67: Kalidou Koulibaly phải chờ tới lần thứ 67 khoác áo đội tuyển quốc gia mới có bàn thắng đầu tiên của mình cho Senegal ở World Cup, và thời điểm để ghi bàn cũng thực sự đáng nhớ đối với cầu thủ của Chelsea.
Kalidou Koulibaly (số 3) cùng đồng đội ăn mừng bàn thắng vào lưới Ecuador. (Ảnh: Reuters)
Cú vô-lê thành bàn của Koulibaly đã giúp “Những chú sư tử Teranga” giành chiến thắng 2-1 trước Ecuador để có suất vào vòng loại trực tiếp. Chiến thắng của Senegal đã chấm dứt chuỗi 21 trận không thắng của các đội bóng châu Phi trước các đối thủ Nam Mỹ tại World Cup (17 trận thua, 4 trận hòa), với trận thắng gần nhất là chiến thắng 2-1 kịch tính của Cameroon trước Colombia tại World Cup Italia 1990.
44: Là từng ấy năm đã trôi qua kể từ lần gần nhất Mexico bị loại ngay từ vòng bảng World Cup cho đến khi đội bóng của huấn luyện viên Gerardo Martino gục ngã ngay ở rào cản đầu tiên tại Qatar.
“El Tri” chỉ bị loại ở vòng 1/8 trong 7 lần dự vòng chung kết World Cup liên tiếp, trong khi vào năm 1986, họ để thua Tây Đức trên chấm luân lưu ở tứ kết. Ở kỳ World Cup năm nay, Luis Chavez lập kỷ lục khi trở thành cầu thủ Mexico đầu tiên ghi bàn từ pha đá phạt trực tiếp tại World Cup.
39: Ra sân trong trận đấu với Maroc ở tuổi 39 và 296 ngày, tiền vệ Atiba Hutchinson của Canada trở cầu thủ lớn tuổi thứ hai từng thi đấu tại World Cup.
Atiba Hutchinson (bìa phải) tập luyện cùng đồng đội. (Ảnh: Reuters)
Vị trí này từng thuộc về huyền thoại Angel Labruna của Argentina, khi ra sân ở trận thua Tiệp Khắc tại World Cup 1958. Trong khi đó, tiền đạo Roger Milla của Cameroon là cầu thủ nhiều tuổi nhất từng thi đấu ở World Cup, khi ra sân ở tuổi 42 tại World Cup 1994.
36: Marcus Rashford đã ghi 3 bàn chỉ sau 109 phút thi đấu cho tuyển Anh ở World Cup lần này - tức trung bình cứ sau 36 phút thi đấu thì tiền đạo của Manchester United lại ghi 1 bàn.
Trong khi đó, khoảng cách giữa bàn mở tỷ số của Rashford và bàn nhân đôi cách biệt của Phil Foden trong chiến thắng 3-0 trước Xứ Wales chỉ là 96 giây - kỷ lục mới về khoảng cách ngắn nhất giữa các bàn thắng của tuyển Anh trong lịch sử World Cup.
Điều đó có nghĩa là kỷ lục cũ - khoảng cách 145 giây giữa các bàn thắng của Bukayo Saka và Raheem Sterling trong trận thắng Iran 6-2 ngày ra quân - chỉ tồn tại trong 8 ngày.
8: Cameroon đã thua 8 trận liên tiếp ở 8 thành phố trong 3 kỳ World Cup cho đến khi họ có được trận hòa ngoạn mục 3-3 ở lượt trận thứ hai. Bị Serbia dẫn trước 3-1, các bàn thắng chớp nhoáng của Vincent Aboubakar và Maxim Choupo-Moting đã giúp “Những chú sư tử bất khuất” tránh việc cân bằng kỷ lục 9 trận thua liên tiếp của Mexico, kéo dài từ World Cup 1930 đến 1958.
Cameroon (áo xanh) thi đấu kiên cường để ngược dòng cầm hòa Serbia 3-3. (Ảnh: Reuters)
Hai bàn thắng đó của Cameroon đến cách nhau trong vòng 151 giây. Đó là thời gian nhanh nhất mà 1 đội gỡ được 2 bàn thua để tái lập thế cân bằng trong lịch sử World Cup, kể từ khi Áo làm được điều đó trước Thụy Sĩ trong trận đấu có tỷ số cao nhất lịch sử giải đấu vào năm 1954 (Áo thắng Thụy Sĩ 7-5 tại tứ kết).
7: Tây Ban Nha đã ghi tới 7 bàn thắng trong 7 cú sút trúng đích đầu tiên về phía cầu môn Costa Rica - một hiệu suất ghi bàn đáng kinh ngạc. Trận đấu cũng kết thúc với tỷ số chung cuộc 7-0, mang đến cho “La Roja” kỷ lục chiến thắng có cách biệt lớn nhất từ trước đến nay tại World Cup.
Các cầu thủ Tây Ban Nha ăn mừng trong chiến thắng đậm 7-0 trước Costa Rica. (Ảnh: Reuters)
Và thật khó tin, hiệu số bàn thắng-bại của họ trong trận đấu đó lại lớn hơn tổng hiệu số bàn thắng-bại trong cả 7 trận đấu đã đưa Tây Ban Nha lên ngôi vô địch World Cup 2010 ở Nam Phi.
