Đồng chí Nguyễn Duy Hậu, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Vân Giang, xã Xuân Vân (Yên Sơn) thăm mô hình làm bánh gia truyền của Nhân dân.
Đồng chí Phạm Văn Luân, sinh năm 1993 là một trong nhiều bí thư chi bộ trẻ ở xã Yên Lâm (Hàm Yên). Anh Luân được bầu làm bí thư chi bộ thôn Km 65 từ tháng 7 - 2022. Tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh Luân quyết định về quê hương lập nghiệp, phát triển kinh tế rồi trở thành đảng viên của thôn. Vừa có trình độ, lại năng động, gương mẫu trong mọi phong trào ở địa phương, anh được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ.
Từ khi đảm nhiệm cương vị này, lại là người trẻ, anh Luân luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc, từ đó làm gương trước quần chúng Nhân dân. Anh đã cùng chi bộ có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo. Khi nhận thấy một số hộ dân sinh sống gần cầu 65 thường xả rác bừa bãi xuống suối, anh đã cùng chi bộ lãnh đạo vận động các tổ chức đoàn thể xây dựng lò rác tập trung gần cầu và vận động mỗi hộ dân xây dựng một lò rác mini tại nhà. Gia đình anh đi đầu xây dựng trước, đến nay, 100% các hộ dân sinh sống gần cầu 65 đã có lò xử lý rác thải mini tại nhà. Năm 2023, anh còn tranh thủ uy tín của cán bộ nghỉ hưu, người cao tuổi trong thôn vận động 4 hộ hiến đất đồi, đất ruộng để xây cầu và làm đường theo Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh.
Khi trong thôn có một số diện tích cam sành cho kinh tế kém hiệu quả, anh Luân đã cùng chi bộ ban hành các kết luận lãnh đạo Nhân dân chuyển diện tích cam sành kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả khác như ổi, hồng xiêm, chuối ngự và các loại cây như keo, quế, ngô làm thức ăn gia súc.
Nói về hiệu quả hoạt động của các đồng chí bí thư chi bộ trẻ, đồng chí Sầm Văn Dinh, Bí thư Đảng ủy xã Yên Lâm, đại biểu HĐND tỉnh cho biết, Đảng bộ xã hiện có 14 chi bộ trực thuộc, đội ngũ bí thư chi bộ trẻ chiếm 35%. Họ đều là những người có trình độ chuyên môn được đào tạo bài bản, hàng năm được tham gia tập huấn, bồi dưỡng về lý luận chính trị, kỹ năng xây dựng Đảng cùng với tinh thần năng động, sáng tạo, những bí thư chi bộ trẻ đã mang đến “luồng gió mới”, đóng góp thiết thực thông qua lãnh đạo các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động ở cơ sở.
Đồng chí Quan Ngọc Tỏa, Bí thư chi bộ thôn Bản Tấng, xã Phúc Yên (Lâm Bình) sâu sát, hướng dẫn Nhân dân dự trữ thức ăn cho gia súc khi thời tiết rét đậm, rét hại.
Những ngày thời tiết rét đậm, rét hại, đồng chí Bí thư chi bộ Quan Ngọc Tỏa, sinh năm 1993, thôn Bản Tấng, xã Phúc Yên (Lâm Bình) thường xuyên đến các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm ở trong thôn để hướng dẫn, vận động các hộ quây chuồng trại, dự trữ thức ăn cho trâu, bò, lợn để phòng chống đói rét cho gia súc, gia cầm. Anh Tỏa làm bí thư chi bộ từ tháng 8 - 2021 đến nay. Là thôn còn nhiều khó khăn, khi được bầu làm bí thư chi bộ, anh Tỏa luôn trăn trở làm gì để nâng cao đời sống của Nhân dân.
Bởi vậy, với sức trẻ của mình, anh Tỏa dành nhiều thời gian xuống với các hộ dân, nắm chắc tình hình sản xuất trong Nhân dân để đề xuất trước chi ủy, chi bộ trong các cuộc họp. Nhận thấy tiềm năng nuôi lợn đen có thể mang lại giá trị kinh tế cao, có đầu ra ổn định, anh đã vận động 12 đảng viên trong chi bộ nuôi lợn đen. Từ đó nhân rộng ra toàn thôn, đến nay, Bản Tấng đã thành lập được một nhóm cùng sở thích nuôi lợn đen với 25 thành viên tham gia, mỗi hộ bình quân từ 10 đến 30 con lợn đen. Bước đầu, anh vận động các hộ nuôi dê, nuôi trâu, bò và gia cầm, trồng thêm cây mỡ, cây quế để nâng cao thu nhập gia đình.
Ở thôn Vân Giang, xã Xuân Vân (Yên Sơn), nhắc đến Bí thư chi bộ, trưởng thôn trẻ Nguyễn Duy Hậu không ai là không biết. Anh Hậu làm trưởng thôn gần chục năm rồi được bầu làm bí thư chi bộ hơn 1 năm nay. Nhiều năm liền, chi bộ Vân Giang không kết nạp được đảng viên nhưng từ khi anh Hậu làm bí thư chi bộ đã kết nạp được 2 đảng viên mới. Trước đây, một số hộ trong thôn không duy trì được nghề làm bánh, làm bún và đậu gia truyền do đầu ra khó khăn.
Là người trẻ, thành thạo công nghệ thông tin, anh Hậu đã hướng dẫn các hộ tận dụng lợi thế của mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ các loại bánh, đậu và bún. Anh còn trực tiếp kết nối để các sản phẩm của làng nghề Vân Giang được trưng bày tại các hội chợ của huyện, tỉnh và các địa phương ngoài tỉnh. Nhờ đó đã vận động được nhiều hộ quay trở lại với nghề làm bánh truyền thống. Ông Trịnh Văn Đức, hộ làm bánh gia truyền ở thôn Vân Giang cho biết: “Nghe theo lời bí thư chi bộ Nguyễn Duy Hậu, gia đình tôi không chỉ cung cấp các loại bánh cho các chợ, thương lái mua lẻ ở các xã quanh đây mà còn biết bán trên zalo, facebook. Nhờ đó, bánh gia truyền của gia đình tôi như bánh gai, bánh tẻ còn được cung cấp đi xa hơn, được nhiều người biết tới”.
Đồng chí Lê Hồng Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân khẳng định, đội ngũ bí thư chi bộ trẻ đã có những cách làm mới trong công tác lãnh đạo các công việc ở thôn. Công tác vận động, nắm bắt tình hình sâu sát hơn, việc triển khai các nghị quyết, chủ trương từ cấp trên nhanh hơn. Do đó đã tạo ra những thuận lợi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền xã.
Từ thực tế hoạt động của đội ngũ bí thư chi bộ trẻ ở các địa phương thời gian qua đã khẳng định những đóng góp của tuổi trẻ khi được đảng viên bầu làm Bí thư chi bộ. Nhằm phát huy hơn nữa vai trò, sức sáng tạo của bí thư chi bộ trẻ, cấp ủy cấp trên cần quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện, tạo điều kiện để đội ngũ này cống hiến, sáng tạo và dám đổi mới nhiều hơn trong công tác lãnh đạo.
Gửi phản hồi
In bài viết