Nơi mặt trận không tiếng súng - Bài 2: Đấu trí

Thành viên của hai Đoàn đại biểu quân sự ta là những người được lựa chọn kỹ càng từ các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, nhiều trường đại học, học viện... Chỉ hơn 30 giờ sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, những thành viên đầu tiên của ta đã có mặt ở Sài Gòn. Khó có thể hình dung được, chỉ một tháng trước đó, “siêu pháo đài bay” B-52 của Mỹ còn dội bom hủy diệt Hà Nội và Hải Phòng, mà nay Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phải đưa máy bay đón hai phái đoàn ta vào Sài Gòn.

>>> Bài 1: Trận địa kiên cường

Hai Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. (Ảnh: VIỆT DƯƠNG)

Hai Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. (Ảnh: VIỆT DƯƠNG)

Vị trưởng đoàn lịch thiệp

Bên cạnh Ban Liên hợp quân sự còn có Ủy ban Quốc tế kiểm soát và Giám sát việc thi hành Hiệp định Paris. Ủy ban nay gồm đại diện của 4 quốc gia: Hungary, Ba Lan, Indonesia và Canada. Là sĩ quan phiên dịch, ông Phan Đức Thắng có nhiều dịp phục vụ các thủ trưởng Đoàn làm việc với đối phương và đối tác.

Ông Thắng đặc biệt khâm phục phong độ điềm tĩnh, lịch thiệp ở tầm văn hóa cao của Trung tướng Trưởng đoàn Trần Văn Trà. Ông Thắng cho biết, truyền thông phương Tây đã mô tả: “Các vị tướng của Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều mặc quân phục với quân hàm, quân hiệu, dải huân chương và đội mũ cứng, trông rất trang trọng. Riêng ông Trà mặc bộ đồ mầu xanh lá cây bình dị, không đeo sao, không cài dải huân chương, không đội mũ cứng. Ông là vị tướng chiến đấu vừa từ rừng rậm ra thành phố Sài Gòn”.

Có một câu chuyện để lại ấn tượng sâu sắc, vừa như một bài học, vừa như một niềm vui của người chiến thắng. Ông Thắng đã kính phục và ngưỡng mộ sâu sắc phong thái ngoại giao hết sức tinh tế trên nền tảng chiều sâu văn hóa và lòng kiên định mục tiêu của vị tướng “vừa từ rừng rậm ra”. Bản lĩnh ấy đã khuất phục được đối phương, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp kỳ cựu.

Nâng tập hồi ký, ghi chép dày cộp trên tay, ông Thắng kể: Khoảng đầu tháng 3/1973, Hiệp định Paris đã thi hành được hơn một tháng nhưng chiến sự vẫn tiếp diễn do phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn rắp tâm phá hoại Hiệp định. Lẽ ra Ủy ban Quốc tế có đủ khả năng phát hiện những hành động phá hoại nêu trên và có quyền đưa ra kết luận, ngăn chặn hành động phá hoại Hiệp định và vãn hồi hòa bình, nhưng Ủy ban Quốc tế luôn bị chia rẽ bởi những bất đồng quan điểm, trong đó Canada đã nhiều lần công khai bênh vực phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Một hôm, Đại sứ Michel Gauvin, Trưởng đoàn Canada trong Ủy ban Quốc tế ngỏ ý muốn đến thăm xã giao Trung tướng Trần Văn Trà. Trung tướng đồng ý tiếp ông ta trong Trại Davis. Cùng tiếp có Đại tá Phó Trưởng đoàn Võ Đông Giang, ông Thắng là phiên dịch.

Với thái độ nhã nhặn, Trung tướng lắng nghe ông Gauvin dài dòng nói về thành tích của Ủy ban Quốc tế trong tháng Canada làm chủ tịch và ám chỉ, vu cáo ta vi phạm Hiệp định.

