Ngay từ ngày mới học lớp 5 ở Thái Bình, nhà thơ Ngọc Hiệp đã có thơ được đăng báo Nhân dân. Dấu ấn tuổi thơ đó đã thôi thúc ông bước tiếp sang chặng đường sáng tác mới. Sinh ra ở cái nôi Chèo của đồng bằng Bắc Bộ, từ nhỏ nhà thơ đã sớm say mê với những câu ca dao, dân ca mộc mạc, trữ tình của quê hương. Và đó cũng chính là mạch nguồn cảm xúc để làm nên những chùm lục bát lung linh hương sắc, một trong những thế mạnh trong những sáng tác của ông sau này.
Với những sáng tác đầu tay, thơ ông mới chỉ mang tính chất cổ vũ phong trào là chính, nhưng lại có tác động tích cực trong việc khích lệ, động viên tinh thần hăng hái thi đua tăng gia sản xuất thời bấy giờ. Bài thơ “Ta đi xây dựng quê hương mới” của ông với nội dung vận động nhân dân đi khai hoang đã vinh dự được chọn viết lên biển tường của huyện, sau đó được in trên báo Thái Bình tiến lên. Từ đó, chủ đề khiến ông am hiểu sâu sắc nhất: nông nghiệp, nông thôn đã đi vào thơ ông một cách tự nhiên như nó vốn là.
Nhớ về thơ Ngọc Hiệp, là người đọc nhớ về một mạch thơ trữ tình, giàu cảm xúc, thơ ông đi vào các ca khúc phổ thơ, ngân vang trên cánh sóng Phát thanh - Truyền hình và được ví như những sáng tác “địa phương ca, ngành ca”:
“Hồng Thái mùa này thơm hương mận
Cánh đồng bông trắng đất Lăng Can
Em ngồi chăm chút khung thổ cẩm
Dệt ước mơ hồng lên tấm chăn...”
(Lên Na Hang)
“Hàm Yên quê hương mình
Sao mà yêu, mà nhớ
Đất với người muôn thuở
Nặng sâu bao ân tình”
(Ân tình Hàm Yên)
Hay trong những câu thơ da diết, bổng trầm những sắc màu, thanh âm quấn quyện viết về Tuyên Quang:
“Anh biết bây giờ thị xã Tuyên Quang.
Hoa phượng đỏ, hoa bằng lăng tím phố.
Chuông nhà thờ vang ngân từ núi Cố.
Tiếng ve đường gốc Nhội hòa ca...”
(Nhớ về nơi em)
“Tuyên Quang ngày ấy, hôm nay.
Vẫn vang tiếng rừng, tiếng suối.
Tiếng của lòng em mong đợi.
Thủy chung tình nghĩa nặng đầy”
(Về Tuyên)...
Với 5 tập thơ đã xuất bản: Lời ru giăng mắc (1992); Tua rua trên núi (2001); Đợi trăng (1999); Tiếng lá rừng (2002); Hoa lòng (2013) cùng nhiều bài thơ in chung trong các tuyển tập, các bài thơ đăng báo... đến nay nhà thơ Ngọc Hiệp đã giữ kỷ lục với 59 “đứa con tinh thần” đã được các nhạc sỹ Trung ương, địa phương yêu mến phổ nhạc thành các ca khúc trữ tình, các bài ca dao được phổ theo các làn điệu dân ca như hát Chèo, Trống quân, Cò lả... phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ngoài thơ, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ, nhà báo Ngọc Hiệp cũng tích cực viết tùy bút, bút ký, phóng sự... cộng tác gửi các báo Việt Nam độc lập, văn nghệ Việt Bắc, Đài Phát thanh khu tự trị Việt Bắc... Những nỗ lực đó đã đặt tiền đề vững chắc để ông gặt hái những mùa quả ngọt sau này. Năm 2013, ông đã đoạt Giải A cuộc thi Thơ lục bát tỉnh Tuyên Quang. Tác phẩm “Bác ở bản Chương”, ông được trao Giải B giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2010 Tác phẩm “Bác ở Tân Trào” đoạt giải B của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. “Thiện Kế đất gọi mùa xuân” được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giải tại cuộc thi Báo chí tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; Bút ký “Qua dốc Cai Kèn” của ông đoạt giải B của Hội VHNT tỉnh... cùng nhiều giải thưởng của các sở, ngành trao tặng. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi năm 2015, ông vinh dự được tỉnh trao tặng Giải thưởng Tân Trào. Đặc biệt, thơ ông đã được nhóm giảng viên Đại học Tân Trào chọn là đề tài nghiên cứu khoa học “Thế giới nghệ thuật trong thơ Ngọc Hiệp” đưa vào giảng dạy trong trường Đại học và Trung học phổ thông (chương trình văn học địa phương). Đây là tín hiệu vui, đồng thời cũng là nhịp cầu cho những vần thơ của ông bay cao, lan xa, đến được với đông đảo công chúng yêu thơ.
Gửi phản hồi
In bài viết