Những khung cửi cổ ở Thượng Lâm

- “Khung cửi kẽo kẹt ngày đêm/Sợi tơ óng ả, ấm êm cửa nhà”, câu ca dao quen thuộc về khung cửi đã đi vào tiềm thức người Tày Thượng Lâm (Lâm Bình). Những chiếc khung cửi truyền qua bao thế hệ nơi đây, được ví như người bạn tâm giao, kẽo kẹt theo năm tháng lắng nghe biết bao tâm tình buồn vui của các bà, các mẹ nơi đây.

Nơi trú ngụ của “me phái”

Trong căn nhà sàn của bà Hoàng Thị Mến, một người phụ nữ Tày đã ngoài 70 tuổi ở thôn Nà Tông, chiếc khung cửi cũ kỹ nằm ở một góc nhà. Thân gỗ phai màu theo thời gian, những vết sờn cũ in hằn dấu tay của bao nhiêu thế hệ phụ nữ trong gia đình. Bà Mến chậm rãi vuốt ve khung cửi, đôi mắt ánh lên vẻ trìu mến: "Cái khung cửi này là của bà tôi để lại. Từ khi tôi còn bé đã thấy nó ở đây rồi. Nó còn hơn cả tuổi đời tôi đấy!”.

Hiện nay, nhiều gia đình ở Lâm Bình vẫn còn giữ nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Cảnh Trực

Hiện nay, toàn xã Thượng Lâm có gần 30 khung cửi có tuổi đời trên 50 năm. Những khung cửi trải qua nhiều đời như minh chứng về sự trao truyền nét văn hóa, phong tục dệt thổ cẩm, giữ gìn bản sắc của người Tày nơi đây. Bà Nông Thị Định, thôn Nà Lung chia sẻ: “Khung cửi gia đình tôi có tuổi đời trên 70 năm. Ở đây nhà nào sở hữu khung cửi gia truyền như thế này thì tự hào lắm vì được mọi người nể trọng. Bởi đó là minh chứng gia đình đó rất nền nếp và những người phụ nữ đảm đang, khéo léo, chịu thương, chịu khó”.

Vậy nên ẩn sau vẻ ngoài mộc mạc, những khung cửi cổ của người Tày Thượng Lâm được trân trọng như báu vật. Người Tày tin rằng, mỗi khung cửi đều có vía riêng, là nơi trú ngụ của "me phái" nghĩa là mẹ vải - vị thần linh bảo hộ cho nghề dệt. Vì vậy, từ khi bắt đầu làm một chiếc khung cửi đến khi sử dụng và bảo quản khung cửi luôn được người Tày thực hiện một cách đầy sự cẩn trọng và tôn kính, có những kiêng cữ khác lạ.

Bà Hoàng Thị Hiểu một người già ở thôn Nà Bản tiết lộ, để có một khung cửi bền đẹp, chắc chắn thì nhất định phải xem ngày khi bắt đầu chọn gỗ, khi bắt tay dựng khung cửi, ngày đón khung cửi vào nhà đến ngày dệt vải đầu tiên. Khung cửi là vật dụng quan trọng nên việc này phải cẩn thận, chọn ngày đẹp, tránh ngày mất của ông, bà, bố, mẹ, ngày kiêng kỵ của dòng họ. Đặc biệt, trước ngày đón khung cửi và ngày bắt đầu dệt, người Tày sẽ báo cáo tổ tiên, thắp hương cầu khấn "Me phái" ban cho đôi tay khéo léo, dệt nên những tấm vải đẹp.

Người Tày Thượng Lâm quan niệm, khung cửi là vật dụng mang đến phong thủy tốt, làm ra vải vóc, sự thịnh vượng, thuận hòa cho mỗi gia đình người Tày. Vào những ngày đầu năm mới, khung cửi thường được dán giấy đỏ để tạo vía lành, cầu cho khung cửi được hoạt động thông suốt quanh năm, dệt nên nhiều vải vóc, làm đẹp cho các thành viên trong gia đình.

Bí quyết giữ gìn khung cửi lâu đời

Người Tày rất có ý thức gìn giữ những khung cửi. Nếu chẳng may bị hư hỏng thì phải gọi người đến sửa ngay, tránh để khung cửi hỏng trong nhà thế nên nhà nào sở hữu được khung cửi cổ, gia truyền nhiều đời là điều may mắn.