Bằng thái độ vừa lịch sự vừa kiên quyết, Trung tướng nhẹ nhàng mời khách ăn hoa quả, uống nước trà rồi mới “xin phép ngài cho tôi nói”. Ông đưa ra những bằng chứng về sự vi phạm hai Hiệp định Geneva và Paris của phía Mỹ và chính quyền tay sai, khẳng định “và đó là nguyên nhân súng vẫn nổ”.

Trung tướng kết luận: “Chính phủ Canada, hai lần tham gia Ủy ban Quốc tế về hai Hiệp định ngừng bắn, sẽ nghĩ thế nào về trách nhiệm của mình?”.

Nghe dịch xong phát biểu của Trung tướng, Đại sứ Gauvin không còn hăm hở muốn nói như trước nữa. Ông tỏ ra hòa nhã và nhũn nhặn lạ thường, ấp úng: “Thưa ngài Trung tướng, thú thật với ngài là tôi không hiểu gì về Hiệp định Geneva... Hồi ấy... tôi không được biết... những việc ấy. Tôi không theo dõi...”, rồi chuyển sang nói về thời tiết, khen hoa quả ngon và ca ngợi Trung tướng Trần Văn Trà là “ngôi sao sáng trên bầu trời Sài Gòn”...

Vẫn với thái độ từ tốn và lịch thiệp vốn có, Trung tướng đáp lại: “Xin đa tạ lời khen của ngài Đại sứ! Quả thật vì lòng yêu nước thương dân, vì chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà những người chiến sĩ giải phóng chúng tôi đã xả thân chiến đấu và chiến thắng, và được báo chí nước ngoài ca ngợi là những chiến sĩ chân đất huyền thoại. Tôi thật sự hãnh diện được đại diện cho nhân dân anh hùng và các chiến sĩ dũng cảm của chúng tôi ở ngay thành phố Sài Gòn để đấu tranh thi hành đúng đắn Hiệp định Paris mà chúng tôi đã phải đổ bao xương máu mới giành được”.

Lật mặt đối phương

Đại tá Đinh Quốc Kỳ có rất nhiều kỷ niệm về những ngày đấu tranh giữa nơi “hang hùm miệng rắn”, trong đó có kỷ niệm về lần Tổ trao trả đấu tranh tại Nhà tù Tam Hiệp và bản lĩnh của “anh Năm Bình”, người chỉ huy mà đến sau này ông vẫn kính phục như một người anh lớn.

Theo Hiệp định Paris, trong thời gian 60 ngày, các bên phải trao trả hết tù binh và tù dân sự bị bắt. Thế nhưng ngay đợt 1, phía Sài Gòn thông báo, hơn 900 tù binh bị họ giam giữ tại Nhà tù Tam Hiệp (Biên Hòa) không chịu đi trao trả.

Trung tướng Trần Văn Trà giao cho Trung tá Vũ Nam Bình (Nguyễn Văn Khả) cùng một tổ đến tận nơi giải quyết. Ông Khả là cán bộ an ninh kỳ cựu, Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ Đoàn B. Năm 1964, ông đã theo con tàu không số vượt biển vào nam chiến đấu trong một chuyến đi ly kỳ như huyền thoại. Ông Kỳ hứa sẽ kể câu chuyện này vào dịp khác cho chúng tôi.

Nhận nhiệm vụ, ông Khả cùng Tổ trao trả đến thẳng Nhà tù Tam Hiệp. Bị chất vấn, Giám đốc trại giam lúng túng thanh minh rằng đã xuống trại nói về việc trao trả, nhưng tù binh không chịu đi và yêu cầu được gặp đại diện phái đoàn của ta.

Ông Khả không chấp nhận lời thanh minh đó, yêu cầu phía trại giam phải thực hiện nghiêm túc các nội dung theo văn bản đã ký tại Hiệp định Paris, nếu không thì tù binh Mỹ tại Hà Nội cũng sẽ không được trao trả.

