Tôi nhớ hình ảnh người bà dân tộc nhai trầu bỏm bẻm trong chiếc miệng đã không còn mấy chiếc răng, vừa chuyện trò với hàng xóm, vừa dõi mắt theo mấy đứa cháu đang hò nhau chạy xe đạp trên đường. Con trai và con dâu bà đều là công nhân ở Bắc Ninh. 3 đứa cháu trứng gà trứng vịt để lại cho bà nuôi. Mùa đông trông cháu còn dễ, mùa hè, lũ trẻ hay rủ nhau ra suối gần nhà tắm mát, bà cũng phải đi theo, mắt không dám rời đứa nào, sợ lỡ đâu bất trắc xảy ra.
Người bà không sõi tiếng phổ thông, không biết chữ. Bà chỉ thuần làm nhiệm vụ trông cháu mà không thể dạy, cũng không dám đánh mắng nhiều. Có lẽ vì thế mà đứa cháu lớn đã “đúp” lại thêm 1 năm lớp 4. 2 đứa em cũng không khá khẩm hơn.
Chưa có thống kê đầy đủ về việc có bao nhiêu đứa trẻ phải sống với ông bà để bố mẹ đi làm ăn xa. Nhưng không ít những ngôi làng đang tồn tại như ngôi làng ven thành phố của người bà dân tộc ấy. Đám thanh niên đã rời khỏi nhà, đi kiếm tiền. Người đi Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, xa hơn thì vào hẳn miền Nam… Làng chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Không chỉ khó khăn trong việc bảo ban cháu học, những người ông, người bà có khi cả đời chưa rời luỹ tre làng ấy còn phải đối mặt với nhiều nỗi lo hơn khi phải nuôi lớn một đứa trẻ của thời đại trí tuệ nhân tạo, thời đại Tiktok, Facebook lên ngôi. Một nhiệm vụ quá sức.
Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không đủ chi trả những nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống. Ở Tuyên Quang, hơn 7,6 nghìn lao động đi làm việc các tỉnh, thành phố trong nước và gần 700 lao động đi làmg việc tại nước ngoài là con số của năm 2022. Hình ảnh những chiếc xe máy chạy thành đoàn rời thành phố sau mỗi mùa xuân đang trở nên thân thuộc hơn bao giờ hết. Những chiếc xe máy chỉ một người, buộc chằng phía sau hành lý gọn nhẹ. Có xe là hai vợ chồng. Gần như không có chiếc xe nào mang theo trẻ nhỏ. Những đứa trẻ phải ở lại quê.
Hệ luỵ của những đứa trẻ xa mẹ đã có. Khi còn nhỏ, là câu chuyện 2 năm một lớp như đứa cháu của người bà dân tộc. Khi đứa trẻ dậy thì, sẽ còn nhiều hệ luỵ đáng lo hơn.
Người bạn tôi vừa quyết định về quê tìm việc làm ở một nhà máy gần nhà – dù mức lương thấp hơn nhiều so với mức lương ở thành phố lớn – sau khi cô con gái phát hiện có thai ngoài ý muốn dù mới đang học lớp 11. Thiếu tình thương của mẹ, không có người chia sẻ, định hướng khiến câu chuyện yêu đương trong sáng của tuổi học trò rơi vào bi kịch. Bạn tôi bảo, gần chục năm xa con, gửi con lại cho ông bà nuôi, những năm con còn bé, mỗi lần điện thoại về còn nghe tiếng con khóc lóc nhớ mẹ, nhưng càng ngày, niềm thương nhớ ấy càng ít lại. Mỗi năm, con lại ít nói hơn một chút, ít chia sẻ hơn một chút. Sau này, chỉ thấy con chủ động nhắn tin cho mẹ khi cần tiền mua sắm thêm một món đồ gì đó. Đợt Tết vừa rồi, về nhà thấy con có biểu hiện khác lạ, mới phát hiện ra sự cố đau lòng kia. Bạn tôi day dứt mãi, bởi với cô đây là nỗi ân hận lớn nhất của một người mẹ, khi không được ở gần con lúc chúng cần mình nhất.
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội đã chỉ ra rằng, sự phát triển bền vững về kinh tế của một cộng đồng chỉ có thể được tạo lập khi xung quanh các khu công nghiệp phát triển ở đó có nhiều trường học mọc lên. Không có gì tốt hơn cho một đứa trẻ là việc được sống cùng cha mẹ. Thế nhưng, tại các khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở dành cho công nhân, người thu nhập thấp còn thiếu các công trình hạ tầng giáo dục (trường mầm non, trường tiểu học), trạm y tế… còn thiếu, xuống cấp và quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 126/CĐ-TTg về việc tập trung kiểm tra, rà soát và đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, đô thị.
Hi vọng rằng, sau những nỗ lực cải thiện chính sách tiền lương, những chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động, cộng với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về xây dựng trường học, y tế tại các khu, cụm công nghiệp… hình ảnh những đứa trẻ thiếu mẹ ở các vùng nông thôn sẽ ngày càng ít đi.
Sau mỗi mùa xuân, sẽ là những đứa trẻ rạng rỡ cùng mẹ cha lên thành phố, thay vì những cái vẫy tay chào hẹn gặp lại!
Gửi phản hồi
In bài viết