Công an xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) hỗ trợ Nhân dân tham gia góp ý về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng VNeID.
Cùng với cả nước, công tác lấy ý kiến Nhân dân sửa đổi, bổ sung Hiến pháp qua ứng dụng VNeID được cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang quan tâm, coi đây là sự kiện chính trị sâu rộng của toàn xã hội. Đồng thời, là dịp để huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Theo Thượng tá Đặng Đình Cường, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh: Đây là điểm nổi bật, cũng là lần đầu tiên Quốc hội cho phép lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp qua ứng dụng VNeID. Đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an toàn tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện góp ý sửa đổi Hiến pháp bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ. Toàn tỉnh phấn đấu đến ngày 25-5, 100% công dân đã cài VNeID, ở mức độ 2 (gần 400 nghìn công dân) tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp qua VNeID.
Cùng với đó, Công an tỉnh đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã phối hợp, đề nghị chỉ đạo tuyên truyền rộng rãi trên tất cả các kênh thông tin để 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, vận động thân nhân trong gia đình và người thân, tham gia ý kiến vào sửa đổi Hiến pháp qua ứng dụng VNeID mức 2. Điều đáng mừng là qua hơn 1 tuần thực hiện, việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp qua VNeID đã được sự hưởng ứng tích cực từ người dân.
Chị Triệu Thị Văn, dân tộc Dao, thôn Thắng Bình, xã Hùng Đức (Hàm Yên) cho biết: “Vừa qua, Công an xã đến tận thôn hướng dẫn tôi và mọi người tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp trên VNeID. Chỉ với chiếc điện thoại, tôi thực hiện thao tác đóng góp ý kiến qua VNeID rất dễ dàng, chỉ vài phút là xong. Tôi thấy việc góp ý sửa đổi Hiến pháp rất cần thiết, giúp người dân có thể nói lên được nguyện vọng của mình. Lực lượng Công an xã cũng giúp tôi tích hợp thêm thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe… trên VNeID, giúp tôi khi khám bệnh, làm thủ tục hành chính được thuận tiện, không phải mang nhiều giấy tờ”.
Vừa được lực lượng Công an xã, đoàn xã hướng dẫn đóng góp ý kiến vào sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VNeID, anh Lò A Lánh, dân tộc Mông, xã Xuân Lập (Lâm Bình) bày tỏ sự hài lòng: Đa số người dân đều có điện thoại thông minh rồi nên việc đóng góp ý kiến vào sửa đổi Hiến pháp qua VNeID sẽ tạo thuận lợi tối đa cho người dân.
Theo quy định và lộ trình, sau khi lấy ý kiến người dân qua ứng dụng VNeID, Bộ Công an sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng rồi chuyển đến Ban soạn thảo và chuyển đến Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc ứng dụng nền tảng công nghệ số (ứng dụng VNeID) vào việc lấy ý kiến giúp Nhân dân dễ dàng, thuận lợi tham gia đóng góp ý kiến bảo đảm dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, chất lượng và tiết kiệm. Đồng thời, qua đó tuyên truyền, đấu tranh, phản bác những thông tin giả, xấu, độc ảnh hưởng tiêu cực trên không gian mạng liên quan đến chủ trương và quá trình triển khai lấy ý kiến Nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết