Những điều ước thành hiện thực…
Gia đình ông Triệu Dư Minh, thôn Bến Đền có gần 1.000 gốc cam, chanh tứ thì trồng theo hướng hữu cơ. Ông bảo năm nay ăn Tết vui nhất đấy, có cây cầu mới, thương lái mua hàng thuận tiện, vì thế cam được mùa nhưng không mất giá. Vụ mùa năm nay, trừ chi phí gia đình được lãi gần 200 triệu đồng.
Cũng chung niềm vui đó chị Bàn Thị Minh, thôn Cầu Cao chia sẻ, vợ chồng chị sinh sống bên Cầu Cao thế nhưng lại làm việc, kinh doanh ở km 68 xã Yên Lâm. Trước đây phải đi lại, di chuyển bằng thuyền thế nhưng bây giờ có cây cầu mới thì chủ động và vui hơn rồi. Con cái đi học thuận tiện hơn nhiều. Ước mơ bao lâu nay đã thành hiện thực!
Đồng chí La Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Bạch Xa chia sẻ, cầu Bạch Xa có tổng chiều dài tuyến là trên 1.500 m. Cầu được thiết kế có mặt cắt ngang nền đường rộng 9 m. Khi cây cầu được xây dựng, khó có thể tả hết niềm vui mừng của người dân xã Bạch Xa. Bởi, suốt bao năm qua, cả trăm hộ dân tại đây gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, giao thương, vận chuyển hàng hóa, nông sản cũng vì con sông Lô ngăn cách. Thậm chí, đã có nhiều năm, đến mùa thu hoạch cam, thu hoạch chè, bà con mới thu xong nhưng gặp phải trời mưa liên tục, xe không vào chở kịp. Cũng vì thế, nông sản của bà con làm ra thường bị tư thương ép giá và người dân ở đây thiệt đơn, thiệt kép.
Cây cầu Bạch Xa.
Gặp chúng tôi tại quán nước ngay đầu cầu, ông Phàn Tiến Minh, thôn Đồn Bầu nở nụ cười hiền, nét mặt tươi vui khi nghe chúng tôi hỏi thăm về cây cầu. Ông bày tỏ niềm vui mừng khi được nhà nước quan tâm xây cho cây cầu bê tông cốt thép này. Không vui sao được, khi điều mong ước không chỉ của bản thân ông mà của hàng trăm người dân nơi đây đã thành hiện thực. Gia đình ông hiện có hơn 4 ha cam bên kia sông giờ không lo bị tư thương ép giá.
Không chỉ niềm vui với cây cầu mới, những con đường bê tông uốn lượn qua nương chè, đồi cam, những ngôi nhà xây đã xuất hiện nhiều hơn ở các xóm, bản vùng đất khó Bạch Xa.
Con đường bê tông dài 1.000 m vượt núi lên khu Lùng Cao của thôn Phù Hương vừa hoàn thành trong sự phấn khởi của nhân dân. Anh Nông Văn Tuấn, Trưởng thôn Phù Hương bảo, tuyến đường này không chỉ là con đường đi độc đạo của trên 30 hộ dân mà còn là con đường chuyên chở 50 ha hoa quả, 20 ha rừng.
Để làm tuyến đường này, nhà nào cũng sẵn sàng hiến đất, đóng góp vật chất. Riêng 17 hộ dân có đất canh tác, trồng hoa quả, rừng ở Lùng Cao đóng góp nhiều nhất, hộ ít đóng góp 14 triệu đồng, hộ nhiều lên tới 24 triệu đồng; đồng thời đường mở rộng đến đâu, hiến đất đến đó. Tổng đóng góp của thôn lên tới 310 triệu đồng.
Con đường bê tông liên thôn ở Ngòi Nung dài gần 3 km phẳng lỳ. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà xinh xắn, những vườn cam, nương chè, đồi keo xanh tốt. Chứng kiến hình ảnh các cháu nhỏ thảnh thơi đạp xe trên đường đi học về, xe ô tô chở hàng bon bon trên đường mới, anh Đặng Văn Điệm chủ hộ tiêu biểu hiến 250 m2 đất nâng cấp tuyến đường này không giấu được niềm vui. Anh Điệm xúc động nói: “Không chỉ riêng gia đình tôi mà hàng chục hộ khác đều thấy vui khi được hiến đất, góp phần tạo nên con đường đẹp rộng rãi. Ước mong những con đường bê tông sạch đẹp quanh bản làng đã thành hiện thực”.
Quả vậy, chạy xe bon bon trên những con đường bê tông vừa đưa vào sử dụng, chúng tôi cảm nhận Bạch Xa đã thay đổi nhiều. Hiện nay toàn xã có gần 7 km đường bê tông liên xã và gần 34 km đường bê tông liên thôn, đường ngõ, trục chính nội đồng. Năm vừa qua, xã có 75 hộ hiến đất với tổng diện tích 4.646 m2 để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường.
Người dân Bạch Xa (Hàm Yên) vui xuân đón Tết trên cây cầu mới.
Những cách làm giàu mới…
Ông Triệu Văn Bách, thôn Ngòi Nung là người đầu tiên mang cây cam sành về trồng ở đất Ngòi Nung. Bên cạnh cây cam sành là cây trồng mũi nhọn, ông Bách luôn đổi mới, linh hoạt tận dụng đất vườn tạp để trồng thêm cây chanh tứ mùa. Ông Bách chia sẻ: “Hiện nay, gia đình tôi có 2,5 ha cam và 1 ha chanh tứ mùa, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm”.
Hiện nay thôn Ngòi Nung có 116 hộ, trong đó có 80% số hộ dân trồng cây ăn quả. Điển hình như các hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quân, Đặng Văn Lăng, Triệu Văn Quế... trồng trên 3 ha cam và chanh, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Vườn cam Vinh của gia đình anh Bàn Văn Cao, dân tộc Dao của thôn Làng Ẻng mang đến cho gia đình nguồn thu không nhỏ. Được biết vườn cam này được 9 năm. Năm cao nhất thu được trên 500 triệu đồng. Anh chia sẻ: “Có sự đổi thay này, người dân chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước đầu tư cầu đường, vốn vay phát triển kinh tế, hỗ trợ giúp người dân vươn lên”…
Đồng chí La Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Bạch Xa chia sẻ, xác định tiêu chí thu nhập sẽ tạo nên sự bền vững trong xây dựng nông thôn mới nên Đảng ủy, UBND xã chú trọng thực hiện. Xã đã có nhiều mô hình thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, điển hình như mô hình VAC của anh Nguyễn Văn Quang, thôn Bến Đền; mô hình vườn cây ăn quả của anh Ngô Thanh Tân, thôn Ngòi Nung; mô hình nuôi dê của anh Trần Văn Thành, thôn Làng Ẻng...
Mô hình nuôi ốc của anh Nguyễn Văn Nắng, thôn Cầu Cao 2 là mô hình kinh tế được nhiều người đến tham quan, học hỏi. Với diện tích hơn 300 m2, năm 2018, anh Nắng chính thức bắt đầu làm quen với việc nuôi ốc nhồi. Với phương châm tự học, tự làm, anh tự mình lặn lội khắp các ao, hồ ở xã để nhặt ốc về làm giống. Anh lựa chọn cẩn thận những con ốc to, khỏe để đưa vào thả nuôi. Song song với đó, anh tích cực lên mạng Internet để tìm hiểu kiến thức, học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi. Nhờ đó, bước đầu anh đã có thu nhập ổn định.
Anh chia sẻ, ốc khá dễ nuôi, giá ốc thịt luôn giữ ổn định ở mức cao từ 70 đến 80 nghìn đồng/kg. Chỉ cần giá ốc thịt từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg là người nuôi đã có lãi khá. Từ kinh nghiệm của mình, anh đã tư vấn nhiều hộ dân trong thôn phát triển kinh tế từ mô hình này. Điển hình như hộ gia đình anh Trần Văn Duyên, Bàn Văn Thể...
Với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực của người dân, cuộc sống người dân xã Bạch Xa đang thay đổi tích cực từng ngày. Xã Bạch Xa nay đã về đích nông thôn mới. Đó là niềm vui động lực để bà con người Tày, Dao, Kinh, Mông… nơi đây nỗ lực thay đổi từng ngày.
Gửi phản hồi
In bài viết