Chị Ngô Thị Chín, thôn Nà Bản, xã Thượng Lâm bên khung cửi có tuổi đời trên 70 năm của gia đình.

Xưa nay, đàn ông người Tày thường đảm nhận làm ra những khung cửi và sửa chữa khung cửi bị hỏng. Ông Quan Văn Thận năm nay đã ngoài 70 tuổi, là một thợ mộc, chuyên đóng khung cửi lâu năm. Nhiều năm qua, ông đã sửa chữa và làm ra nhiều khung cửi với kích cỡ khác nhau.

Ông Thận bảo, muốn làm được bộ khung cửi chắc chắn, bền đẹp thì không chỉ khéo tay mà còn phải biết sáng tạo. Mỗi khung dệt có nhiều bộ phận khác nhau. Khi giăng sợi lên khung, ráp các bộ phận vào nhau thì khung dệt mới chính thức được hoàn thành.

Khung cửi của người Tày được cấu tạo từ nhiều bộ phận khác nhau như: khau, phứm, ống bu, cút nả phá, que tép đan hoa, con thoi, cán cáng, lép mở, lép cuốn. Người làm khung cửi phải biết quan sát để tìm ra những điểm mấu chốt nhằm tạo độ cân bằng, vững chắc cho bộ khung; đồng thời, kích thước và độ nặng nhẹ cũng phải phù hợp với từng thợ dệt.

Ông bảo: “Để làm ra một chiếc khung cửi bền thì cần phải có gỗ tốt, quan trọng nữa là thợ phải lành nghề, yêu nghề. Còn thợ sửa khung cửi thì cần phải có kinh nghiệm. Có người làm lâu năm rồi nên khi được nghe tiếng khung cửi lách cách là biết khung cửi đó làm bằng gỗ gì, đang chạy tốt hay hỏng hóc chỗ nào. Thường thì khung cửi làm bằng gỗ xoan, gỗ lát. Những chi tiết đắt giá trên khung cửi như con thoi và cán cáng được chế tạo bằng gỗ quý hiếm như gỗ sưa và gỗ gụ để tạo độ bền”.

Thợ làm và sửa chữa khung cửi ở Thượng Lâm không nhiều. Hiện nay toàn xã có khoảng 5 đến 10 thợ. Anh Quan Văn Vấn là thợ làm khung cửi trẻ nhất nhì xã nhưng anh rất thạo việc và có kinh nghiệm. Anh Vấn chia sẻ:  “Để khung cửi luôn hoạt động trơn tru và bền bỉ, người Tày Thượng Lâm có những bí quyết riêng trong việc bảo quản. Hầu hết các dụng cụ trên khung cửi thường bóng láng bởi chúng được thoa một lớp sáp ong. Việc đánh bóng này không chỉ giúp bảo vệ gỗ khỏi mối mọt mà còn có tác dụng hạn chế các sợi vải dính vào nhau hoặc bị rối trong quá trình dệt, giúp thao tác của người thợ trở nên thuận lợi, nhanh chóng và chính xác hơn”.

Bí quyết để giữ gìn khung cửi bền đẹp, lâu đời đó chính là tìm được vị trí đặt khung cửi hợp lý.  Chị Ngô Thị Chín chia sẻ: “Nhà tôi có khung cửi 4 đời, các cụ dặn dò rằng phải chọn những nơi khô ráo, thoáng đãng, tránh ánh nắng trực tiếp và những nơi ẩm thấp để đặt khung cửi. Điều này giúp khung cửi không bị cong vênh hay mục nát theo thời gian”.

Thế nhưng với những gia đình người Tày nơi đây, bí quyết quan trọng nhất, chính là sự trân trọng và ý thức gìn giữ của mỗi thành viên trong gia đình dành cho khung cửi. Bà Quan Văn Thắng, thôn Nà Bản bảo rằng, khung cửi không chỉ là một công cụ lao động mà còn là một “báu vật” tinh thần của mỗi gia đình. Việc sử dụng cẩn thận, thường xuyên lau chùi và bảo dưỡng khung cửi đã trở thành một nếp sống, một cách thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và những giá trị truyền thống”.

Nhờ những bí quyết giản dị này, những khung cửi cổ ở Thượng Lâm không chỉ tồn tại qua nhiều thế hệ mà còn tiếp tục "kể" câu chuyện về một phong tục dệt vải độc đáo, một minh chứng cho sự khéo léo và tinh thần gìn giữ bản sắc của người Tày.

Phóng sự: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục