôn, mỗi nơi đều có khó khăn riêng, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kế hoạch rõ ràng, mỗi người sẽ vững tin vào lựa chọn của mình.

Giảm áp lực, giúp cân bằng cuộc sống

Cuộc sống nơi miền quê vốn bình yên lại ít tốn kém và không nhiều áp lực như ở thành phố, vì vậy, xu hướng rời phố về quê đang là lựa chọn của các bạn trẻ tìm lại sự cân bằng.

Chị Ma Thị Nhung, xã Bình An (Lâm Bình) lựa chọn cuộc sống gắn bó với núi rừng.

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ và mô hình làm việc từ xa đã giúp nhiều người có thể làm việc ở bất cứ đâu mà không cần bó buộc tại văn phòng. Bên cạnh đó, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mới như nông trại hữu cơ, du lịch trải nghiệm, homestay... đã tạo ra những cơ hội kiếm tiền bền vững ở vùng quê.

Là người sáng tạo nội dung hướng đến những video bình dị, hòa mình với thiên nhiên, núi rừng, anh Nguyễn Huy Hùng, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên xây dựng kênh Tiktok chia sẻ về việc chọn sống ở quê với một lối sống cân bằng và bớt áp lực thu hút 39 nghìn lượt follower cùng gần 500 nghìn lượt thích. Ở tuổi 20 tràn đầy ước mơ và khát vọng vươn xa, anh chia sẻ: “Với mình, lựa chọn ở quê không phải là từ bỏ mà là bắt đầu một cuộc sống đúng với những gì mình mong muốn. Ở đây, mình có không gian để thở, để sống chậm mà không bị cuốn vào áp lực bon chen. Mình vẫn làm công việc yêu thích, vẫn phát triển bản thân, nhưng theo cách thoải mái hơn. Quan trọng nhất, quê hương cho mình cảm giác thuộc về - một điều mà thành phố đông đúc chưa bao giờ mang lại”.

Theo chị Bùi Thu Hiền xã Tân Trào (Sơn Dương) cho rằng: “Cuộc sống ở thành phố lớn mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đầy rẫy áp lực. Giá nhà đất tăng cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, tắc đường, ô nhiễm môi trường và sự cạnh tranh khốc liệt trong công việc khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi. Với mức thu nhập trung bình, nhiều người trẻ như mình dù làm việc vất vả vẫn khó có thể mua được nhà hoặc đạt được sự ổn định về tài chính. Ở quê, mức thu nhập của mình dao động 7 - 8 triệu/tháng, tuy không cao như ở thành phố nhưng mình vẫn thấy thoải mái, quan trọng nhất là mình được gần gia đình, không bon chen, không áp lực nhà cửa, kẹt xe hay khói bụi”.

Chuyện rời phố về quê dần phản ánh sự thay đổi trong tư duy sống của người trẻ hiện đại, từ chạy theo vật chất sang tìm kiếm sự cân bằng và giá trị đích thực của cuộc sống. Khi áp lực nhà cửa, chi phí đắt đỏ và nhịp sống căng thẳng ở đô thị ngày càng bủa vây, quê nhà lại trở thành điểm tựa bình yên - nơi có không gian trong lành, nhịp sống chậm rãi và những giá trị giản dị nhưng bền vững. Cuối cùng, hạnh phúc không nằm ở việc sống ở đâu, mà ở cách ta tìm được sự an yên trong chính cuộc sống của mình.  

Bài, ảnh: Lan Phương

Tin cùng chuyên mục