Tây Ban Nha đã hoàn thành đúng chuẩn xác con số 1.000 đường chuyền trong trận đấu với Costa Rica, trở thành đội đầu tiên trong lịch sử World Cup đạt được con số đó trong 1 trận đấu 90 phút.
Trong khi đó, bốn cầu thủ trẻ Alejandro Balde, Gavi, Pedri và Nico Williams đã giúp bóng đá châu Âu lần đầu tiên có 1 đội tung vào sân 4 cầu thủ dưới 21 tuổi trong 1 trận đấu World Cup, kể từ khi Nam Tư làm được điều tương tự cách đây 92 năm.
5: Cristiano Ronaldo trở thành cầu thủ đầu tiên ghi bàn ở 5 kỳ World Cup khi anh lập công trong chiến thắng 3-2 trước Ghana. Uwe Seeler, Pele, Miroslav Klose và Lionel Messi là các cầu thủ đã ghi bàn trong 4 kỳ World Cup.
Cristiano Ronaldo ghi bàn mở tỷ số từ chấm phạt đền cho Bồ Đào Nha trong trận đấu với Ghana. (Ảnh: Reuters)
Các chân sút từng lập công ở 3 kỳ World Cup gồm Grzegorz Lato, Andrzej Szarmach, Michel Platini, Karl-Heinz Rummenigge, Diego Maradona, Lothar Matthaus, Rudi Voller, Roberto Baggio, Jurgen Klinsmann, Gabriel Batistuta, Fernando Hierro, Henrik Larsson, Raul, Ronaldo, Tim Cahill, Arjen Robben, David Villa , Edinson Cavani và Luis Suarez.
5: Trong khi đó, Lionel Messi trở thành cầu thủ đầu tiên có các pha kiến tạo ở 5 kỳ World Cup, khi anh kiến tạo cho Enzo Fernandez ghi bàn ấn định chiến thắng 2-0 của Argentina trước Mexico.
Messi ăn mừng trong trận đấu với Mexico. (Ảnh: FIFA)
“La Pulga” trước đó đã kiến tạo cho Hernan Crespo ở World Cup 2006, Carlos Tevez năm 2010, Angel Di Maria năm 2014, và Gabriel Mercado và Di Maria ở World Cup 2018.
Chưa từng có cầu thủ nào có pha kiến tạo trong hơn 3 kỳ World Cup. Ngoài Messi, mới chỉ có Grzegorz Lato, Diego Maradona và David Beckham là những cầu thủ đã từng kiến tạo trong 3 kỳ World Cup.
3: Harry Kane đang tạm thời dẫn đầu danh sách kiến tạo tại World Cup lần này với 3 pha kiến tạo. Tiền đạo người Anh đã giành được danh hiệu Chiếc giày vàng dành cho cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất ở kỳ World Cup năm 2018, nhưng lại không có bất kỳ pha kiến tạo nào trong gần 10 giờ thi đấu tại Nga cách đây 4 năm.
Harry Kane sau trận đấu vòng bảng với Iran. (Ảnh: Reuters)
Đồng thời, Kane đã trở thành cầu thủ Anh thứ hai có 3 pha kiến tạo tại 1 kỳ World Cup, sau David Beckham tại giải đấu ở Hàn Quốc và Nhật Bản năm 2002. Jordi Alba, Bruno Fernandes, Theo Hernandez, Davy Klaassen, Ivan Perisic và Andrija Zivkovic mỗi người có 2 pha kiến tạo.
3: Với bàn thắng ấn định thắng lợi 1-0 cho Tunisia vào lưới Pháp, Wahbi Khazri trở thành cầu thủ châu Phi đầu tiên ghi bàn trong 3 lần liên tiếp tham dự World Cup. Trước đó, tiền vệ sinh năm 1991 từng ghi bàn vào lưới Bỉ và Panama tại World Cup 2018.
Cầu thủ 31 tuổi này hiện đã tham gia trực tiếp vào 5 bàn thắng gần nhất của Tunisia tại đấu trường World Cup, sau khi kiến tạo cho Dylan Bronn và Fakhreddine Ben Youssef ở giải đấu 4 năm trước.
2: Wojciech Szczesny trở thành cầu thủ thứ tư tại World Cup cản phá được nhiều quả phạt đền nhất ngoài loạt sút luân lưu. Thủ môn người Ba Lan đã cản phá được các quả penalty của Salem Aldawsari và Messi ở giải đấu lần này.
Wojciech Szczesny cản phá thành công pha đá phạt đền của Lionel Messi. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, Jan Tomaszewski, Brad Friedel và Iker Casillas là những thủ môn đã cản phá được 2 quả phạt 11m trong thời gian thi đấu chính hoặc hiệp phụ tại World Cup.
Ngoài ra, pha đá hỏng 11m ở trận gặp Ba Lan, Messi cũng trở thành cầu thủ thứ hai, sau Asamoah Gyan, không thể ghi bàn trong 2 quả phạt đền ở các vòng chung kết World Cup (không tính đá luân lưu 11m).
Gửi phản hồi
In bài viết