Chùa trên đảo Trường Sa lớn.
Trong chuyến thăm Trường Sa năm 2019, chúng tôi được Thượng tọa Thích Giác Nghĩa, Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa cho biết, quần đảo Trường Sa có 6 ngôi chùa trên 6 đảo nổi. Và chuyến đi của chúng tôi đã đến được các chùa trên đảo Trường Sa lớn, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn.
Chùa Trường Sa Lớn tọa lạc giữa khu trung tâm trên đảo Trường Sa lớn. Khuôn viên chùa khá rộng, vuông vức. Gian chính điện chùa Trường Sa Lớn có pho tượng Phật bằng đá quý mầu trắng, gốc là Phật ngọc chùa Vàng ở Myanmar, là món quà của Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng đã tặng lại nhà chùa. Khuôn viên chùa ngát hương hoa sứ, hoa mộc và vô số các loài lan do các nhà sư và bộ đội mang ra từ đất liền. Trong khung cảnh ấy, chúng tôi được sư thầy viết tặng thư pháp và những chuỗi vòng gỗ đã được trì chú, cầu sức khỏe, bình an. Sau này, khi đã trở về đất liền, chúng tôi đã gửi tặng thêm nhiều giấy viết thư pháp và giống lan quý ra đảo.
Bia chủ quyền xưa nhất đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia trong khuôn viên chùa trên đảo Nam Yết.
Trên đảo Nam Yết có ngôi chùa Nam Huyên – cái tên hàm nghĩa là “mái che tâm hồn con người, che hồn dân tộc Việt Nam”. Chùa có hệ thống tượng Phật bằng chất liệu đá ngọc quý tạo nên sự bền vững, phù hợp với ngôi chùa ở vùng biển Đông. Khung chùa được làm hoàn toàn bằng các loại gỗ có chất lượng tốt, đặc biệt hệ thống cửa gỗ được thiết kế đẹp mắt và rất chắc chắn. Những viên gạch tại chùa Nam Yết đều in hình Quốc huy, khẳng định chủ quyền dân tộc. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa có bia chủ quyền được xây bằng vôi vữa, trong diện tích xấp xỉ 16m2, hiện đã bị mất phần chóp, chỉ còn phần thân cao 1,32m. Trải qua thời gian cùng những biến động của lịch sử, đến nay chỉ có đảo Nam Yết và đảo Song Tử Tây còn tồn tại bia chủ quyền cũ nhất được bảo tồn, xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. TRong không gian tĩnh lặng của ngôi chùa giữa biển khơi, ai cũng nghĩ như mình đang ở đất liền, trào dâng niềm thương mến, tự hào về biển đảo quê hương.
Trong khuôn viên chùa Sinh Tồn có tấm bia đá, phương danh chi tiết 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3 năm 1988.
Tại đảo nổi Sinh Tồn, có ngôi chùa nằm sát cạnh khu dân cư của đảo, là nơi nương tựa tinh thần, chốn tâm linh để người dân ngưỡng vọng, thờ phụng đức Phật. Mỗi ngày rằm, mùng một hay dịp lễ Tết, cán bộ chiến sỹ và những người dân trên đảo, ngư dân đánh bắt cá trong vùng thường đến chùa thắp hương cầu sức khỏe, bình an; tìm phút thanh thản cho vơi nỗi nhớ đất liền. Trong khuôn viên chùa Sinh Tồn có nơi thờ cúng tri ân những liệt sỹ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trong đó có 64 anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh tại Gạc Ma năm 1988. Nhiều chị trong Đoàn công tác của chúng tôi đã chuẩn bị lễ từ nhà, nhanh chóng tổ chức 1 khóa lễ cầu siêu cho các liệt sỹ tại đây.
Chùa Sinh Tồn trong khuôn viên rợp bóng cây.
Những ngôi chùa trên Quần đảo Trường Sa đều có đặc điểm chung là xây dựng theo phong cách truyền thống, một gian hai chái, hay ba gian hai chái, mái cong có đầu đao hình sóng biển, sử dụng nhiều loại gỗ quý chịu được độ mặn của nước biển. Đặc biệt, tất cả các chùa đều hướng về thủ đô Hà Nội, hướng về trái tim của cả nước. Cửa võng, hoành phi, câu đối các chùa đều được viết bằng chữ quốc ngữ, sơn son thếp vàng. Những câu đối ở các chùa trên Quần đảo Trường Sa đều mang ý nghĩa sâu sắc, như: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/ Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ”; “Cá đọc kệ được thành tiên/ Rồng nghe kinh mà mộ đạo”; “Mây lành che Đông hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử”; “Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam/ Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh”… Tất cả đều thể hiện chủ quyền thiêng liêng của đất Việt.
Bài thơ Thần trong am thờ Lý Thường Kiệt trên đảo Đá Tây A.
Ngoài các chùa, trên nhiều đảo còn có các chốn tâm linh như tượng thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo trên đảo Nam Yết, Am thờ Lý Thường kiệt trên đảo Đá Tây A, Đền thờ Bác Hồ trên đảo Trường Sa lớn. Giữa sóng nước trùng khơi, sự hiện diện của những chốn tâm linh ấy chính là sự hiện diện của truyền thống tâm linh nước Việt, đồng thời là cột mốc minh chứng biển đảo là một phần đất nước Việt từ nghìn xưa và mãi mãi mai sau.
Gửi phản hồi
In bài viết