Ông yêu cầu được gặp anh em tù binh. Cuộc gặp mặt giữa những người đồng đội hết sức cảm động. Thì ra, phía chính quyền Sài Gòn đã không phổ biến các điều khoản về trao trả của Hiệp định Paris, anh em tù binh sợ bị chúng đem đi thủ tiêu.

Trước thái độ nghiêm khắc của Tổ Liên hợp ta, đối phương phải thừa nhận đã làm trái quy định của Hiệp định Paris. Để bảo đảm an toàn, không cho địch đánh tráo người, ông Khả tổ chức một tổ tù binh đối chứng, chụp ảnh chung với thành viên Tổ Liên hợp ta. Địch phải chấp hành nghiêm chỉnh, xe đưa anh em ra sân bay, xe không được cắm cờ ba sọc. Cùng lúc, 27 tù binh Mỹ ở Hà Nội cũng mới được trao trả.

Đại tá Đinh Quốc Kỳ bùi ngùi nhắc, sau này “anh Năm Bình” là Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ Chiến dịch Hồ Chí Minh, rồi Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. “Anh Năm qua đời năm 2023 ở tuổi 94. Cuộc đời và sự nghiệp chiến đấu của anh rất xứng đáng là một tấm gương, đơn vị đang làm thủ tục đề nghị phong danh hiệu Anh hùng cho anh”.

Mũi nghi binh chiến lược

Ông Thắng cho biết, hai Đoàn đại biểu quân sự ta được giao nhiệm vụ quan sát tại chỗ, tình báo kỹ thuật và tình báo chiến lược, giúp cấp trên đánh giá chính xác âm mưu và kế hoạch của địch.

Tổ tình báo kỹ thuật trong Trại Davis đã làm việc ngày đêm để tìm kiếm những dấu hiệu về hoạt động của các sư đoàn chủ lực và không quân Sài Gòn, về khả năng quân Mỹ có thể đang hoạt động ở miền nam hoặc có thể quay trở lại miền nam.

Trong những ngày tháng 4/1975, chúng ta nhận được nhiều tin rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược từ Martin, Đại sứ Mỹ và Polgar, Trùm CIA ở Sài Gòn thông qua hai đoàn Hungary và Ba Lan trong Ủy ban Quốc tế kiểm soát và Giám sát việc thi hành Hiệp định, đồng thời ta cũng khéo léo “mớm tin” qua họ để nghi binh chiến lược, đánh lạc hướng địch.

Ông Thắng cho tôi xem tài liệu, từ những nguồn tin nhận được, Đại sứ Mỹ Martin đã tỏ ra rất phấn khích: “Không những có đủ thời gian cho cuộc di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn mà có lẽ còn có đủ thời gian cho một giải pháp chính trị. Dường như Hà Nội không có ý định làm nhục người Mỹ”.

Martin và Polgar tin rằng đại quân ta sẽ tấn công đến một giới hạn nào đó (có thể là Biên Hòa) rồi dừng lại để thương lượng trên thế mạnh, nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị có lợi cho phe Cộng sản.

Ông Kỳ xác nhận điều đó và nói thêm, Nguyễn Văn Thiệu đã cố tình phá hoại Hiệp định Paris, buộc chúng ta phải chiến đấu để thực hiện mục tiêu thống nhất đất nước.

Nghe các ông, những nhân chứng lịch sử kể chuyện, chúng tôi càng nhận thức sâu sắc rằng, 823 ngày đêm chiến đấu trong lòng địch, những người chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao quân sự đã mưu trí, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào Đại thắng mùa Xuân, được công nhận là “mũi tiến công thứ 6” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 20/4/2012, hai Đoàn đại biểu quân sự ta được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng.

Hằng năm, cứ đến dịp tháng 4, cựu chiến binh Trại Davis lại quây quần gặp mặt, ôn lại những ngày kề vai sát cánh chiến đấu trên mặt trận đặc biệt này.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục